Tin 24h ngày 25/8/2024
Thời tiết ngày 25/8: Mưa to nhiều nơi trên cả nước
Mưa to nhiều nơi trên cả nước. |
Ngày và đêm 25/8, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-80 mm, cục bộ có nơi trên 120 mm. Từ ngày 26/8, mưa lớn ở phía Tây Bắc Bộ có xu hướng giảm dần.
Ngoài ra, chiều và tối ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, cục bộ có nơi trên 60 mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trên biển, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2 m. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn.
Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:
Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có lúc có mưa rào và dông. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-33 độ C.
Phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C; có nơi dưới 21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C; có nơi trên 32 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ nhiều mây, sáng có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; sau có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C, có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, phía Bắc (Thanh Hóa-Nghệ An) nhiều mây, sáng có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to, sau có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa rất to; phía Nam có mây, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 31-33 độ C; phía Nam 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, ngày nắng, phía Bắc ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông nam đến nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 33-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.
Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.
Tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An
Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia:
1. Tình hình mưa đã qua: Trong 24 giờ qua (từ 03 giờ ngày 24/8 đến 03 giờ ngày 25/8), khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Vạn Mai 92 mm, Yên Trị (Phú Lai) 91,8 mm (Hòa Bình); Tân Phượng 2 120,4 mm, Tân Phượng 1 115,2 mm (Yên Bái); Đồng Tâm 96,8 mm, Xuân Giang 1 94,8 mm (Hà Giang); Yên Thuận 148,6 mm, Bình An 119,8 mm (Tuyên Quang); Bình Văn 138,2 mm, Yên Hân 102 mm (Bắc Kạn); Thần Sa 115,4 mm (Thái Nguyên); Trà Lĩnh 125,6 mm, Quang Vinh 105,6 mm (Cao Bằng); Xuân Khánh 195,6 mm, Cửa Đạt 186,4 mm (Thanh Hóa); Nga My 1 147,8 mm, Xã Na Loi 124,2 mm (Nghệ An),...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
2. Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo: Dự báo trong 06 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến như sau: Đông Bắc Bộ từ 10-40mm, có nơi trên 60mm; Tây Bắc Bộ từ 515mm, có nơi trên 40mm; Thanh Hóa từ 20-50mm, có nơi trên 80mm; Nghệ An từ 1530mm, có nơi trên 50mm.
3. Cảnh báo nguy cơ: Trong 06 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện (Chi tiết được đính kèm trong trong Phụ lục 1).
4. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.
5. Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Sạt lở khu vực dốc Cun trên Quốc lộ 6 gây ách tắc nhiều giờ
Các phương tiện giao thông đã có thể di chuyển chậm qua điểm sạt lở tại dốc Cun, lý trình Km79+335, Quốc lộ 6, thuộc địa phận phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình. |
Vào lúc 16 giờ ngày 24/8, trên địa bàn thành phố Hòa Bình xảy ra trận mưa lớn. Đặc biệt, khu vực dốc Cun thuộc thành phố Hòa Bình và huyện Cao Phong đã bị sạt lở nghiêm trọng và gây ùn tắc giao thông trên toàn tuyến, kéo dài khoảng 4 km trong nhiều giờ.
Mưa lớn làm nước từ các đỉnh đồi đổ xuống thành các con thác và kéo theo khối lượng đất đá lăn xuống, làm sạt lở ta-luy dương, phá hủy mặt đường, cuốn trôi một số điểm lan can... Các phương tiện qua lại cũng đã bị nước cuốn trôi, đẩy sát mép ta-luy.
Sau khi xảy ra tình trạng sạt lở, đơn vị bảo trì đường bộ và các đơn vị liên quan đã điều máy xúc tới san gạt, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, dốc Cun đang được Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình triển khai dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông. Dự án đến nay mới được thi công mở rộng, một số đoạn chưa hoàn thành, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở sau khi nổ mìn hoặc san ủi đất. Đồng thời, cũng một phần do lưu lượng xe lớn, nên việc di chuyển của các phương tiện rất khó khăn.
Đến thời điểm hơn 20 giờ 30 phút cùng ngày, các phương tiện đã lưu thông trở lại nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Sạt lở gây ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường huyết mạch ở Điện Biên
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra sạt lở khiến giao thông ách tắc cục bộ.
Tại Quốc lộ 279 xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ gây ách tắc giao thông. Đây là tuyến đường giao thông quan trọng nhất của tỉnh Điện Biên, nối địa phương này với tỉnh Sơn La để đi các tỉnh miền xuôi nên có nhiều phương tiện giao thông qua lại.
Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ 226 (đơn vị quản lý quốc lộ 279 tỉnh Điện Biên) cho biết, trên tuyến đường này hiện có nhiều vị trí tắc lớn tại Km34+420 (khu vực huyện Mường Ảng), Km 49+050, Km278+800, Km33+400 khi cây cối, đất đá từ ta luy dương sạt xuống mặt đường, nước ngập sâu gần 1m khiến các phương tiện khó qua lại. Do trời vẫn có mưa nên hiện công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn. Đơn vị đã huy động máy móc, nhân lực nhằm thông tuyến trong thời gian nhanh nhất.
Mưa lớn cũng khiến cho Quốc lộ 12 nối Điện Biên – Lai Châu xuất hiện nhiều điểm sụt sạt. Ông Lương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II Điện Biên cho biết, trên Quốc lộ 12 đoạn qua xã Mường Pồn, huyện Điện Biên xảy ra 2 điểm sạt lở lớn tại Km160+600 và Km164+750 khiến nhiều phương tiện giao thông bị mắc kẹt do tắc cả 2 đầu. Hàng trăm m3 đất đá tràn xuống lòng đường khiến giao thông trên tạm thời tê liệt. Hiện đơn vị đang phân bổ nhiều máy móc để khẩn trương hót sụt sạt, thông tuyến cho các phương tiện có thể đi qua.
Ngoài ra trên nhiều vị trí khác tại Quốc lộ 12 như Km166, Km163+500 cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở nhỏ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, Tỉnh lộ 141B từ Quốc lộ 279 đi xã Mường Phăng cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất đá, cây cối từ ta luy dương sạt xuống chắn ngang lòng đường gây ách tắc giao thông. Các đơn vị quản lý tuyến đã huy động máy móc cùng nhân lực ứng trực, khẩn trương hót sụt sạt, đảm bảo bảo giao thông.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên, vào lúc 7 giờ 45 phút ngày 25/8, trên sản phẩm Ra đa xác định được vùng mây gây mưa, mưa rào và dông cho các khu vực huyện Nậm Pồ, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên Phủ. Trong những giờ tiếp theo, vùng mây đối lưu tiếp tục phát triển gây mưa dông, có nơi mưa vừa, mưa to trên nhiều địa phương thuộc tỉnh Điện Biên. Mưa lớn nguy cơ xảy ra dông lốc, sạt lở đất.
Hà Giang: Mưa lũ lớn khiến 3 người thương vong
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, do mưa lớn kéo dài nhiều giờ từ đêm 24/8 đến sáng 25/8, trên địa bàn huyện đã xảy ra lũ lớn khiến 3 người thương vong và thiệt hại nhiều về tài sản, hoa màu, các công trình phúc lợi, đường giao thông tại các địa phương.
Nạn nhân tử vong là bà Đặng Thị Cá, sinh năm 1975, trú tại xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang. Hai người bị thương là bà Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1995 và cháu Trần Khánh Linh, sinh năm 2016, trú tại thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang do sạt ta luy dương gây sập đổ tường.
Mưa lớn trong nhiều giờ cũng khiến hàng chục ngôi nhà bị ảnh hưởng do đất, đá sạt lở vào nhà. Nhiều diện tích lúa, ngô, lạc, cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại như ở các xã Vĩnh Hảo, Đồng Yên bị nước lũ dâng cao gây ngập úng cục bộ. Tại xã Kim Ngọc, mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm hư hỏng, gẫy đổ nhiều diện tích cây bồ đề.
Tại các xã Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, nước lũ dâng cao, tràn vào bờ khiến hàng chục ha ao nuôi cá truyền thống bị ảnh hưởng, thiệt hại. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, điển hình như sạt ta luy dương trên tuyến Quốc lộ 2 đoạn km 210 + 600 với khối lượng đất đá sạt lở lớn. Tuyến đường từ xã Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Phúc đi các thôn bản cũng bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông đi lại khó khăn… ước tính ban đầu mưa lũ gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương phát huy phương châm “4 tại chỗ”; huy động đông đảo cán bộ, chiến sỹ các đơn vị lực lượng vũ trang, cùng với lực lượng dân quân tự vệ tổ chức lực lượng tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do lũ cuốn trôi. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác xuống thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, lo hậu sự cho gia đình có nạn nhân bị chết và 2 người bị thương; kịp thời điều tiết giao thông, phân luồng, chốt chặn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn cho nhân dân và các phương tiện giao thông qua lại; cử các đoàn công tác về các địa phương kiểm tra, khắc phục hậu quả thiệt hại, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Địa chất quốc tế
Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Ảnh: TTXVN |
Ngày 25/8, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), người đã tham gia và chủ trì 2 hồ sơ Di sản Thế giới liên quan đến các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, đồng thời trực tiếp chuẩn bị hồ sơ trình Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Địa chất quốc tế, cho biết, cùng với 99 địa điểm khác của 53 quốc gia trên thế giới, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã được Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản Địa chất quốc tế.
Di sản được công nhận nhờ hai giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử địa chất và địa mạo karst (địa mạo của các kiểu phân rã đặc trưng thông thường được đánh dấu bởi các hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất-PV).
Dự kiến, Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế sẽ công bố danh sách 100 Di sản Địa chất IUGS tại Đại hội Địa chất quốc tế (IGC) lần thứ 37 diễn ra từ ngày 25-31/8/2024 tại Busan (Hàn Quốc).
Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà bao gồm toàn bộ các giai đoạn của quá trình biển làm ngập chìm karst nhiệt đới cũng như có 3 loại hình hang động chủ yếu (hang hàm ếch biển cổ, hang nền karst cổ và hàm ếch). Vịnh Hạ Long thể hiện các giai đoạn muộn hơn của quá trình biển ngập chìm. Quần đảo Cát Bà bổ sung các giá trị địa chất quan trọng vào di sản thông qua các mẫu hình về các giai đoạn đất liền và liên triều. Năm 1994, Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ. Năm 2000, Vịnh Hạ Long lại được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ hai với giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo.
Ngày 16/9/2023, tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thiên nhiên Thế giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam. Do đó, việc Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được Liên hiệp Khoa học Địa chất quốc tế công nhận là Di sản Địa chất quốc tế thêm một lần nữa khẳng định giá trị của Di sản này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là mẫu hình tuyệt vời về cảnh quan karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa và quá khứ gần đây bị biển xâm lấn, làm biến cải và hiện nay vẫn đang ngập chìm trong nước biển.
Đá vôi ở Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà cùng với nhiều khu vực khác ở miền Bắc Việt Nam như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Bình... được hình thành cũng trong môi trường biển nông và ấm, chủ yếu trong thời kỳ cách ngày nay khoảng 300 triệu năm.
Vịnh Hạ Long còn có sự đa dạng về các yếu tố địa hình như: Các đảo núi xen kẽ các vũng biển sâu, sự tương phản của rừng sú vẹt ven bờ và các đảo đá vôi có vách dựng đứng. Đây chính là loại hình thái địa hình cổ nhất còn quan sát được ở Việt Nam. Ở phần lục địa và các đảo, địa hình xâm thực bào mòn thể hiện ở các đồi núi lục nguyên, núi và đảo đá vôi, ở các hang động thuộc các tầng khác nhau. Còn ở đáy Vịnh, đáng quan tâm là các nhánh sông cổ, các khối karst sót lại và đặc biệt là cánh đồng karst ngập chìm.
Ngoài ra, với sự đa dạng về quá trình hình thành và hình thái của hệ thống hang động và đảo đá, Vịnh Hạ Long có 2 loại hang: Hang cổ và hang trẻ. Quá trình hình thành hệ thống hang trẻ liên quan đến sự chuyển dời từng phần các “dăm kết hang động” lấp đầy các hang cổ (như hang hồ Động Tiên), còn sự bào mòn liên tục của nước biển trên địa hình bán bình nguyên karst cổ đã tạo nên các đảo đá vôi hình cột và các đảo có hình thù kỳ dị khác như ngày nay.
Diện mạo của khu vực Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và các giá trị địa chất, địa mạo độc đáo và nổi tiếng như ngày nay là kết quả của quá trình vận động kiến tạo địa chất khu vực kéo dài hơn 500 triệu năm. Đó cũng chính là lý do UNESCO đã ba lần công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới.
Kiên Giang: Tạm giữ hình sự 5 đối tượng cố ý gây thương tích cho người bán cá
Các đối tượng: Kha, Sum, Lâm, Vinh và Cần (từ trái sang). Ảnh: TTXVN phát |
Ngày 24/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định tạm giữ hình sự 5 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi cố ý gây thương tích.
Các đối tượng gồm: Huỳnh Hữu Kha (sinh năm 1998, ngụ xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành), Trần Văn Sum (sinh năm 1999, ngụ xã Đông Hòa, huyện An Minh), Huỳnh Hữu Cần (sinh năm 1984), Trần Thanh Vinh (sinh năm 2004) và Trần Thanh Lâm (sinh năm 1990, cùng ngụ phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá).
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào khoảng 8 giờ ngày 22/8, bà Tô Thị Tuyết Hằng (sinh năm 1962, ngụ khu phố 4, phường An Bình - Rạch Giá) cùng ông L.V.T bán cá tại nhà lựa số 14, khu Cảng cá Tắc Cậu (thuộc ấp Minh Phong, xã Bình An, huyện Châu Thành). Đến khoảng 10 giờ 20 phút cùng ngày, Cần, Sum và một đối tượng khác (chưa rõ lai lịch) cầm hung khí xông vào chỗ bà Hằng đang bán cá (còn Vinh, Lâm đứng ngoài xe chờ sẵn), lúc này bà Hằng tưởng các đối tượng là khách đến mua cá nên mời mua thì bất ngờ bị Sum dùng tay giật đổ bàn để tiền, rồi đánh vào mặt và người bà Hằng gây thương tích. Sau đó, cả nhóm bỏ đi ra ngoài lên xe mô tô tẩu thoát.
Tại cơ quan Công an, Huỳnh Hữu Kha thừa nhận do có mâu thuẫn với bà Hằng trong việc mua bán cá nên đã nhờ Lâm. Sau đó, Lâm rủ thêm một số đối tượng nêu trên đến gây thương tích cho nạn nhân. Xong việc, Kha trả tiền công cho Lâm 2 triệu đồng, Lâm chia cho Cần,Vinh và Sum mỗi người 500.000 đồng. Cả nhóm đã bị Công an bắt giữ.
Qua vụ việc trên, Công an huyện Châu Thành khuyến cáo người dân tham gia hoạt động mua bán kinh doanh trong khu Cảng cá Tắc Cậu nếu có sự việc tranh chấp, chèn ép giá... hãy liên hệ với cơ quan Công an để được giải quyết.
Vụ việc đang được Cơ quan Công an huyện Châu Thành điều tra, làm rõ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Báo động về dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Nyiragongo, Bắc Kivu, CHDC Congo, ngày 15/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cảnh báo, tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở châu lục này, cộng thêm những hạn chế trong công tác chẩn đoán bệnh và tỷ lệ tử vong cao đang tạo ra những thách thức lớn cho nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh này ở châu Phi.
Trong báo cáo cập nhật về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi công bố hôm 23/8, Tổng Giám đốc của CDC châu Phi, Jean Kaseya, nêu rõ những thách thức này cũng liên quan đến sự lây lan nhanh chóng dịch bệnh đậu mùa khỉ sang các quốc gia khác và làm giảm hiệu quả phối hợp các nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm đến ngày 23/8 đã ghi nhận tổng cộng 21.466 ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở 13 nước châu Phi, trong số này có 591 ca đã tử vong.
Tuy nhiên, theo ông Kaseya, những con số này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì còn nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ khó phát hiện, những hạn chế trong việc giám sát, xét nghiệm và báo cáo về số ca mắc bệnh.
Tổng Giám đốc CDC châu Phi cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong cao và sự kết hợp giữa căn bệnh này với HIV/AIDS sẽ gây ra quan ngại y tế rất lớn cho châu Phi.
Trong một diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông tin từ Hãng thông tấn Senegal (APS) cho biết nước này đã triển khai hệ thống giám sát cấp quốc gia để đề phòng khả năng xuất hiện của virus đậu mùa khỉ.
Người đứng đầu Bộ phận giám sát và ứng phó với vaccine thuộc Bộ Y tế và Hành động xã hội Senegal, ông Boly Diop, cho biết nước này hệ thống giám sát được áp dụng trên toàn quốc, đặc biệt tại 46 quận ưu tiên nằm ở khu vực biên giới và các bến cảng, sân bay.
Trước đó, hồi đầu tuần, Bộ Y tế và Hành động xã hội Senegal cũng đã kích hoạt Trung tâm Điều hành khẩn cấp y tế (COUS) sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Ông Diop giải thích các biện pháp trên được triển khai nhằm tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát để bảo vệ người dân và ngăn bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập nước này.
Trong khi đó, tại Uganda, Bộ Y tế nước này xác nhận có thêm 2 ca mắc đậu mùa khỉ mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 4 ca. Hai bệnh nhân mới điều nhiễm chủng virus clade 1b, biến thể có tốc độ lây lan nhanh và đang gây ra mối lo ngại trên toàn cầu. Hiện cả hai bệnh nhân đều đã được cách ly tại một bệnh viện ở thị trấn Entebbe, cách thủ đô Kampala khoảng 50 km về phía Nam.
Virus đậu mùa khỉ gây ra các triệu chứng giống cúm, gây tổn thương da và có thể lây nhiễm qua tiếp xúc gần. Mặc dù triệu chứng bệnh thường là nhẹ nhưng căn bệnh này có thể gây tử vong. Uganda giáp biên với CHDC Congo, một trong những điểm nóng dịch bệnh lớn nhất kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện hồi tháng 1/2023./.