Tin 24h ngày 30/9/2024
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Pháp
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rời Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tham gia Đoàn chính thức có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Chủ tịch phân ban Việt Nam tại Liên minh Nghị viện Pháp ngữ APF, Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp); Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Tô Ân Xô, Trợ lý của Tổng Bí thư; Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư; Nguyễn Tuấn Thanh, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ (tham gia các hoạt động tại Mông Cổ); Đỗ Minh Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Ireland (tham gia các hoạt động tại Ireland); Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp (tham gia các hoạt động tại Pháp).
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm khẳng định một lần nữa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời cũng thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ireland, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp và mong muốn nâng tầm, làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác phù hợp với tình hình mới và lợi ích của các nước.
Thời tiết ngày 30/9: Không khí lạnh gây mưa ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trời chuyển mát
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 30/9, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc vẫn đang di chuyển xuống phía Nam sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 30-90 mm, cục bộ có nơi trên 180 mm.Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 1/10, mưa lớn giảm nhanh ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá.
Trong đợt không khí lạnh này, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển mát; đêm và sáng sớm trời lạnh, riêng vùng núi Bắc Bộ trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến từ 19-22 độ C, vùng núi 17-19 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C; ở Nghệ An-Hà Tĩnh nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20-23 độ C.
Trên biển từ trưa ngày 1/10, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 1,5-2,5 m.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:
Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Gió đông nam cấp 2-3, từ gần sáng ngày mai gió chuyển hướng đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-32 độ C.
Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Gió đông nam cấp 2-3, từ gần sáng ngày mai gió chuyển hướng đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, riêng vùng núi 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mây, ngày có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, riêng Nghệ An-Hà Tĩnh cục bộ có nơi mưa to đến rất to; riêng Thanh Hóa nhiều mây, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mây, ngày nắng, chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C.
Nam Bộ có mây, ngày nắng, chiều tối có mưa rào rải rác và có nơi có dông, đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C.
Bão Krathon có khả năng đi vào Biển Đông trong 24 giờ tới
Vị trí và đường đi của bão. Ảnh: KTTV |
Dự báo, trong 24 giờ tới, bão Krathon có khả năng đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Theo dự báo hiện tại, bão không có khả năng ảnh hưởng đến vùng ven biển và đất liền nước ta.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 121,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167 - 183km/giờ), giật trên cấp 17. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10 - 15km/giờ.
Dự báo, trong 24 giờ tới, bão Krathon có khả năng đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Theo dự báo hiện tại, bão không có khả năng ảnh hưởng đến vùng ven biển và đất liền nước ta.
Đến 13 giờ ngày 1/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10km/giờ, có khả năng đi vào Biển Đông, vị trí tại 21,0N-119,7E; trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông; cường độ bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17; vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 18,0N; phía Đông kinh tuyến 116,5E; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là khu vực phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông.
Dự báo, đến 13 giờ ngày 2/10, bão di chuyển theo hướng Bắc, tốc độ 5 - 10km/giờ, vị trí tại 22,2N-119,9E; trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông; cường độ bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17; vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 18,5N; phía Đông kinh tuyến 116,5E; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông.
Đến 13 giờ ngày 3/10, bão di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ, cường độ suy yếu dần, vị trí bão tại 24,6N-122,0E; trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Đài Loan (Trung Quốc); cường độ bão mạnh cấp 10, giật cấp 12; vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 20,0N; phía Đông kinh tuyến 117,0E.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông (phía Bắc vĩ tuyến 18,0N; phía Đông kinh tuyến 116,5E) gió mạnh cấp 6-7, từ gần sáng ngày 01/10 mạnh lên cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-4,0m, sau tăng lên cấp 10-12, vùng gần tâm bão cấp 13-15, giật trên cấp 17, sóng biển cao 7,0-9,0m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Chính thức thông xe cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng
Dòng phương tiện qua cầu sau lệnh thông xe chính thức lúc 6 giờ ngày 30/9. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Đúng 6 giờ ngày 30/9, Lữ đoàn công binh 249 (Binh chủng Công binh) đã chính thức cho thông xe cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao (Phú Thọ).
Cầu được hoàn thành, đi vào vận hành trong sự mong đợi, vui mừng của người dân Phú Thọ và các tỉnh, thành phố khác.
Ông Nguyễn Văn Hạ ở xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) cho biết, từ khi xảy ra sự cố cầu Phong Châu bị sập, nhân dân trong xã đi lại rất khó khăn. “Nay cầu phao được lắp tôi thấy rất mừng. Tôi mong các cấp lãnh đạo sớm triển khai xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu để người dân đi lại thuận tiện hơn và không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương", ông Hạ nói.
Anh Nguyễn Văn Quân, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao cũng chia sẻ, từ khi cầu Phong Châu bị sập anh phải di chuyển qua cầu Ngọc Tháp theo đường Hồ Chí Minh về xã Hương Nộn hoặc đến trung tâm huyện. Tuyến đường này xa gấp 3 lần so với bình thường, đi sớm về muộn nên cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn.
Niềm vui không chỉ riêng của anh Quân, ông Hạ mà là niềm vui chung của đông đảo nhân dân bởi đây là cây cầu huyết mạch nối các huyện trong tỉnh Phú Thọ và Hà Nội, Vĩnh Phúc…
Lãnh đạo xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho hay, việc thông xe cầu phao Phong Châu nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao cơ bản khắc phục tình trạng đi lại khó khăn của người dân trong xã. Xã phối hợp cơ quan chức năng phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian vận hành cầu, đảm bảo việc đi lại của người dân thuận lợi…
Sau 20 ngày xảy ra sự cố, sáng 29/9, Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) đã bắc cầu phao PMP 60 tấn, cách cầu Phong Châu bị sập do bão số 3 gây ra khoảng 400m về phía hạ lưu sông Hồng.
Cầu phao được lắp đặt thuộc địa bàn xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) và xã Bản Nguyên (huyện Lâm Thao). Để lắp được cầu phao, Lữ đoàn 249 huy động trên 200 cán bộ, chiến sỹ và gần 90 phương tiện các loại tham gia thực hiện nhiệm vụ. Lữ đoàn 249 xác định sử dụng 26 đốt khơi, 2 đốt mố để khớp nối, lắp ghép các đốt khơi lại và cố định tạo thành cầu phao hoàn chỉnh.
Cầu được vận hành trong thời gian từ 6 - 22 giờ hằng ngày. Các phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy, xe mô tô 3 bánh được phép lưu thông 2 chiều, vận tốc không quá 5 km/h. Đối với xe ô tô, chỉ cho phép ô tô con, xe bán tải (2-4 chỗ ngồi) lưu thông một chiều khi qua cầu, thời gian mỗi chiều lưu thông 10 phút, khoảng cách giữa các xe trên cầu không quá 30m, vận tốc không quá 10 km/h.
Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ xây dựng phương án phân luồng trong quá trình sửa chữa cầu Phong Châu. Theo đó, các xe có tổng tải trọng từ 10 tấn trở xuống, xe thô sơ, xe máy, người đi bộ được lưu thông qua sông Hồng bằng cầu phao thay cho cầu Phong Châu bị sập.
Đối với việc cầu Phong Châu bị sập, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ đề xuất xây dựng cầu Phong Châu mới tại vị trí cầu cũ bị sập.
Tổng chiều dài dự án khoảng 1 km, trong đó cầu Phong Châu mới có chiều dài 400m, đường dẫn đầu cầu kết nối với tuyến đường giao thông liên vùng chiều dài 600m.
Cầu Phong Châu mới được thiết kế theo phương án cầu đúc hẫng cân bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; bề rộng toàn cầu 21,5m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn và lan can cầu, mức đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới là 875 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao UBND tỉnh Phú Thọ là cơ quan chủ trì, khẩn trương phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai ngay nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 1/10.
Mới đây, ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Liên quan đến sự cố sập cầu Phong Châu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng tỉnh Phú Thọ phải xây dựng lại xong, chậm nhất trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách báo cáo Chính phủ.
Hà Nội: Mất 500 triệu đồng sau khi cài phần mềm lạ
Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang phối hợp điều tra vụ chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh cơ quan công an gọi điện, yêu cầu người dân cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo để làm căn cước.
Mới đây anh P (trú tại quận Cầu Giấy) nhận được điện thoại của một đối tượng, tự xưng là cán bộ công an, yêu cầu anh cài đặt phần mềm để làm căn cước cho con.
Sau đó, đối tượng gửi cho anh P đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Khi quét mã QR xác thực khuôn mặt, anh P phát hiện máy bị treo. Khi tắt máy, khởi động lại thì tài khoản ngân hàng của anh đã bị mất hơn 500 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, anh P đã đến cơ quan công an trình báo.
Công an cảnh báo, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện, tự xưng là cán bộ công an, cảnh sát khu vực, yêu cầu người dân tải ứng dụng trên điện thoại để làm thủ tục cấp căn cước trực tuyến.
Ngay sau khi cài đặt phần mềm này, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Cảnh báo tội phạm đánh cắp dữ liệu thẻ ATM qua Skimming
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa có khuyến cáo gửi khách hàng cần bảo mật thông tin khi giao dịch tại các cây nạp/rút tiền tự động (ATM/CDM).
Cụ thể, khách hàng khi giao dịch tại các cây nạp/rút tiền tự động (ATM/CDM), cần cảnh giác với thủ đoạn lấy cắp dữ liệu của kẻ gian. Kẻ gian sử dụng thiết bị nhỏ để gắn vào khe đọc thẻ ATM để sao chép dữ liệu ở dải băng từ của thẻ.
Bên cạnh đó, kẻ gian có thể gắn các thiết bị trá hình camera, gắn camera siêu nhỏ, lắp bàn phím giả, hay các công nghệ cao khác... để thực hiện đánh cắp mã PIN khi khách hàng thao tác trên ATM. Từ việc ăn cắp được các thông tin trên, tội phạm sẽ tạo và sử dụng thẻ giả để đánh cắp tiền của khách hàng.
Trước tình hình này, VPBank khuyến cáo khách hàng chủ động bảo vệ các thông tin thẻ. Khi nhận thẻ lần đầu, khách hàng cần nghiên cứu, đọc kỹ nội dung hướng dẫn sử dụng thẻ được ngân hàng gửi kèm khi trả thẻ; kích hoạt thẻ và đổi mã PIN được ngân hàng cấp lần đầu trước khi thực hiện các giao dịch khác tiếp theo.
Khi thực hiện thao tác rút tiền, người dân cần chú ý quan sát xung quanh để đảm bảo việc rút tiền được thực hiện riêng tư, luôn dùng tay che bàn phím khi nhập mã PIN; kiểm tra kỹ khu vực đầu đọc thẻ, bàn phím và xung quanh máy ATM. Tuyệt đối không thực hiện giao dịch khi phát hiện các thiết bị lạ được dán/ốp/kết nối bất thường với ATM hoặc ATM ở tình trạng không nguyên vẹn…
Ngoài ra, để tiện lợi và hạn chế rủi ro cho người dùng, các ngân hàng hiện có dịch vụ rút tiền bằng QR code - không cần dùng thẻ vật lý, điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro lộ thông tin thẻ. Ngoài ra, khách hàng nên cài đặt hạn mức giao dịch của thẻ ở hạn mức thấp, khi cần giao dịch hạn mức cao hơn thì cài đặt lại và chuyển trở về hạn mức thấp sau khi giao dịch hoàn tất…
VPBank không phải là ngân hàng đầu tiên đưa ra cảnh báo giao dịch nạp/rút tiền ở ATM. Tình trạng lộ thông tin thẻ rút tiền cũng như mã PIN đã xuất hiện từ nhiều năm qua ở nhiều nước; trong đó, có Việt Nam và đã được nhiều ngân hàng thương mại cảnh báo trong thời gian qua.
Phương thức thủ đoạn tội phạm sử dụng là gắn thiết bị (Skimming) vào các máy POS/ATM với mục đích lấy cắp thông tin thẻ của khách hàng để làm thẻ giả và sử dụng thẻ giả này rút tiền tại các cây ATM.
Skimming là thiết bị nhỏ được kẻ gian gắn vào khe đọc thẻ POS/ATM. Thiết bị này có thể sao chép dải từ của thẻ ATM, chứa thông tin về số tài khoản, tên chủ thẻ và ngày hết hạn. Kẻ gian có thể sử dụng thông tin này để tạo thẻ ATM giả và rút tiền từ tài khoản của người khác. Ðối tượng thường cài đặt thiết bị skimming vào ban đêm hoặc khi khách hàng giao dịch tại ATM. Thiết bị được thiết kế giống với khe đọc thẻ thật, do đó, rất khó phát hiện.
Sau thời gian "im ắng", hoạt động phạm tội này có dấu hiệu gia tăng trở lại. Cảnh báo trên của VPBank được đưa ra trong bối cảnh đầu tháng 9/2024, tại địa bàn TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xảy ra vụ việc các đối tượng sử dụng nhiều thẻ ATM "giả" để rút tiền tại cây ATM ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến 95 triệu đồng.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm đánh cắp thông tin thẻ ATM qua thiết bị skimming, cơ quan công an Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có khuyến cáo người dân một số lưu ý khi giao dịch tại các máy POS/ATM.
Trong đó, cần kiểm tra, quan sát kỹ máy POS/ATM để đảm bảo không có thiết bị lạ được gắn vào khe đọc thẻ, bàn phím nhập mật khẩu... Đối với giao dịch tại ATM, chủ thẻ nên chọn các cây đặt tại chi nhánh ngân hàng, đặt tại tòa nhà có nhân viên hoặc hoạt động dưới sự giám sát của hệ thống cảnh báo, camera, phòng kín...
Tìm thấy thi thể nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở tại Hà Giang
Lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể nạn nhân Tô Đình Điệp dưới lớp đất đá. |
Trưa 30/9, lực lượng Công an tỉnh Hà Giang đã tìm thấy thi thể anh Tô Đình Điệp, 1 trong 4 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất thuộc địa phận thôn Nậm Buông, (xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang).
Trước đó, mưa lớn, sạt lở đất đã xảy ra tại các xã trên địa bàn huyện Bắc Quang (Hà Giang) khiến giao thông trên tuyến Quốc lộ 2 ách tắc. Sạt lở cũng làm đổ sập hoàn toàn 8 nhà dân, 17 ngôi nhà bị thiệt hại từ 50% trở lên. 56 hộ dân với 222 nhân khẩu ở thôn Thượng Mỹ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đã phải di dời khẩn cấp...
Ngay sau khi sự cố sạt lở đất xảy ra, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, phối hợp với các đơn vị chức năng tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp. Tại khu vực sạt lở thôn Bản Buốt, xã Đồng Tâm, vào hồi 16h40’ chiều 29/9, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể cháu Mai Thị Thùy Chang (SN 2014) bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Bắc Quang vẫn còn 3 người mất tích tại điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 2, gồm: Nguyễn Anh Tuấn (SN 1992, trú tại thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh); Nguyễn Viết Thuộc (trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Quang); chị Vần Thị Xưởng (SN 1970, trú tại thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh) mất tích do nước lũ cuốn trôi.
Do mưa to kèm theo dông, sét, lượng nước chảy từ trong hang núi ra nhiều nên tạo nhiều khối bùn đất, nguy cơ sạt lở đất có thể tiếp diễn nên công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở Km49, Quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh gặp rất nhiều trở ngại, nguy hiểm. Đến thời điểm này, do chưa xác định được số lượng người bị vùi lấp, thông tin ban đầu chỉ dựa trên thông tin của người thân trình báo nghi bị nạn, nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn.
Cùng với triển khai công tác cứu hộ tìm kiếm người dân mất tích, các CBCS Công an tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao di dời đến nơi an toàn. Qua theo dõi, phát hiện đất từ taluy dương của Quốc lộ 2, gần điểm sạt lở xuất hiện thêm vết nứt rộng khoảng 2m, có nguy cơ sạt lở, đe dọa đến sự an toàn về nhà ở của 19 hộ dân ở thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh. Lực lượng chức năng đã vận động các hộ dân nhanh chóng di dời đến nơi an toàn, đồng thời cấm phương tiện và người dân đến gần khu vực sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tại các khu vực bị sạt lở trên tuyến Quốc lộ 2, Công an tỉnh Hà Giang cũng phân công, bố trí cán bộ theo dõi tình hình, tạm thời cấm các phương tiện lưu thông qua lại, hướng dẫn người dân di chuyển sang những tuyến đường tránh để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tiếp tục triển khai các phương án để nhanh chóng khắc phục hậu quả sạt lở đất, tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.
Lâm Đồng: Giải cứu an toàn hai du khách đi lạc trên đỉnh Langbiang
Ngày 30/9, thông tin từ UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết, các đơn vị chức năng giải cứu thành công hai du khách đi lạc ở khu rừng thuộc dãy núi Langbiang trong điều kiện thời tiết mưa, gió.
Trước đó, vào lúc 14 giờ 48 phút ngày 29/9, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07, Công an tỉnh Lâm Đồng) nhận tin báo của người bị nạn về việc mắc kẹt trên núi Langbiang chưa thoát ra được.
Ngay khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã điều xe cứu nạn cứu hộ, xe chỉ huy cùng 10 cán bộ, chiến sĩ tổ chức tìm kiếm, giải cứu nạn nhân mắc kẹt trên núi.
Khi đến hiện trường, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng cùng Công an huyện, Đội tự quản huyện Lạc Dương, Đội an ninh của Khu du lịch Langbiang và dân quân thị trấn Lạc Dương tổ chức tìm kiếm người bị nạn trong giữa lúc mưa, gió, đường đi trơn trượt.
Sau 3 giờ tìm kiếm, đến 17 giờ cùng ngày, hai du khách được tìm thấy ở khu vực rừng già bên cạnh vực sâu. Lực lượng cứu hộ dìu cả hai lên đến đường mòn để xe chuyên dụng đưa về nơi an toàn.
Qua xác minh, nạn nhân là anh T. T. T (sinh năm 1997, trú tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) và chị N. M. A (sinh năm 2006, trú tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong quá trình tham gia tìm kiếm người bị nạn, anh Krasan Sroan thuộc Đội an ninh của Khu du lịch Langbiang bị trượt ngã chấn thương, được lực lượng cứu nạn, cứu hộ đưa đến nơi an toàn.
Được biết, nguyên nhân do du khách bất cẩn, tự ý đi vào rừng tham quan và khi đi không thông báo với trực gác tại Cổng khu du lịch Langbiang nên mất phương hướng, lạc trong rừng. Đây là khu vực từng xảy ra các vụ du khách đi lạc, lực lượng chức năng phải nhiều lần tổ chức giải cứu…
Thí sinh 80 tuổi phá vỡ rào cản tuổi tác tại Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc
Bà Choi Soon-Hwa, người sẽ bước sang tuổi 81 vào tháng tới, có thể làm nên lịch sử với tư cách là người lớn tuổi nhất tham gia Hoa hậu Hoàn vũ nếu bà được chọn đại diện cho Hàn Quốc. Ảnh: Instagram/soonhwa01 |
Bà Choi Soon Hwa, 80 tuổi, đang đứng trước cơ hội làm nên lịch sử khi trở thành thí sinh lớn tuổi nhất từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc.
Sinh ra gần một thập kỷ trước khi cuộc thi đầu tiên được tổ chức vào năm 1952, bà Choi vừa được công bố là một trong những thí sinh bước vào chung kết cuộc thi năm nay, diễn ra ngày 30/9.
Bà Choi sẽ tranh tài với 31 người đẹp khác để giành chiếc vương miện danh giá và cơ hội đại diện cho Hàn Quốc tại vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ ở Mexico vào tháng 11 tới. Chia sẻ với báo giới, "người đẹp không tuổi" cho biết bà muốn chứng minh với thế giới rằng phụ nữ có thể sống tích cực và khỏe mạnh ngay cả khi già đi.
Trong nhiều thập niên qua, Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đã áp dụng quy định giới hạn độ tuổi thí sinh từ 18 đến 28 tuổi. Tuy nhiên, từ năm nay, quy định này đã được dỡ bỏ, mở ra cơ hội cho phụ nữ ở nhiều lứa tuổi tham gia. Năm ngoái, tổ chức này cũng đã loại bỏ quy định giới hạn phụ nữ mang thai, đã kết hôn hoặc từng kết hôn tham gia.
Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Hàn Quốc tuyên bố rằng "tuổi tác không quan trọng trong hành trình vươn tới ước mơ", đồng thời loại bỏ phần thi áo tắm. Trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở nước nhà năm nay, bà Choi sẽ thể hiện tài năng ca hát, trong khi các thí sinh khác sẽ trình diễn các điệu nhảy hoặc trang phục truyền thống "hanbok" của Hàn Quốc. Người chiến thắng sẽ được quyết định thông qua hệ thống tính điểm dựa trên bình chọn trực tuyến và đánh giá của ban giám khảo. Các cuộc thi sắc đẹp tại Hàn Quốc đã đối mặt với sự chỉ trích trong những năm gần đây vì quảng bá chuẩn mực sắc đẹp gắn liền với phẫu thuật thẩm mỹ.
Mặc dù đây là lần đầu tiên bà Choi tham gia cuộc thi sắc đẹp, nhưng bà đã tạo dựng được tên tuổi trong giới thời trang Hàn Quốc. Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 50, bà Choi bắt đầu làm người mẫu ở tuổi 72 để trả nợ. Kể từ khi ra mắt tại Tuần lễ Thời trang Seoul vào năm 2018, bà Choi đã xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng như Harper’s Bazaar và Elle, cũng như các quảng cáo cho những thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc./.