Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Đạo hiếu - tinh hoa văn hóa gia đình Việt

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng/TTXVN

Gia đình tốt thì xã hội mới tốt

Những ngày này, nhiều địa phương trên cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ mới, tôn vinh truyền thống văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm nhấn mạnh thêm vai trò, vị trí của gia đình cũng như trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn thể xã hội trong xây dựng gia đình văn minh, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Qua đó, các địa phương và toàn xã hội đẩy mạnh việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bởi gia đình là tế bào của xã hội, không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt.

Đây cũng là ngày tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn của gia đình Việt Nam, để mọi người trong gia đình thể hiện nhiều hơn sự quan tâm đến nhau, thêm yêu thương, chia sẻ và trân trọng.

Đặc biệt, những con người đất Việt hướng về cội nguồn, người thân, nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì thì gia đình vẫn là tổ ấm yêu thương, là nơi chốn bình yên để mỗi người tìm về.

Khi nói về vai trò của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình.”

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.

Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế cùng những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường, càng ngày mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, lối sống đề cao cá nhân.

Một số giá trị đạo đức như hiếu nghĩa, thủy chung... xuống cấp đã làm cho nhiều gia đình Việt Nam đứng trước nguy cơ bất ổn, tan vỡ, tác động trực tiếp đến sự phát triển của xã hội.

Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc và bền vững là hết sức cần thiết.

Đạo hiếu - tinh hoa văn hóa gia đình Việt

Gia đình được ví là cái nôi, trường học đầu tiên giáo dục đạo đức và nhân cách cho mỗi thành viên của gia đình. Đạo hiếu là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp, sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình, qua nhiều thế hệ.

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đạo hiếu đóng vai trò nền tảng của đời sống tinh thần, giữ vị trí quan trọng và quyết định quan hệ gia đình, quan hệ xã hội.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tinh hoa của đạo hiếu là lòng biết ơn được thấm nhuần trong tâm thức mỗi người con Việt. Một dân tộc có niềm tin vững chắc vào cội nguồn, vào ông bà, cha mẹ và các thế hệ tiền nhân.

Một dân tộc lấy việc thương kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên làm trọng, lấy chữ hiếu là lẽ sống… Đó là đạo lý, là một nếp sống rất nhân bản mà người Việt đã xây dựng qua hàng nghìn năm lịch sử.

Người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, trải qua nhiều thế hệ, đều có khuynh hướng là thiên về thờ Tổ. Người Việt có truyền thống thờ tổ gia đình (từ 5 đời trở xuống), thờ tổ gia tộc, tổ làng, thần làng, tổ nghề, Quốc tổ Hùng Vương.

Đây là một biểu hiện sâu sắc trong đạo hiếu của người Việt đối với ông bà, cha mẹ, những người đã sinh dưỡng mình, chỉ ra đường đi nước bước cho thế hệ sau, hướng tới tương lai tốt đẹp hạnh phúc hơn…

Ngày nay, đạo hiếu không chỉ được thể hiện qua tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thờ các vị tổ làng, tổ nghề, mà nó còn được mở rộng hơn qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trung với nước, hiếu với dân.

Tục thờ tổ tiên nói chung trong mỗi gia đình Việt được lưu truyền từ ngàn xưa, chính là biểu hiện sinh động của đạo hiếu Việt.

Từ cách thể hiện lòng biết ơn đặc biệt ấy, người Việt hình thành một nền văn hóa, văn minh mang cốt cách, bản sắc riêng: Nền văn minh Việt từ đạo hiếu. Từ đó, tạo dựng được cốt cách văn hóa trong tâm thức xã hội vững mạnh để tiếp nhận nền văn minh toàn cầu.

Trải qua hàng ngàn năm vun bồi, nếp sống và tín ngưỡng Việt trở nên vững vàng, bền bỉ trước mọi biến cố thăng trầm của lịch sử. Nếp sống ấy trở thành “đạo” và có giá trị cốt lõi làm nên tinh hoa văn hóa Việt - đó là “Đạo hiếu.”

Nhờ có nền tảng từ tâm thức trọng nếp sống hiếu hạnh, tục thờ tổ, sự thờ cúng ở mỗi làng xã, mỗi gia đình hay ở các nhóm cộng đồng người Việt, đã trở thành một sợi dây liên kết mọi người với nhau.

Ngày nay, đạo hiếu không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn mở rộng ra các tổ chức xã hội, qua các phong trào như “Đền ơn đáp nghĩa,” “Uống nước nhớ nguồn,” quan tâm chăm sóc thân nhân gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, già yếu, neo đơn…

Chính vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam, thì việc tuyên truyền, nâng cao giá trị đạo hiếu góp phần xây dựng gia đình Việt Nam văn minh, ấm no, hạnh phúc… là một việc làm cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Bởi, gia đình ấm no, hạnh phúc là cơ sở để xây dựng xã hội ổn định, phát triển như chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam đã nhấn mạnh "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng.”

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước ngày 28/6:

Thủ đô Hà Nội có mây, ngày nắng, có nơi có nắng nóng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông nam đến nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 27-29 độ C. Nhiệt độ cao nhất 33-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Phía Tây Bắc Bộ có mây, ngày nắng, có nơi có nắng nóng; chiều tối và đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C, có nơi dưới 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ có mây, ngày nắng, có nơi có nắng nóng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông nam đến nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mây, ngày nắng, có nơi có nắng nóng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C. Nhiệt độ cao nhất 33-36 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, ngày nắng, có nơi có nắng nóng; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Khu vực Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C.

Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.

Trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước mới từ ngày 1/7

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024.

Nghị định số 70/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước và thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia.

Nghị định quy định công dân đến cơ quan quản lý căn cước quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Căn cước đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi thì hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước phải có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi.

Nghị định nêu rõ trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì người tiếp nhận thực hiện việc điều chỉnh thông tin theo quy định tại Điều 6 Nghị định 70/2024/NĐ-CP trước khi đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Trường hợp thông tin của công dân chính xác, người tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trích xuất thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau khi xác định thông tin người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là chính xác thì thực hiện trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước.

Nghị định quy định công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì đăng ký thời gian và cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục, hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Công dân đến cơ quan quản lý căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước.

Trường hợp bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được thì lựa chọn thủ tục cấp lại, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ căn cước đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp lại thẻ căn cước theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Căn cước.

Trường hợp người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thì lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 6 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Nghị định nêu rõ trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng.

Trường hợp công dân không đến nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký hẹn làm việc với cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì hệ thống tiếp nhận yêu cầu của công dân sẽ tự động hủy lịch hẹn khi hết ngày làm việc. Nếu công dân tiếp tục có nhu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì đăng ký hẹn lại.

Cơ quan quản lý căn cước tổ chức lưu động việc tiếp nhận yêu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho công dân Việt Nam ở trong nước và công dân Việt Nam ở nước ngoài trong điều kiện, khả năng của mình; bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Căn cước, điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chú thích ảnh
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

Sáng 28/6, với 462/470 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành (chiếm 95,06% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 Chương với 54 Điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Trước khi biểu quyết thông qua, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bổ sung thẩm quyền của Ủy ban nhân dân phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định hoặc phải được Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đối với các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho rà soát các trường hợp cần thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị để bảo đảm không trùng lặp; bỏ quy định giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức bán nhà ở cũ; thể hiện lại theo hướng giao Hội đồng nhân dân quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Ủy ban nhân dân thành phố quy định trình tự, thủ tục công nhận, thu hồi quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao, việc đánh giá, kiểm định, bảo đảm duy trì chất lượng của cơ sở giáo dục chất lượng cao để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Về chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý các quy định liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa kết nối với các quy định của Luật Đất đai năm 2024, tránh gây xáo trộn quá lớn trong lĩnh vực này ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, về thử nghiệm có kiểm soát, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người; đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng, trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm...

Đối với quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố thời gian qua; bổ sung quy định chuyển tiếp về trách nhiệm bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã được giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, do Luật Thủ đô chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nên ngoài Luật này, Thủ đô vẫn chịu sự điều chỉnh của các luật, văn bản khác trong tổng thể hệ thống pháp luật. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ghi nhận các ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới. Đồng thời, cùng với Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội tiếp tục quán triệt trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Luật Thủ đô.

Các khoản lương hưu, trợ cấp, tiền đóng BHXH, BHYT tăng theo lương cơ sở từ ngày 1/7/2024

Chú thích ảnh
Chi trả lương hưu.

Từ 1/7/2024, khi lương cơ sở tăng 30%, từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, thì nhiều khoản tiền và một số chế độ thụ hưởng cũng tăng theo.

Lương cơ sở ngoài dùng làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) còn được dùng để tính nhiều chế độ khác như tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động.

Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng sẽ tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tăng 30%. Khi lương cơ sở tăng sẽ có sự điều chỉnh của hàng loạt các chế độ liên quan khi lấy mức lương này làm cơ sở để tính.

Tăng lương hưu

Phạm vi áp dụng rất rộng lớn tới hơn 3,3 triệu người, bao gồm người đang hưởng lương hưu từ tham gia BHXH bắt buộc (khối nhà nước, tư nhân) và người tham gia BHXH tự nguyện.

Điều 56 và Điều 71 Luật BHXH quy định mức lương hưu tối thiểu bằng 1 tháng lương cơ sở. Khi lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng thì mức lương hưu này cũng tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương hưu áp dụng cho người đóng đủ 20 năm BHXH.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng 15% mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng.

Lương hưu hiện nay được tính như sau: Lương hưu = tỉ lệ hưởng x mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.

Theo công thức ở trên, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào tỉ lệ hưởng và mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng BHXH theo từng thời kỳ.

Khi tăng lương cơ sở, mức bình quân tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang về hưu cũng sẽ thay đổi theo.

Do đó, khi tăng lương cơ sở thêm 30% thì kéo theo đó, mức bình quân này cũng tăng theo và lương hưu của các đối tượng này cũng tăng tương ứng. Đây cũng là thời điểm lương hưu và trợ cấp BHXH tăng cao nhất từ trước đến nay.

Tiền đóng BHXH tăng theo mức tăng lương cơ sở

Tiền đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở, lương hưu hoặc trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, tiền đóng của người lao động và người thứ nhất trong hộ gia đình lên đến mức 105.300 đồng/tháng.

Trong hộ gia đình, từ người thứ hai đến người thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người thứ nhất, tương ứng 73.710 đồng, 63.180 đồng, 52.650 đồng và 42.120 đồng mỗi tháng.

Theo năm, tiền đóng BHYT của các thành viên hộ gia đình từ người thứ nhất trở đi lần lượt là 1,263 triệu đồng, 884.520 đồng, 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng.

Tăng các chế độ ốm đau, thai sản…

Từ 1/7, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe thai sản, ốm đau, mức dưỡng sức sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở, tương ứng 702.000 đồng/ngày, tăng 162.000 đồng/ngày so với mức hưởng hiện nay.

Trợ cấp một lần khi sinh mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con sẽ là 4,68 triệu đồng/con, thay thế mức 3,6 triệu đồng/con như hiện nay.

Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở lên đến 23,4 triệu đồng.

Tương tự, mức trợ cấp một lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp hằng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức dưỡng sức sau điều trị đều được tính theo lương cơ sở nên cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.

Trợ cấp thất nghiệp mức tối đa sẽ tăng

Trợ cấp thất nghiệp được quy định mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương cơ sở với công chức, viên chức, lao động khu vực nhà nước. Như vậy, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ tăng lên mốc 11,7 triệu đồng.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Xe ô tô tông liên hoàn khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương ​

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn. Ảnh: TTXVN phát

Theo Bệnh viện Vũng Tàu, đến sáng 28/6, trong số các nạn nhân của vụ tai nạn ô tô tông hàng loạt phương tiện xảy ra vào tối hôm trước tại thành phố Vũng Tàu, hiện còn 2 trường hợp bị thương nặng. Ba nạn nhân còn lại bị thương nhẹ.

Trước đó, tối 27/6, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Vũng Tàu. Một xe ô tô do nữ tài xế điều khiển đã tông liên tiếp vào hàng loạt phương tiện và người trên đoạn đường dài hơn 500 m, khiến 2 người tử vong tại chỗ, 5 người bị thương.

Theo thông tin ban đầu, vụ va chạm liên hoàn xảy ra vào khoảng 21 giờ 15 phút ngày 27/6. Xe ô tô biển kiểm soát 72A-708.21 do chị Trần Thị Thu Thanh (sinh năm 1987, trú 60/1 Lê Hồng Phong, Phường 4, thành phố Vũng Tàu) điều khiển lưu thông trên đường Nguyễn Văn Trỗi (theo hướng từ Lê Hồng Phong về Trần Hưng Đạo) gây ra.

Ban đầu, xe ô tô 72A-708.21 va chạm với xe đẩy thùng rác do chị Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1981, trú số 110 Hoàng Hoa Thám) đẩy bộ đi cùng chiều phía trước tại trước số nhà 101 Nguyễn Văn Trỗi (Phường 4, thành phố Vũng Tàu). Sau đó, xe ô tô này di chuyển đến giao lộ với Hùng Vương, va chạm với xe mô tô do Bùi Xuân Thảo (trú tại 17/3 Ngô Đức Kế, Phường 7, thành phố Vũng Tàu) điều khiển và tiếp tục di chuyển tới giao lộ đèn xanh đèn đỏ Bà Triệu va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 89B1-556.33 do anh Nguyễn Ngọc Giáp (sinh năm 1988, trú 61, đường Cô Giang, Phường 4, thành phố Vũng Tàu) điều khiển và xe mô tô biển kiểm soát 72G1-827.33 do chị Nguyễn Thị Thu Huyền (trú tại 121/31/14 đường Ba Cu, Phường 4, thành phố Vũng Tàu) điều khiển.

Sau khi va chạm với hàng loạt xe trên đoạn đường dài, xe ô tô 72A-708.21 vẫn di chuyển và tiếp tục va chạm với mô tô biển kiểm soát 72K1- 9494 lưu thông theo chiều ngược lại khiến 2 người ngồi trên xe là chị Phan Thị S và con gái là Lê Thị Nh T (đường Phạm Hồng Thái, Phường 7, thành phố Vũng Tàu) tử vong tại chỗ. Sau đó, xe ô tô 72A-708.21 va chạm với trụ điện và ô tô biển kiểm soát 95A-127.92 đang đỗ trước nhà 38 Lê Quý Đôn (Phường 1, thành phố Vũng Tàu) rồi mới dừng lại hẳn.

Lực lượng chức năng hiện đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Giá vàng thế giới tăng, vàng miếng SJC sáng 28/6 duy trì ổn định

Đầu giờ sáng 28/6 giá vàng miếng SJC tiếp tục duy trì mức 76,98 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra giữ mức ổn định không đổi so với chốt phiên hôm qua, trong khi giá vàng thế giới tăng.

Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ 50 phút, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên chiều qua.

Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), ổn định mức giá so với chốt phiên chiều qua.

Trước đó, giá vàng thế giới tăng hơn 1% vào phiên giao dịch 27/6, phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn hai tuần ghi nhận trong phiên trước đó, khi đồng USD suy yếu và sự chú ý chuyển sang dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ dự kiến sẽ được công bố trong tuần này.

Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 1,2%, lên mức 2.324,53 USD/ounce, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 10/6 vào phiên trước đó. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 1%, lên 2.336,6 USD/ounce.

Quảng Ninh: Chìm tàu cá khi đang sửa chữa khiến chủ tàu tử vong

Ngày 28/6, lãnh đạo Đồn Biên phòng Hạ Long (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) cho biết, trên địa bàn huyện Vân Đồn vừa xảy ra vụ đắm tàu cá khiến một người tử vong.

Theo đó, tại khu vực Hòn Cặp Lòng Bìa, khu vực cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vụ đắm tàu cá vỏ gỗ mang số hiệu QN-8366-TS. Tàu này đang trong quá trình sửa chữa từ chiều 26/6. Đến khoảng 23 giờ 15 phút ngày 27/6, khi đang lên đà để sửa chữa thì tàu bị nước tràn vào và chìm.

Tại thời điểm bị chìm, trên tàu có 2 người là ông Phan Văn Hợp (sinh năm 1957, trú tại Tổ 1, khu 8, phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) là chủ phương tiện và ông Nguyễn Thừa Chiến (sinh năm 1976, trú tại xã Bắc Sơn, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) là người làm thuê trên tàu.

Vụ chìm tàu khiến ông Phan Văn Hợp mất tích. Ông Nguyễn Thừa Chiến may mắn bơi được vào bờ.

Nhận được tin báo của ngư dân, ngay trong đêm 27/6, Đồn Biên phòng Hạ Long đã cử 4 cán bộ, chiến sĩ cùng xuồng máy tham gia phối hợp với lực lượng Công an huyện và ngư dân trên địa bàn tìm kiếm người mất tích.

Đến 3 giờ 10 phút ngày 28/6, sau khi mực nước thủy triều rút cạn, phương tiện nổi lên mặt nước, lực lượng chức năng đã phát hiện ông Phan Văn Hợp tử vong trong khoang tàu.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Ra quân Điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số từ ngày 1/7

Tin 24h ngày 28/6/2024
Phụ nữ dân tộc Dao ở Hà Giang. (Nguồn: TTXVN)

Từ ngày 1/7 đến 15/8, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai thu thập thông tin điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước.

Cuộc điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, hôn nhân, y tế, giáo dục, điều kiện sống... Đây cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê Quốc gia và Hệ thống Chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030. Kết quả điều tra sẽ là cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Cụ thể, cuộc Điều tra thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số-miền núi và 3 địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh).

Theo Tổng cục Thống kê, cuộc Điều tra sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp về nhân khẩu học của dân số, giáo dục, di cư, hôn nhân, sử dụng bảo hiểm y tế, việc làm, lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi, các thông tin về người chết, nhà ở và điều kiện sinh hoạt, đất ở, đất sản xuất, một số loại gia súc chủ yếu, tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các nội dung điều tra đối với Ủy ban Nhân dân xã là về đặc điểm của xã, sử dụng điện, đường, giao thông, trường học và trình độ giáo viên, nhà văn hóa, y tế và vệ sinh môi trường, chợ và cụm/khu công nghiệp, trình độ của cán bộ, công chức cấp xã, tôn giáo, tín ngưỡng, mức độ phủ sóng điện thoại và internet.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết nhằm thực hiện thành công Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024, Tổng cục thực hiện công tác chuẩn bị bài bản và kịp thời. Đặc biệt, công tác điều tra sẽ được tăng cường ứng dụng công nghệ, thông tin. Đến nay, Tổng cục Thống kê đã cực xây dựng và hoàn thiện các chương trình phần mềm ứng dụng giúp việc quản lý điều tra, rút ngắn thời gian tổng hợp, rà soát số liệu với độ chính xác cao hơn để có thể công bố kết quả điều tra sớm nhất trong năm 2025.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, cuộc Điều tra về thực trạng kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số nên địa bàn thực hiện chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư phân tán. Do đó, quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, như tiếp cận địa bàn, lập bảng kê hộ dân tộc thiểu số, thu thập thông tin và tổ chức giám sát điều tra. Do đó, công tác tập huấn, tuyển chọn điều tra viên được các địa phương thực hiện kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, ông Tiến nhấn mạnh kết quả cuộc điều tra sẽ được xử lý kịp thời, đảm bảo độ tin cậy, chính xác. Đây sẽ là là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng và ban hành chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030 nhanh, bền vững và để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tập đoàn SpaceX của tỷ phú Musk nhận công việc phá hủy ISS

Chú thích ảnh
Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 26/6 tuyên bố một tàu vũ trụ thuộc tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk sẽ phá hủy Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào cuối thập niên này.

NASA đã trao hợp đồng trị giá 843 triệu USD cho SpaceX để xây dựng tàu vũ trụ “U.S. Deorbit Vehicle”. Phương tiện này được thiết kế để đưa ISS vốn có kích thước bằng một sân bóng đá, quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất sau khi ngừng hoạt động vào năm 2030.

Nhiều module và phần cứng của ISS dự kiến sẽ bốc cháy, tan chảy khi quay trở lại khí quyển Trái Đất. Theo NASA, các thành phần dày hơn và chịu nhiệt còn sót lại có thể rơi xuống đại dương, và chìm xuống đáy một cách vô hại.

NASA nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải chuẩn bị cho việc rời quỹ đạo của ISS an toàn, tin cậy một cách có kiểm soát”. Trong đó, U.S. Deorbit Vehicle cần đảm bảo tránh rủi ro cho các khu vực đông dân cư. NASA không nêu rõ liệu thiết kế cho U.S. Deorbit Vehicle của SpaceX có dựa trên một trong những tàu vũ trụ hiện có của công ty hay không.

Mỹ cùng bốn cơ quan đối tác quốc tế đại diện cho Nga, châu Âu, Canada và Nhật Bản đã chuẩn bị cho chặng đường cuối cùng của ISS.

Các phi hành gia đã sinh sống và tiến hành thí nghiệm khoa học trên ISS kể từ năm 2000. Theo NASA, ISS có sáu chỗ ngủ, hai phòng tắm, phòng tập thể dục và cửa sổ quan sát 360 độ. Kể từ năm 1998, hơn 260 chuyến đi bộ ngoài không gian đã được thực hiện tại ISS.

Nhưng ISS đang “già đi”, NASA và đối tác chính là Roscosmos không thể giải quyết vấn đề ngày càng tồi tệ hơn là rò rỉ cực nhỏ trên trạm.

NASA lưu ý rằng thời gian hoạt động của ISS có thể được kéo dài sau năm 2030, nhưng điều đó vẫn chưa được quyết định và cần có thỏa thuận với các cơ quan đối tác quốc tế.

Mỗi năm, NASA phải dành 4 tỷ USD để vận hành ISS, vì vậy cơ quan này coi các trạm vũ trụ do tư nhân xây dựng là phương án thay thế ISS với chi phí thấp hơn./.