Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 29/8/2024

Việt Nam
Sáng 29/8/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức Lễ khánh thành các dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu chính tại trạm biến áp 500 kV Phố Nối (Hưng Yên) và 8 điểm cầu thuộc 8 tỉnh nơi có dự án đi qua.
aa

Khánh thành Dự án đường dây 500kV mạch 3

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành các dự án đường dây 500 kV mạch 3. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại điểm cầu chính Phố Nối (Hưng Yên). Lễ khánh thành có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực kết nối lưới điện truyền tải liên miền Bắc - Trung - Nam, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối có tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỉ đồng đi qua 9 tỉnh, gồm 4 dự án thành phần. Với tổng chiều dài khoảng 519 km, dự án có quy mô 1.177 cột; trong đó, cột cao nhất là 145 m, cột nặng nhất tới 415 tấn, thi công trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nhau như mưa rét, nắng nóng, bão lũ, mưa giông, gió lốc… và đi qua nhiều địa hình hiểm trở.

Thời tiết ngày 29/8: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 28/8, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%. Các nơi khác ở Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ có nơi trên 35 độ C.

Ngày 29-30/8, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.

Sáng sớm ngày 29/8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông cục bộ. Chiều tối và tối 29/8, khu vực Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30 mm, cục bộ có nơi trên 50 mm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30 mm, cục bộ có nơi trên 80 mm.

Trên biển, khu vực giữa Biển Đông và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-9, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2 m.

Ngày và đêm 30/8, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2 - 4 m.

Áp thấp gần Biển Đông dự kiến xuất hiện cuối tuần này

Tin 24h ngày 29/8/2024
Áp thấp có thể xuất hiện gần Biển Đông trong vài ngày tới. Ảnh vệ tinh 6h30 ngày 29.8: PAGASA

Theo dự báo bão, áp thấp mới nhất, một cụm mây có thể phát triển thành áp thấp gần Biển Đông trong vài ngày tới.

Theo tin bão mới nhất ngày 29.8 của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí tượng Philippines (PAGASA), một cụm mây ở phía đông đất nước có thể phát triển thành vùng áp thấp và đi vào khu vực giám sát thời tiết của Philippines (PAR).

Cụm mây, cùng với gió mùa tây nam sẽ mang lại lượng mưa cho hầu hết các khu vực của đất nước, theo Benison Estareja, chuyên gia dự báo thời tiết của PAGASA.

Estareja thông báo trong một bản tin dự báo thời tiết công khai: Chúng tôi liên tục theo dõi các cụm mây ở phía đông đất nước. Chúng có thể phát triển thành áp thấp trong những ngày tới và đi vào khu vực giám sát của Philippines.

Estareja cho biết mưa dự kiến ​​sẽ xảy ra ở các khu vực phía đông của đất nước, đặc biệt là ở các vùng Caraga và Davao ở Mindanao, do các cụm mây này.

Tương tự, Zambales, Bataan, Occidental Mindoro và Palawan cũng sẽ có mưa do gió mùa tây nam.

Theo bản tin dự báo thời tiết lúc 4 giờ sáng ngày 29.8 của PAGASA, trời u ám, mưa rào rải rác và giông bão dự kiến ​​sẽ xảy ra ở Metro Manila, Tây Visayas, Vùng đảo Negros, Calabarzon (Cavite, Laguna, Batangas, Rizal và Quezon), Pangasinan, Tarlac, Pampanga, Bulacan và phần còn lại của Mimaropa (Occidental Mindoro, Oriental Mindoro, Marinduque, Romblon, Palawan).

Dự kiến trời nhiều mây với mưa rào rải rác hoặc giông bão ở phần còn lại của đất nước.

PAGASA không đưa ra cảnh báo gió giật mạnh trên bất kỳ vùng bờ biển nào của đất nước.

Trong tuần từ 2-8.9.2024, PAGASA cho biết, một vùng áp thấp có khả năng hình thành ở phía bắc khu vực dự báo của PAGASA (PMD). Áp thấp này ít có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo bản đồ dự báo bão/áp thấp tháng 9 của PAGASA, các cơn bão có xu hướng di chuyển theo 4 đường đi chính.

Đường đi của bão hướng về phía đông bắc, ảnh hưởng đến khu vực Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số cơn bão di chuyển về phía tây bắc, hướng đến Đài Loan (Trung Quốc).

Nguy hiểm hơn, nhiều cơn bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào Philippines, sau đó tiến vào Biển Đông và di chuyển về phía Việt Nam. Cụ thể, bão có thể quét qua miền bắc và cực bắc đảo Luzon rồi tiến thẳng vào Hong Kong (Trung Quốc) hoặc Việt Nam.

Hướng bão khác có thể đổ bộ vào miền nam đảo Luzon và di chuyển thẳng vào Việt Nam.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, tháng 9, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2 - 3 cơn đổ bộ vào đất liền.

Kon Tum: người dân lo lắng nạn trộm cắp sâm Ngọc Linh

Hết bị chim, chuột phá, nay người trồng sâm Ngọc Linh tại Kon Tum tiếp tục âu lo bởi nạn đào, nhổ trộm. Các hành vi trộm cắp sâm Ngọc Linh trồng trên rừng ngày một nhiều và tinh vi. Người trồng sâm đang lo lắng từng ngày.

Một vụ trộm sâm với số lượng lớn vừa xảy ra tại vườn sâm của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum. Đến nay, sau 1 tuần, chủ vườn vẫn không hiểu đối tượng đột nhập bằng cách nào để nhổ trộm 160 cây sâm. Tất cả sâm bị nhổ trộm đều là cây giống củ to, đang cho ra hoa, hạt lần đầu. Các cây sâm giống nhỏ, trộm không nhổ.

Theo anh Nguyễn Thanh Hoàng, công nhân quản lý vườn sâm của công ty cho biết: Ngày 21/8, vườn sâm của công ty gặp sự cố mất điện phải khắc phục. Đến sáng 22/8, anh cùng một số người đi sửa máy điện thì phát hiện đường dây điện có dấu hiệu bị phá, chặt đứt. Ngay sau đó, anh Hoàng đi kiểm tra vườn sâm thì thấy hàng loạt cây sâm bị nhổ trộm. Qua thống kê, có 141 cây sâm 3 năm tuổi đang ra hoa, hạt cùng 17 cây sâm lớn, trồng từ 8-10 năm tuổi và 2 cây sâm rừng tự nhiên bị trộm. Sau sự việc, anh Hoàng đã trình báo lực lượng chức năng.

Băn khoăn không biết vì sao trộm đột nhập vào được vườn sâm, anh Trần Đức Long, nhân viên của công ty cho biết: Thời điểm mất sâm trùng với thời điểm mất điện nên không có camera để xem lại hình ảnh. Dây điện bị phá, chặt bằng dao, rựa. Người trộm phải là người rành, hiểu biết khu vực trồng sâm mới có thể đột nhập để nhổ trộm. Thời điểm mất trộm, anh, em đang tập trung trồng sâm dây.

Theo quan sát của phóng viên, số cây bị nhổ trộm toàn là cây lớn. Riêng hàng trăm cây sâm nhỏ, trồng cạnh bên không bị trộm. Khu vực trồng được rào chắn cẩn thận nhưng không có dấu hiệu bị cạy, phá.

Thời gian qua, ở Kon Tum xảy ra rất nhiều vụ mất trộm sâm Ngọc Linh. Cụ thể, trong tháng 2/2024 có 800 cây sâm từ 4-10 năm tuổi bị nhổ trộm ở các xã Tê Xăng, Ngọk Lây, Đăk Sao, Đăk Na. Tại xã Măng Ri, từ đầu năm đến nay có 3 vụ mất trộm. Riêng các vụ việc nhỏ lẻ, nhổ trộm vài cây thì người dân không khai báo. Hiện người trồng sâm đang lo lắng trước nạn trộm cắp diễn ra tại nhiều vườn sâm nhưng chưa thể tìm thấy thủ phạm.

Lực lượng chức năng đang điều tra, đi tìm thủ phạm các vụ trộm sâm Ngọc Linh. Người dân ở các làng cũng tìm cách truy lùng để trừng trị kẻ trộm bằng hương ước, quy ước, nhằm bảo vệ vườn sâm. Tháng 6 vừa qua, tại xã Măng Ri huyện Tu Mơ Rông xảy ra vụ mất trộm gần 100 cây sâm ở vườn sâm của người dân làng Long Láy.

Theo anh A Phú, trưởng thôn Long Láy: Khi xảy ra vụ việc, người dân báo lực lượng chức năng. Cùng đó, dân làng tổ chức họp, hỏi nguồn gốc của sâm Ngọc Linh dân đang trồng. Sau quá trình "điều tra", đối tượng A Thảo (một người dân trong làng) đã thừa nhận hành vi trộm gần 100 gốc sâm. Sau đó, thể theo "luật làng", A Thảo phải trả lại gần 100 cây sâm đã lấy và bị phạt trả thêm 200 cây sâm. Đồng thời, sau này nếu có trồng sâm, A Thảo phải thông báo thôn, làng biết; không được tự trồng riêng. Do đối tượng là người trong làng nên mức phạt thấp, nếu người làng khác, mức phạt tăng hơn nhiều. Nếu người trộm không có sâm để trả đủ theo “luật”, có thể bù bằng trả tiền, ruộng rẫy, cà phê, anh A Phú cho biết.

Trước việc áp dụng "luật làng" trên, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho rằng: Tùy từng vụ việc để xử lý phù hợp, có thể sử dụng “luật” của làng, đặc biệt là các hương ước, quy ước có tính răn đe cao để xử lý các vụ việc nhỏ. Với các vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cần phải răn đe, cảnh báo thì giao cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh.

Nhằm ngăn chặn tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã ra nhiều văn bản, giao Công an huyện chỉ đạo Công an xã phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tuần tra, kiểm soát để bảo vệ an ninh trật tự, đặc biệt là phòng, chống trộm cây sâm Ngọc Linh. Các xã tiếp tục rà soát, thống kê, quản lý diện tích sâm trồng của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Đây là cơ sở, hồ sơ pháp lý, để khi sâm bị trộm, người dân có cơ sở khẳng định là tài sản của mình. Cùng đó, huyện tổ chức phát động phong trào Vì an ninh Tổ quốc tại cơ sở để tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống trộm cắp sâm Ngọc Linh.

Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành

Chú thích ảnh
Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh bị bắt. Ảnh: CA

Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng dưới hình thức cho nhận con nuôi tại 32 tỉnh, thành và đã khởi tố, bắt tạm giam 16 đối tượng.

Chiều 28/8, Công an TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về quá trình triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng dưới hình thức cho nhận con nuôi, hoạt động tại 32 tỉnh, thành trên cả nước.

Qua công tác phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và theo dõi các Hội nhóm trên không gian mạng có liên quan đến hoạt động cho nhận con nuôi, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều thông tin, tài liệu nghi vấn thực hiện hoạt động mua bán trẻ sơ sinh.

Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xác lập chuyên án trinh sát để tập trung đấu tranh làm rõ. Theo đó, phân công Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an Thành phố, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố làm Trưởng Ban Chuyên án; Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Tân Bình và các các đơn vị có liên quan cùng tham gia.

Từ thông tin, tài liệu thu thập được, công an xác định đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào (SN 1989, quê Nghệ An) đang nuôi giữ một trẻ sơ sinh nam (3 ngày tuổi) tại một khách sạn trên địa bàn Phường 2, quận Tân Bình. Sau khi làm việc, bước đầu đối tượng Đào thừa nhận đã dùng thủ đoạn gian dối tìm nhận con nuôi do hoàn cảnh hiếm muộn. Theo đó, đối tượng Đào đã liên lạc, nhận nuôi trẻ sơ sinh từ chị T.T.T.N (cư trú tại tỉnh Đắk Lắk, mẹ ruột đứa trẻ) nhưng thực chất là để lại cho 1 cặp vợ chồng ở tại TP Hồ Chí Minh, thu lợi bất chính 40 triệu đồng.

Khẩn trương đấu tranh, mở rộng chuyên án, Công an Thành phố đã xác định đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho nhận con nuôi, hoạt động với quy mô lớn tại 32 tỉnh, thành; được điều hành bởi các đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào, Hoàng Thị Nhung (SN 1982, ngụ tỉnh Đồng Nai), Đỗ Thị Thúy Ngân (SN 1994, ngụ TP Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (SN 1983, ngụ thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Đường dây có với sự tham gia, giúp sức của 6 đối tượng môi giới.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đường dây tội phạm thông qua Hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 đứa trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi) với số tiền từ 10 - 23 triệu đồng/1 trẻ; sau đó, bán lại với số tiền từ 35 - 75 triệu đồng/trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Đáng chú ý, để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho nhận con nuôi, các đối tượng đã móc nối với đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Phan Phương Nam (SN 1989, quê tỉnh Đồng Nai) cầm đầu để đặt mua giấy chứng sinh giả nhằm hợp thức hóa thủ tục cho - nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho các cháu bé bị mua bán.

Khám xét khẩn cấp địa điểm làm giả giấy tờ, tài liệu tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Công an Thành phố phát hiện, thu giữ 49 công cụ, phương tiện (máy tính, máy in, máy dập, máy photo, máy ép nhựa, mực in, các loại con dấu, các loại phôi...) và hàng ngàn loại giấy tờ giả các loại; trong đó có nhiều giấy chứng sinh giả.

Lần theo thông tin từ các giấy chứng sinh giả thu giữ nêu trên, Công an Thành phố đã thành lập 9 Tổ công tác, khẩn trương xác minh 84 trường hợp trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị mua bán tại 32 tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, phát hiện giải cứu kịp thời các trường hợp trẻ em đã bị mua bán; tiến hành bàn giao, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Đặc biệt đã phát hiện, giải cứu một bé trai 20 ngày tuổi bị đối tượng Vi Thị Anh (SN 1986, quê tỉnh Sơn La, hiện đang chờ chấp hành 2 bản án với tổng hình phạt hơn 12 năm 6 tháng phạt tù về tội mua bán trái phép chất ma túy) mua lại dưới thủ đoạn nhận con nuôi để hoãn chấp hành án phạt tù.

Đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 16 đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước; tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Cảnh sát giao thông dùng flycam phát hiện hàng loạt xe vi phạm trên Vành đai 3 Hà Nội

Chú thích ảnh
Đội CSGT số 6 triển khai thiết bị bay flycam dọc tuyến Vành đai 3 để ghi hình người điều khiển phương tiện vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông trên tuyến Vành đai 3, tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đã chính thức đưa thiết bị bay không người lái (flycam) vào hoạt động.

Với chiều dài khoảng 65 km, đi qua 9 quận, huyện Hà Nội, đường Vành đai 3 luôn có lưu lượng giao thông lớn của Thủ đô, với 3 làn xe mỗi chiều, vận tốc tối đa lên tới 100 km/giờ, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và vi phạm luật giao thông.

Theo Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, việc sử dụng flycam sẽ giúp lực lượng chức năng dễ dàng phát hiện các trường hợp vi phạm như: Đi vào làn đường cấm, dừng đỗ sai quy định, vượt tốc độ, lấn làn... Từ đó, lực lượng chức năng có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh việc sử dụng flycam, Đội CSGT số 6 cũng tăng cường xử lý vi phạm bằng hình thức "phạt nguội", đây là một biện pháp hữu hiệu để răn đe người vi phạm luật giao thông.

Việc đưa flycam vào hoạt động trên tuyến Vành đai 3 đánh dấu bước tiến mới trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội, là tín hiệu tích cực cho thấy lực lượng chức năng đang không ngừng đổi mới phương pháp làm việc, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông văn minh, hiện đại.

Số ca mắc sởi tăng 8 lần, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống

Theo Bộ Y tế từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

Cũng liên quan đến dịch bệnh sởi, mới đây nhất, ngày 27/8, UBND TP HCM đã chính thức công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2495/QĐ-BYT về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 trong đó có vaccine chiến dịch do Chính phủ Úc tài trợ;

Cùng đó Bộ Y tế đã ban hành các công văn về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường; công văn về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cùng với các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh sởi.

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả;

Cùng đó, chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh. Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%. Vì vậy để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu

Chú thích ảnh
Công bố lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trọng Thức, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 28/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã ra quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt bị can để tạm giam; khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Trọng Thức (sinh năm 1981, thường trú tại tổ 10, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu), Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh về hành vi nhận hối lộ theo quy định tại khoản 2 điều 354 Bộ luật hình sự.

Đây là diễn biến mới nhất khi Cơ quan Cảnh sát điều tra mở rộng điều tra vụ án “Đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Sở Công thương tỉnh Lai Châu.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu đã phê chuẩn các văn bản tố tụng nói trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành các quyết định theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý vật liệu nổ, sử dụng trái phép vật liệu nổ” xảy ra ngày 9/8/2024 tại Thủy điện Nậm Cấu (xã Bum Tở, huyện Mường Tè), ngày 20/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố vụ án “Đưa, nhận hối lộ”; ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Vũ Văn Hinh (Trưởng phòng Quản lý công nghiệp) và Nguyễn Thanh Nghị (chuyên viên phòng Quản lý công nghiệp của Sở Công thương tỉnh) về hành vi nhận hối lộ; tạm giữ hình sự Trần Văn Huy (kỹ sư Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Phát, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) về hành vi đưa hối lộ để điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các cá nhân, tổ chức để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xăng dầu đồng loạt giảm giá

Từ 15 giờ ngày 29/8, xăng dầu đồng loạt giảm giá, giá xăng về mức hơn 20.000 đồng/lít.

Cụ thể, sau điều chỉnh của liên bộ Công Thương - Tài chính, xăng E5RON92 giảm 92 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành, không cao hơn 20.332 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 21.109 đồng/lít (giảm 208 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).

Các loại dầu cũng được điều chỉnh giảm, dầu diezen 0.05S không cao hơn 18.477 đồng/lít (giảm 299 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu hỏa không cao hơn 19.065 đồng/lít (giảm 84 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.562 đồng/kg (giảm 194 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).

Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diezen, dầu hỏa, dầu mazut.

Kỳ điều hành trước, giá giảm nhẹ, xăng E5RON92 giảm 458 đồng/lít, không cao hơn 20.424 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 535 đồng/lít, không cao hơn 21.317 đồng/lít; Dầu diezen 0.05S giảm 454 đồng/lít, không cao hơn 18.776 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 423 đồng/lít, không cao hơn 19.149 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 489 đồng/kg, không cao hơn 15.756 đồng/kg.

Theo đại diện Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 22/8/2024 - 28/8/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: diễn biến mới của cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông; dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống; nhu cầu dầu của Trung Quốc vẫn yếu; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn,… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng giảm là chủ yếu.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 22/8/2024 và kỳ điều hành ngày 29/8/2024 là: 83,936 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,228 USD/thùng, tương đương giảm 0,27%); 87,660 USD/thùng xăng RON95 (giảm 0,796 USD/thùng, tương đương giảm 0,90%); 90,806 USD/thùng dầu hỏa (giảm 0,172 USD/thùng, tương đương giảm 0,19%); 89,066 USD/thùng dầu diezen 0,05S (giảm 1,424 USD/thùng, tương đương giảm 1,57%); 448,284 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 5,434 USD/tấn, tương đương giảm 1,20%).

Bang California (Mỹ) thông qua luật quản lý AI

Chú thích ảnh
Trí tuệ nhân tạo AI. Ảnh minh họa

Ngày 28/8, cơ quan lập pháp California (Mỹ), nơi tọa lạc Thung lũng Silicon, đã thông qua dự luật nhằm quản lý các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI).

Dự luật có tên đầy đủ là Đạo luật Đổi mới an toàn và bảo mật cho các mô hình AI tiên phong, mô hình học máy tiên tiến nhất hiện tại. Đặc trưng của các mô hình này là quy mô lớn, khả năng nâng cao, và ứng dụng sáng tạo.

Dự luật yêu cầu các nhà phát triển các mô hình AI tiên phong lớn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như thử nghiệm trước khi triển khai, mô phỏng các cuộc tấn công của tin tặc, cài đặt các biện pháp bảo vệ an ninh mạng và bảo vệ người tố giác.

Văn bản này cần chờ Thống đốc California, ông Gavin Newsom ký ban hành trước khi có hiệu lực. Thời hạn để ông Newsom ra quyết định là tới ngày 30/9.

Trước đó, dự luật đã vấp phải sự phản đối vì cho rằng sẽ kìm hãm sự đổi mới. Tuy nhiên, văn bản này đã được tỷ phú Elon Musk ủng hộ. Ông Musk khẳng định rủi ro của AI đối với công chúng cho thấy sự cần thiết phải quản lý AI. Để đảm bảo luật được thông qua tại bang, các nhà lập pháp bang đã điều chỉnh một số nội dung trong dự luật như thay thế các biện pháp xử phạt hình sự bằng các biện pháp dân sự như phạt hành chính.

Giám đốc Trung tâm An toàn AI, ông Dan Hendrycks cho biết dự luật mở ra lộ trình khả thi để thúc đẩy việc thực thi các biện pháp bảo vệ nhằm giảm thiểu rủi ro từ AI.

Trong năm nay, ít nhất 40 bang ở Mỹ đã soạn thảo các dự luật để quản lý AI. Nhiều bang đã thông qua các nghị quyết hoặc ban hành luật nhằm vào công nghệ này./.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 14/10/2024

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, chiều tối 13/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường cùng thưởng lãm tranh Đông Hồ và tham quan trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tin 24h ngày 13/10/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Sáng 13/10, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 12-14/10, theo nghi thức cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm Việt Nam.

Tin 24h ngày 12/10/2024

Bộ Công an yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh cung cấp hồ sơ dự án Trung tâm thương mại BMC

Tin 24h ngày 11/10/2024

Chiều 11/10/2024, tại Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC).

Tin bài khác

Tin 24h ngày 10/10/2024

Tin 24h ngày 10/10/2024

Kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô 10/10: 70 năm trước, ngày 10/10/1954, các đoàn quân đã tiến về 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô Hà Nội từ tay thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, dựng xây Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Tin 24h ngày 9/10/2024

Tin 24h ngày 9/10/2024

* 70 năm giải phóng Thủ đô: Những dấu mốc quan trọng
Tin 24h ngày 8/10/2024

Tin 24h ngày 8/10/2024

* Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam, Pháp Nhân chuyến thăm chính thức tới Cộng hoà Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 6-7/10, hai nước đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Tin 24h ngày 7/10/2024

Tin 24h ngày 7/10/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 7/10, ở khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100 mm/6 giờ).
Điểm sự kiện từ ngày 30/9 đến ngày 06/10/2024

Điểm sự kiện từ ngày 30/9 đến ngày 06/10/2024

Từ ngày 30/9 đến ngày 06/10/2024, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi xin điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca

Clip ngắn

Xem trên
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...
Tự hào cờ đỏ sao vàng

Tự hào cờ đỏ sao vàng

Lá cờ nền đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phấn đấu, ...
[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1908/QĐ-UBND về việc ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ...
[Photo] Trào lưu “mỗi mái nhà là một lá cờ Tổ quốc”: Lan tỏa tình yêu nước

[Photo] Trào lưu “mỗi mái nhà là một lá cờ Tổ quốc”: Lan tỏa tình yêu nước

Những ngày gần đây, trào lưu "mỗi mái nhà là một lá cờ Tổ quốc" đang gây “sốt” trên mạng xã hội. Những hình ảnh, clip về mái nhà rực rỡ với cờ đỏ sao ...

Chương trình phát thanh

Thời sự Chuyên mục Phát thanh giao thông Tiếng dân tộc