Tin 24h ngày 2/12/2024
Sáng 2/12, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo lừa đảo liên quan đến dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, chiếm đoạt tiền, thông tin cá nhân trên mạng; lừa đảo bán vé xem các chương trình ca nhạc đang thu hút sự quan tâm của công chúng.
Cụ thể, lợi dụng một bộ phận người dân chưa thông thạo về công nghệ thông tin, gặp khó khăn trong việc tự nộp hồ sơ trực tuyến, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang, hội nhóm "cò mồi" làm hộ chiếu (passport) nhanh. Việc sử dụng các dịch vụ trên mạng được cảnh báo là tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiếm đoạt thông tin cá nhân, mang đến nhiều hệ lụy khó lường.
Hiện nay, thủ tục cấp, cấp đổi hộ chiếu được thực hiện trực tuyến (online). Mặc dù có đầy đủ thông tin, hướng dẫn thực hiện trên mạng, tuy nhiên các thao tác làm thủ tục không dễ thực hiện với nhiều người.
Nắm bắt được nhu cầu người dân ngại thực hiện các thủ tục khi đi làm hộ chiếu, đặc biệt hạn chế trong các thao tác làm hộ chiếu trực tuyến trên Cổng thông tin dịch vụ công, nhiều đối tượng đã tạo lập trang thông tin (web) giả mạo quảng cáo dịch vụ làm hộ chiếu online. Với những lời quảng cáo hấp dẫn như: Làm passport chưa bao giờ dễ dàng đến thế; hồ sơ được gửi về tận nhà chỉ cần cung cấp thông tin và file ảnh; không phải xếp hàng, không chen lấn; nhận làm hộ chiếu trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố...
Ngoài ra, trên mạng xã hội, đối tượng cũng sẽ tạo các hội nhóm mang tên "Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh", "Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội", "Hộ chiếu Nhanh (Passport) Visa - Xuất nhập cảnh Việt Nam"... thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm và để lại bình luận. Đáng nói, mặc dù được chào với mức chi phí cao hơn rất nhiều lần so với mức phí theo quy định của Nhà nước, nhiều người vẫn chọn nhờ dịch vụ làm hộ chiếu.
Chị Trần Thanh Huyền (huyện Thạch Thất, Hà Nội) sau nhiều lần thử thao tác kê khai hồ sơ cấp đổi hộ chiếu trực tuyến không thành công, đặc biệt phần ảnh chụp luôn bị từ chối dịch vụ, chị Thanh Huyền đã phải dùng dịch vụ làm hộ chiếu theo thông tin trên Facebook. Chị Thanh Huyền chia sẻ: "Tôi chỉ đề cập đến việc cần làm hộ chiếu khi trao đổi với mọi người, trên trang cá nhân Facebook của tôi hiển thị hàng loạt quảng cáo dịch vụ làm hộ chiếu. Đáng nói, sau khi tôi dùng dịch vụ, nộp tiền, nộp ảnh và cung cấp đầy đủ thông tin, hơn 3 tháng sau tôi vẫn chưa nhận được hộ chiếu. Mỗi lần liên hệ, bên dịch vụ lại nói những lý do khác nhau và yêu cầu đợi. Việc này làm tôi vô cùng hoang mang, tiền thì đã chi trả rồi nhưng chẳng biết bao giờ nhận được hộ chiếu".
Cục An toàn thông tin cảnh báo, một số kẻ xấu đã lợi dụng dịch vụ làm giúp hộ chiếu để đánh cắp các thông tin của cá nhân như: Ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, e-mail, địa chỉ thường trú, mã xác thực một lần OTP... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng. Sau đó, kẻ xấu dùng tài khoản này để lừa đảo vay tiền của người thân, bạn bè, chiếm đoạt toàn bộ thông tin cư trú cá nhân của nhiều người trong ứng dụng định danh điện tử VNeID.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan Công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không sử dụng các "dịch vụ online" trên các mạng xã hội; không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc.
Với trường hợp người dân bị lừa đảo khi mua vé xem Chương trình Anh trai "Say Hi" trên các nền tảng mạng xã hội, chuyên gia an toàn thông tin phân tích, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia hoặc tạo những hội nhóm trao đổi, bán lại vé (pass) vé nhằm thu hút người dùng. Ngoài ra, đối tượng còn tung ra nhiều chiêu thức như tạo ra vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn so với giá thị trường.
Do được thiết kế giống vé thật nên người mua thường không phát hiện ra cho đến khi không thể sử dụng vé để cửa vào sự kiện. Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc trước với lý do "đảm bảo giữ vé", sau đó biến mất và không cung cấp vé. Bên cạnh đó, một số đối tượng quảng cáo vé ưu tiên (VIP) hoặc các gói dịch vụ đặc biệt mà thực chất là không tồn tại nhằm dụ dỗ người mua với các lợi ích, giá trị không có thật.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi thực hiện mua hoặc mua lại vé xem chương trình ca nhạc, sự kiện; Chỉ nên tuân thủ đúng quy định về mua bán vé theo kênh phân phối của Ban Tổ chức. Trường hợp sang nhượng, trước khi giao dịch, người dân cần kiểm tra độ uy tín của người bán, không vội vàng chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực của giao dịch; Ưu tiên các hình thức thanh toán, giao dịch trực tiếp để có thể xác định được sự uy tín của tấm vé, tránh bị trục lợi. Với các sự kiện lớn, người dân theo dõi những thông tin trên kênh bán vé chính thống, không theo dõi những thông tin được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.
Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025 và nghỉ học kỳ 1 của học sinh cả nước
Dưới đây là lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025 và nghỉ học kỳ 1 của học sinh cả nước để quý phụ huynh và học sinh tham khảo.
Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025 và nghỉ học kỳ 1 của học sinh cả nước là vấn đề được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm. Dưới đây là thông tin chi tiết về lịch nghỉ Tết Dương lịch và lịch nghỉ học kỳ 1 của học sinh cả nước:
Chi tiết lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh, sinh viên
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng đều thông báo cho học sinh các cấp nghỉ Tết Dương lịch 2025 trong 1 ngày.
Các trường cao đẳng, đại học, ngày nghỉ phụ thuộc vào lịch học của trường và học phần cá nhân. Ngoài lịch nghỉ chung, số ngày nghỉ lễ Tết của sinh viên còn tuân theo các quy định đặc biệt của từng trường đại học hoặc cao đẳng.
Lịch nghỉ học kỳ 1 của học sinh cả nước
Bộ GD&ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 như sau:
Thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2024.
Kết thúc học kỳ 1 trước ngày 18/1/2025, hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2025.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2025.
Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2025.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27/6/2025.
Kế hoạch thời gian năm học của các địa phương phải bảo đảm đủ 35 tuần thực học (học kỳ 1 có 18 tuần, học kỳ 2 có 17 tuần). Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.
Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm. Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.
Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè, hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.
Từ 5-6/12, Bắc Bộ đón đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm ở vùng núi
Khoảng từ ngày 5-6/12, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa rải rác, trời chuyển rét. |
Theo Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, khoảng từ ngày 5-6/12, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa rải rác, trời chuyển rét.
Nhiệt độ trung bình ngày ở Bắc Bộ có khả năng giảm xuống dưới 20 độ C, nhiệt độ thấp nhất vùng núi cao có nơi xuống dưới 10 độ C.
"Không khí lạnh và rét đậm, rét hại có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 12/2024 -2/2025. Hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12, tương đương so với trung bình nhiều năm. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía Bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này", ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên biển, độ cao của sóng có xu hướng tăng, độ cao sóng ở khu vực Bắc Biển Đông tăng cao, phổ biến từ 2-4m.
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chủ động ứng phó, phòng, chống rét đậm, rét hại, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến gió mùa Đông Bắc, tình hình rét và thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền cơ sở, nhân dân chủ động phòng tránh; rà soát phương án ứng phó với rét; hướng dẫn bảo đảm sức khỏe cho người dân, khuyến cáo không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người.
Các tỉnh miền núi phía Bắc tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu, cây trồng khác...
Thương hiệu SJC giảm tới 500.000 đồng mỗi lượng, tỷ giá USD cũng đi xuống
Giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh phiên mở cửa sáng đầu tuần (2/12) |
Giá vàng trong nước cùng điều chỉnh phiên mở cửa sáng 2/12, trong đó thương hiệu SJC tại các doanh nghiệp giảm tới 500.000 đồng mỗi lượng, còn vàng nhẫn cũng "bốc hơi" từ 400.000-500.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh phiên mở cửa sáng đầu tuần (2/12), trong khi tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt đi xuống.
Tại thời điểm 9 giờ, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Công ty Doji cùng niêm yết giá vàng SJC từ 82,80-85,30 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần trước.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 83,18-84,28 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), điều chỉnh 500.000 đồng/lượng. Còn tại Công ty Phú Quý giảm 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước, giá mới từ 83,10-84,40 triệu đồng/lượng
Trong tuần trước, thương hiệu SJC giảm 1,2 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn cũng giảm 1,6 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 2.635 USD/ounce, giảm khoảng 5 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên cuối tuần trước. Mức giá này tương đương 80,8 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank, thấp hơn thương hiệu SJC 4,5 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ngày 2/12 là 24.240 VND/USD, giảm 11 đồng so với ngày 30/11.
Với biên độ +/-5%, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD từ 25.149-25.452 đồng/USD (mua vào/bán ra), giảm 11 đồng.
Tương tự, Ngân hàng Vietinbank niêm yết tỷ giá USD từ 25.160-25.452 đồng/USD, Ngân hàng BIDV, Agribank cùng thông báo giá mua vào là 25.152 đồng/USD và bán ra là 25.452 đồng/USD, cùng giảm 11 đồng so với cuối tuần trước./.
Quy định mới nhất về trình tự ‘phạt nguội’ vi phạm giao thông của CSGT
Thông tư 73/2024/TT-BCA về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của Cảnh sát giao thông quy định rõ trình tự 'phạt nguội' vi phạm giao thông từ 1/1/2025. |
Thông tư 73/2024/TT-BCA về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của Cảnh sát giao thông quy định rõ trình tự 'phạt nguội' vi phạm giao thông từ 1/1/2025.
Điều 24 Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm (còn gọi là phạt nguội) của Cảnh sát giao thông.
Theo đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính sẽ:
Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan, tổ chức khác có liên quan;
Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử).
Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn nhưng Công an xã, phường, thị trấn chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm;
Gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính.
Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản, bằng phương thức điện tử kết nối, chia sẻ dữ liệu trên App VNeTraffic khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.
Đồng thời, cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, App VNeTraffic để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, tra cứu, liên hệ giải quyết.
Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an xã, phường, thị trấn, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định…
GFDI lừa đảo hơn 3.700 tỉ đồng: Khám xét tất cả chi nhánh trên cả nước
Cơ quan Điều tra Công an TP Đà Nẵng phối hợp với công an các tỉnh, thành phố khám xét tất cả chi nhánh của Công ty GFDI, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng.
Cơ quan Điều tra Công an TP Đà Nẵng phối hợp với công an các tỉnh, thành phố khám xét tất cả chi nhánh của Công ty GFDI |
Ngày 2/12, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng cho biết đã hoàn tất việc khám xét tại tất cả các chi nhánh của Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (gọi tắt Công ty GFDI) trên cả nước.
Theo đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương liên quan như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu khám xét các trụ sở mà Công ty GFDI đặt chi nhánh để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến huy động vốn trái phép và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác.
Kết quả khám xét, cơ quan công an thu giữ nhiều giấy tờ, tài liệu quan trọng của công ty này để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ án.
Trước đó, Báo điện tử VTC News đưa tin, Công ty GFDI được thành lập ngày 17/5/2018 với số vốn điều lệ 80 tỷ đồng, địa chỉ trụ sở chính tại số 92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng do ông Nguyễn Quang Hoàng là Tổng Giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật và là Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.
Từ khi thành lập, Nguyễn Quang Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết “Hợp đồng vay tài sản”.
Đến tháng 11/2023, do đầu tư kinh doanh thua lỗ, mất khả năng tài chính, Nguyễn Quang Hoàng tổ chức, chỉ đạo cho nhân viên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước.
Tháng 11/2024, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.
Ngày 8/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khám xét khẩn cấp tại trụ sở chính, sở giao dịch, hội sở của Công ty GFDI và nhà riêng của Nguyễn Quang Hoàng cùng những người có liên quan.
Ngày 18/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Quang Hoàng và Nguyễn Đỗ Đạt (Giám đốc Tài chính), Trần Thị Mỹ Hạnh (Trưởng phòng ngân quỹ), Tô Hồng Trà, Trần Thị Kiều Trang (Giám đốc, Phó Giám đốc Chi nhánh Sở giao dịch) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan Điều tra Công an TP Đà Nẵng đã rà soát, xác định 24 tài sản và rất nhiều tài khoản có liên quan đến dòng tiền bị chiếm đoạt nhằm phục vụ công tác bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của các bị can gây ra.
Trung Quốc tìm ra cách kết nối mạng di động trên tàu 1.000 km/h
Hành khách có thể xem video độ phân giải cao hoặc chơi trò chơi trực tuyến khi di chuyển với tốc độ 1.000 km/h trên tàu cao tốc ở Trung Quốc.
Ảnh minh họa |
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển thế hệ tàu cao tốc mới di chuyển qua các ống gần như chân không bằng công nghệ đệm từ để có thể đạt tốc độ 1.000 km/h, nhanh hơn cả máy bay thương mại.
Hiện nay, các tàu cao tốc ở nước này hoạt động với tốc độ 350 km/h và có thể kết nối dịch vụ 5G do các nhà mạng viễn thông cung cấp, đảm bảo duy trì kết nối ngay cả trong những đường hầm dài.
Tuy nhiên, việc duy trì kết nối mạng giữa điện thoại di động và các trạm phát sóng trở nên cực kỳ khó khăn khi tàu chạy với tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh.
Nguyên nhân là khi điện thoại nhanh chóng tiến gần rồi rời xa trạm phát sóng, tần số của tín hiệu mà nó nhận được sẽ thay đổi, trong khi việc truyền dữ liệu tốc độ lại phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu tần số cao ổn định.
Ngoài ra, việc lắp đặt và bảo trì các trạm phát sóng trong ống gần như chân không cũng rất khó khăn. Nếu một ăng-ten bị rơi ra do rung động, nó có thể gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu đang di chuyển với tốc độ cao.
Mới đây, nhóm nghiên cứu tại Đại học Đông Nam (Nam Kinh, Trung Quốc) phát hiện chỉ cần đặt hai sợi cáp song song trên bề mặt bên trong của ống là có thể giải quyết vấn đề lắp đặt trạm phát sóng.
Những sợi cáp đặc biệt này có thể "rò rỉ" tín hiệu điện từ nhằm duy trì kết nối liên tục và ổn định giữa điện thoại thông minh với các nhà mạng.
Bên cạnh đó, bằng cách sử dụng các kỹ thuật mã hóa hiệu quả và điều chỉnh vài tham số tín hiệu quan trọng, các nhiễu loạn do thay đổi tần số có thể được khắc phục tốt hơn. Các mô phỏng máy tính bước đầu xác minh giải pháp này có thể duy trì chất lượng truyền thông ổn định trong quá trình trao đổi dữ liệu theo tiêu chuẩn 5G hiện hành.
Tổng công ty Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã xây dựng cơ sở nghiên cứu lớn nhất thế giới về tàu đệm từ ống chân không tại Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, và bắt đầu thử nghiệm đẩy tốc độ cao trên các phương tiện nguyên mẫu.
Nhiều thành phố Trung Quốc cũng đang xin phép chính phủ xây dựng tuyến tàu đệm từ ống chân không thương mại đầu tiên.
Phương thức vận tải mặt đất mang tính cách mạng này còn gọi là “hyperloop”, lần đầu tiên được đề xuất bởi tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX. Các công nghệ tương tự cũng có thể được sử dụng để phóng tàu vũ trụ vào không gian với chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, tỷ phú Musk từ bỏ dự án này vào cuối năm ngoái do các thách thức về công nghệ và tài chính. Điều này khiến Trung Quốc trở thành quốc gia duy nhất hiện đang phát triển công nghệ tàu đệm từ./.