Trong 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận), phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, bỏng nặng, bệnh cơ tim, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ...Trích Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định 134/2016 của Chính phủ
Tin 24h ngày 19/8/2024
Trong năm 2024, tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. |
Sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.
Báo cáo tóm tắt, Phó trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015 - 2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33%/chỉ tiêu 10%). Các ĐVCNSL sau sắp xếp, tổ chức lại đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) của ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý; giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp giảm vượt mục tiêu đề ra (giảm 11,67%/chỉ tiêu 10%); số lượng cấp phó cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định.
Tuy nhiên, việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL chủ yếu còn mang tính cơ học. Tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL đang chậm lại trong giai đoạn 2021 – 2023.
Việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn 2021 - 2023 ở các địa phương đạt tỷ lệ thấp. Còn tình trạng cào bằng trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp. Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai chậm, kết quả không cao, ông Tùng cho hay.
Theo báo cáo đầy đủ, giai đoạn 2021 – 202, đối với Bộ, ngành, số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã thẩm định năm 2021 là 119.475 biên chế. Số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã thẩm định năm 2022 là 108.454 biên chế, giảm 11.021 biên chế, tương ứng giảm 9,22% so với năm 2021. Số biên chế sự nghiệp tại các Bộ, ngành được thẩm định theo nguyên tắc giảm bình quân ít nhất 2%, một số Bộ, ngành giảm nhiều hơn do đã đẩy mạnh tự chủ ĐVSNCL, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công (như Bộ Công Thương giảm 28,81%, Bộ Giao thông vận tải giảm 34,43%, Bộ Ngoại giao giảm 70,07%...).
Đối với địa phương, đoàn giám sát đánh giá, mức giảm trong 2 năm vừa qua đang ở mức rất khiêm tốn, thậm chí có đến 12 tỉnh, thành phố tăng số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn này . Mức giảm trung bình số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở địa phương giai đoạn 2021-2023 chỉ đạt mức 1,42%, cách rất xa mục tiêu tiếp tục giảm 10% được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Kết quả sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các ĐVSNCL mặc dù đạt mục tiêu Nghị quyết giảm 10% giai đoạn 2015 - 2021 nhưng chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu giảm biên chế do các đơn vị chuyển qua tự chủ, giảm biên chế chưa sử dụng tại các ĐVSNCL; đối tượng tinh giản biên chế chủ yếu là đối tượng nghỉ hưu, tự nguyện tinh giản; dôi dư do sắp xếp lại đơn vị; do ốm đau, bệnh tật… .
Kết quả tinh giản biên chế nhiều nơi chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức còn mang tính cơ học, đồng thời tạo thêm áp lực cho đội ngũ viên chức và ĐVSNCL trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc thực hiện thí điểm thi tuyển và thuê giám đốc điều hành tại các ĐVSNCL vẫn còn chậm, hiện nay mới có một số cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện thí điểm, đối với khối các Bộ, ngành hiện còn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất do phụ thuộc vào kết quả việc chuyển đổi ĐVSNCL sang mô hình doanh nghiệp.
Qua giám sát, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu, rà soát để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để xác định rõ những cơ sở giáo dục đại học phải thành lập, được lựa chọn thành lập hoặc không thành lập hội đồng trường; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của hội đồng trường và các thiết chế liên quan trong cơ sở giáo dục đại học để khắc phục các vướng mắc, bất cập, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của mô hình hội đồng trường.
Nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp, Luật Viên chức, tạo điều kiện để viên chức tham gia quản lý doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học.
Trong các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, đoàn giám sát kiến nghị trong năm 2024, hoàn thành việc phê duyệt vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện việc giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trên cơ sở vị trí việc làm, đạt mục tiêu đề ra, có tính đến đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo, y tế.
Đẩy mạnh việc thực hiện cổ phần hóa các ĐVSNCL, phấn đấu bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi 100% các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần, đoàn giám sát kiến nghị.
Kiến nghị tiếp theo là sớm hoàn thành lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định; thực hiện lộ trình cơ chế giá trị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với giá các dịch vụ sự nghiệp công quan trọng như y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp…
Bộ Y tế đề xuất BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh ung thư, đột quỵ
Bộ Y tế đề xuất BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh cho người mắc bệnh hiểm nghèo. Trong số 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ.
Một nội dung đáng chú ý trong Báo cáo tác động chính sách Dự Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) lần 2 mà Bộ Y tế dự thảo đang lấy góp ý là đề xuất bổ sung quy định Quỹ BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng với một số đối tượng.
Cụ thể, những trường hợp này gồm:
- Người được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn, hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
- Một số trường hợp bệnh đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở.
Đây là lần thứ 2 Bộ Y tế đưa ra dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo Tờ trình và dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Lần đầu vào tháng 2 năm nay. Việc lấy ý kiến lần này sẽ kết thúc vào ngày 12/10.
Trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi và Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ Y tế không nêu rõ "một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao" cụ thể gồm những bệnh nào.
Cũng trong dự Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất nguyên tắc giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ để quy định cụ thể việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT hoặc thiết kế gói quyền lợi BHYT phù hợp theo nguyên tắc đóng - hưởng đối với các dịch vụ khám chẩn đoán để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh...
Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định này giúp tiết kiệm chi cho Quỹ BHYT do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên, từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.
Như vậy, đề xuất trên sẽ tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ khám chữa bệnh; giảm các chi phí điều trị, chi phí đi lại, thời gian chờ đợi của người dân; góp phần đạt mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số.
Tuy nhiên, mới đây, khi trả lời kiến nghị cử tri về việc sớm có chính sách hỗ trợ, trợ cấp những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, chạy thận, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Với điều kiện hiện nay, việc thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo mà đa phần là các thuốc, kỹ thuật có chi phí lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cân đối Quỹ, đồng thời ảnh hưởng đến việc chi trả BHYT cho nhiều người bệnh khác".
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy năm 2023, Quỹ BHYT chi trả phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) là gần 6.200 tỷ đồng. Một số liệu khác của Bộ Y tế, chi phí điều trị của ung thư gan lên tới 200-300 triệu mỗi năm.
So với lần thứ 1, trong lần 2 này, Bộ Y tế còn điều chỉnh một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động chính sách về điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT.
Cụ thể, ở lần đầu (lấy ý kiến vào tháng 2/2024), Bộ Y tế đưa ra phương án "bổ sung một số dịch vụ, sản phẩm vào phạm vi chi trả của BHYT ngay khi luật có hiệu lực", gồm khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh để ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh theo danh mục bệnh do Bộ trưởng Y tế ban hành; khám sức khỏe định kỳ cho một số đối tượng hay bổ sung dịch vụ chẩn đoán, sàng lọc sơ sinh...
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đưa phương án giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế quy định lộ trình khi đủ điều kiện, các bệnh lý được ưu tiên mở rộng chi trả BHYT bao gồm: ung thư cổ tử cung; ung thư vú, tăng huyết áp; đái tháo đường; viêm gan C, B.
Ở lần 2, nội dung này không còn. Đồng thời, Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách lần 2 bỏ phương án nâng mức đóng BHYT; Quy định hình thức BHYT bổ sung liên kết với BHYT thương mại do công ty bảo hiểm thực hiện theo hình thức tự nguyện.
Bộ Y tế cho biết đối với một số giải pháp mở rộng phạm vi quyền lợi về chân tay giả, máy trợ thính có chi phí thực hiện cao, chưa bảo đảm khả năng cân đối quỹ ở giai đoạn hiện nay. Bộ cũng kiến nghị chưa quy định mở rộng để đảm bảo tính khả thi một số dịch vụ như hỗ trợ sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, đa dạng hóa cơ sở cung ứng dịch vụ BHYT như nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm, do cần thêm thông tin, dữ liệu đánh giá tác động và truyền thông, cung cấp thông tin.
Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến vào tháng 10/2024) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Ứng dụng giải mã gen định danh ADN vào căn cước và nâng cao y học dự phòng, an sinh xã hội
Tại hội nghị “Ứng dụng giải mã gen định danh ADN vào căn cước và nâng cao y học dự phòng, an sinh xã hội” do Trung tâm Y Khoa VSK Đà Nẵng phối hợp Công ty Genestory tổ chức ngày 17-8 vừa qua, hàng trăm đại biểu tham dự đã được các chuyên gia đến từ Genestory – Công ty tiên phong trong ứng dụng giải mã gen vào chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam (được thành lập và đầu tư bài bản bởi Tập đoàn Vingroup – P.V) cung cấp nhiều thông tin bổ ích liên quan đến giải mã gen phục vụ cho y học dự phòng, sàng lọc bệnh di truyền, khả năng đáp ứng dược lý, ứng dụng để phát triển tối ưu tiềm năng trí tuệ, thay đổi lối sống, nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho con người.
Bên cạnh đó, việc giải mã gen còn phục vụ đắc lực cho việc xét nghiệm, phân tích, tạo lập dữ liệu ADN để chuyển thông tin sinh trắc học ADN về Cơ sở dữ liệu Căn cước. Đây là bước tiến nhằm đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về Luật căn cước đến với người dân, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của thông tin sinh trắc học về ADN, tạo điều kiện thuận lợi để người dân TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung lấy mẫu định danh ADN tích hợp vào Căn cước công dân.
Sốt xuất huyết vào giai đoạn cao điểm, số ca nặng tăng
Dịch sốt xuất huyết đang vào giai đoạn cao điểm khi số ca mắc, số ca diễn biến nặng đều tăng, người dân cần chú ý các triệu chứng nặng khi mắc bệnh.
Nhiều ca diễn biến nặng
Tại Hải Phòng, một trong những “điểm nóng” sốt xuất huyết, trong tuần qua, đã ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong tại nhà riêng ở Thiên Lôi, quận Lê Chân, với chẩn đoán sốc Dengue- viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.
Công tác điều tra dịch tễ, giám sát, thu thập thông tin về ca bệnh và các trường hợp liên quan đã được triển khai để tránh dịch lây lan.
Theo đại diện CDC Hải Phòng, tính từ đầu năm đến ngày 14/8, trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 9.799 ca mắc sốt xuất huyết. Một số quận nội thành như: Lê Chân, Hải An, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Kiến An, tiếp tục ghi nhận số lượng ca mắc cao.
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế Hải Phòng đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch; vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật đựng nước đọng; tổ chức phun hoá chất diệt muỗi chủ động tại các phường, xã trên địa bàn; phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đến các thôn, xóm, tổ dân phố; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại các điểm nóng về sốt xuất huyết….
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất vẫn đang tăng theo tuần; đơn cử như trong tuần từ ngày 2 - 9/8, toàn thành phố ghi nhận 188 ca mắc sốt xuất huyết; tăng 17 ca so với tuần trước đó. Một số địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Phúc Thọ…
Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội cũng xuất hiện các ca sốt xuất huyết sớm và nặng hơn mọi năm. Nhiều bệnh nhân còn trẻ nhưng có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc; có trường hợp phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, suy đa tạng…
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.759 trường hợp mắc sốt xuất huyết. CDC Hà Nội nhận định, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục ghi nhận bệnh nhân.
Đáng lo ngại, cùng với số ca mắc tăng cao, số ca sốt xuất huyết diễn biến nặng cũng tăng lên. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện.
Tại nhiều địa phương, dịch sốt xuất huyết cũng đang tăng mạnh. Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, xuất hiện nhiều điểm nóng, ổ dịch sốt xuất huyết. Tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế dịch cũng đang diễn biến phức tạp.
Theo đại diện Bộ Y tế, trong tuần từ 6-13/8, cả nước đã ghi nhận 3.095 ca mắc sốt xuất huyết, tăng nhẹ so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 52.957 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 6 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 15%, số tử vong giảm 10 ca.
Cảnh giác các dấu hiệu nặng
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Virus Dengue có 4 tuýp là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Người dân cần được phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, hạn chế các biến chứng nặng, hạn chế tử vong.
“Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có pháp đồ điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà”, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.
Người bệnh có thể uống thuốc Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau; tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vec-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Người dân cần cần chú ý thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải… Việc chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cũng cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn, dùng tinh dầu xua muỗi…
Đêm nay 19/8, người Việt Nam sẽ ngắm siêu Trăng xanh tròn, sáng nhất năm 2024
Timeanddate.com cho biết đây là lần trăng tròn lớn nhất và sáng nhất năm 2024 cho đến nay và cũng là Trăng Xanh. Trên thực tế, mặt trăng không có màu xanh như một số người lầm tưởng mà đơn thuần chỉ là tên gọi. |
Theo Hội Thiên văn Hà Nội, vào chiều tối ngày 19/8 và rạng sáng ngày 20/8, Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái đất vì Mặt trời và mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Pha này xảy ra lúc 01 giờ 27 phút sáng 20/8 (giờ Việt Nam). Lần trăng tròn này được các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Trăng cá tầm vì cá tầm lớn ở Ngũ Hồ và các hồ lớn khác dễ bị đánh bắt hơn vào thời điểm này trong năm.
Mặt trăng này còn được gọi là Mặt trăng này cũng được biết dưới cái tên Trăng Ngô Xanh và Trăng Ngũ cốc. Bởi vì đây là lần trăng tròn thứ ba trong số bốn lần trăng tròn trong mùa này nên nó được gọi là trăng xanh. Sự kiện lịch hiếm hoi này chỉ xảy ra vài năm một lần, làm nảy sinh thuật ngữ “trăng xanh một lần”. Thông thường chỉ có ba lần trăng tròn vào mỗi mùa trong năm. Tuy nhiên vì chu kỳ của trăng tròn xảy ra cứ 29, 53 ngày một lần nên thỉnh thoảng một mùa sẽ có 4 lần trăng tròn. Trăng tròn thêm trong mùa được gọi là trăng xanh. Trăng xanh xuất hiện trung bình 2,7 năm một lần.
Mặc dù được gọi là "siêu trăng xanh" nhưng bạn sẽ thấy trăng tròn tháng 8 có màu... hơi cam, sắc độ đậm nhạt khác nhau tùy theo khu vực quan sát. Có 2 hiện tượng đóng góp cho màu cam kỳ lạ này.
Thứ nhất là trăng mùa hè thường treo thấp, do đó mặt Trăng các tháng 5, 6, 7, 8 và có thể cả tháng 9 mọc lên ở phía đường chân trời và buộc chúng ta ngắm nhìn nó qua một lớp khí quyển dày hơn khi trăng đã lên cao.
Lớp khí quyển này cũng hoạt động như một lăng kính dẫn đến tán xạ ánh sáng, khiến chúng ta thấy trăng bị ngả về sắc đỏ hơn thường lệ một chút.
Nếu ngắm Trăng vào lúc hoàng hôn vào các tháng khác, bạn cũng sẽ thấy nó có màu phớt hồng cam, trong khi trăng lên cao thường có ánh bạc trong trẻo.
Lý do thứ hai là nếu bầu không khí mà bạn nhìn qua bị ô nhiễm bởi khói bụi và nhất là khói cháy rừng mùa Hè, màu cam này sẽ càng sậm hơn.
Theo Date and Time, tính đến sáng ngày 19/8 và theo góc quan sát từ TP Hồ Chí Minh, siêu trăng đã đạt độ tròn trên 99% và sẵn sàng để xuất hiện trong trạng thái đẹp nhất vào tối nay.
Tờ Live Science cho biết siêu Trăng tháng 8 sẽ là siêu trăng đầu tiên của năm và được gọi là siêu trăng xanh bởi nó là trăng tròn thứ 3 trong 4 trăng tròn trong cùng một mùa thiên văn.
Ngoài ra, còn một loại siêu Trăng xanh khác là siêu Trăng xanh theo tháng - chỉ trăng tròn thứ 2 trong cùng một tháng.
Theo NASA, cả 2 loại Trăng xanh này thường chỉ xảy ra một lần trong 2-3 năm.
Theo Time and Date, thời điểm Trăng tròn tuyệt đối theo giờ Việt Nam sẽ là 1 giờ 27 phút rạng sáng 20/8.
Tuy vậy, nếu muốn ngắm siêu trăng to nhất và cam nhất có thể, bạn nên tranh thủ ngắm trăng lúc hoàng hôn chiều ngày 19/8.
Đó sẽ là lúc hiện tượng "ảo ảnh Mặt Trăng" do góc độ quan sát khiến mặt trăng có màu cam đậm nhất trong buổi tối và cũng khiến nó trông có vẻ to hơn thường lệ, do một kiểu ảo ảnh thị giác.
Nếu bỏ lỡ, người yêu thiên văn vẫn có cơ hội ngắm các siêu Trăng khác vào tháng 9, 10 và 11 sắp tới. Trong đó, Trăng tròn tháng 10 sẽ ở gần Trái Đất nhất nên cũng sẽ là siêu Trăng lớn nhất.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát cửa khẩu ngăn dịch đậu mùa khỉ
WHO công bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 19/8, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 537 trường hợp tử vong; virus mpox nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch tại nước này. Bước đầu ghi nhận, có một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong vụ dịch trước đó xảy trong năm 2022 - 2024 tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác như các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình.
Ngoài ra, 4 nước giáp với Cộng hòa Dân chủ Congo (gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda) đã lần đầu ghi nhận các trường hợp mắc mpox có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh mpox đang xảy ra tại Congo. Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) cũng ghi nhận trường hợp mắc mpox nhánh Ib.
Trước diễn biến của dịch mpox lần này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ ngày 14/8/2024.
Tăng cường giám sát ngay tại cửa khẩu và cơ sở y tế
Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, sáng ngày 19/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm triển khai ngay một số hoạt động để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị tập trung chỉ đạo các sở ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh; chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ, phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế.
Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.
Các địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh mpox.
Song song với rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch, các địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế (kèm theo), tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
Các tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh đậu mùa khỉ tại địa chỉ website: https://macabenh.vncdc.gov.vn/?mod=monkey (điện thoại hỗ trợ: 0387525938).
Kịp thời phát hiện các ca bệnh
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế yêu cầu phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới, bất thường (nếu có). Chủ động báo cáo, tham mưu Bộ Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Các đơn vị trên rà soát, sẵn sàng các thiết bị, sinh phẩm, kỹ thuật xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị; tiếp tục tổ chức tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị các trường hợp mắc bệnh; hỗ trợ công tác lấy mẫu, kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Đồng thời chủ động, sẵn sàng thuốc, thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phân loại, thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.
Vụ Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nộp 14 tỉ đồng: Nộp lại bao nhiêu tiền nhận hối lộ sẽ thoát án tử hình?
Trong vụ án AIC Bắc Ninh, các bị can đã nộp tiền khắc phục hậu quả và số tiền hưởng lợi tổng cộng hơn 51 tỉ đồng. Trong đó, vợ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã nộp số tiền 14 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng.
Theo kết luận điều tra, vì động cơ vụ lợi, ông Chiến thống nhất chủ trương tạo điều kiện cho nhóm công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm Lã Tuấn Hưng phân chia 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị ở 6 bệnh viện tuyến huyện. Ông Chiến hưởng lợi bất chính 14 tỉ đồng, trong đó có 4 tỉ đồng hưởng lợi từ 6 gói thầu và 10 tỉ đồng là quà biếu của bà Nhàn AIC vào các dịp lễ, Tết.
Cũng trong vụ án trên, vợ bị can Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã nộp 10,1 tỉ đồng…
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Theo Điều 354 BLHS 2015, khung hình phạt thấp nhất của tội nhận hối lộ là từ 2-7 năm. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ có trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì có thể bị áp dụng hình phạt tử hình.
Về việc tự nguyện nộp lại tiền nhận hối lộ, theo Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Điều 40 BLHS 2015 cũng nêu rõ, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Khi đó, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
“Như vậy, khi người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ tự nguyện nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ được chuyển từ án tử hình xuống tù chung thân” - luật sư Lê Hồng Vân nhận định.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ được quy định như sau:
Trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015 đối với người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc trường hợp người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra…