Tin 24h ngày 13/9/2024
Thủ tướng yêu cầu chậm nhất 31/12 phải hoàn thành xây dựng lại bản Làng Nủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp thân nhân các gia đình tại hiện trường, bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc với nỗi đau của các gia đình. Ảnh: VGP |
Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay. Đặc biệt, đây là địa phương thiệt hại về người nặng nề nhất tới thời điểm hiện nay, với 9 vụ lũ quét, sạt lở rất nghiêm trọng.
Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm 7/9 đến 11/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng, gây ngập sâu, thiệt hại rất nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng của Nhà nước, Nhân dân.
Theo thống kê của địa phương, đến trưa 12/9, toàn tỉnh Lào Cai có 6/9 huyện, thị xã, thành phố có người chết. Tổng số người thương vong là 255 người, trong đó: 98 người chết; 81 người mất tích; 76 người bị thương; 9/172 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi; trên 2.400 ha đất lúa bị thiệt hại. Tổng thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng. Riêng huyện Bảo Yên thiệt hại khoảng gần 400 tỷ đồng.
Đặc biệt rạng sáng 10/9, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đã xảy ra trận lũ kinh hoàng vùi lấp 37/167 hộ với 158/760 nhân khẩu. Đến 15 giờ ngày 12/9, các lực lượng đã tìm thấy 44 thi thể nạn nhân vụ lũ quét tại Làng Nủ. Hiện nay, vẫn còn 51 người dân mất tích. Số người bị thương đang điều trị là 17 người, 46 người được xác định an toàn.
Hiện, 650 người đang tham gia tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ. Trong đó, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) 300 người; công an 100 người; các lực lượng khác của tỉnh, huyện, xã 250 người. Tất cả lực lượng đều dốc sức, chạy đua với thời gian tìm kiếm, cứu nạn. Trong ngày, Bộ đội Biên phòng đã huy động chó nghiệp vụ để phối hợp, tìm kiếm các nạn nhân. Sau 2 ngày tắc đường, đến sáng nay đã có chiếc máy xúc đầu tiên vào hiện trường hỗ trợ việc tìm kiếm.
Tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; đồng thời hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình có người thiệt mạng 25 triệu đồng/người, người bị thương 5 triệu đồng/người.
Tại hiện trường thôn Làng Nủ, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến 31/12/2024, phải tìm địa điểm xây dựng lại nơi ở cho người dân; trước mắt phải đảm bảo nước sạch, đồ ăn thức uống cho những người dân đã bị mất nơi ở tại thôn; đồng thời biểu dương lực lượng tìm kiếm cứu nạn, và mong muốn lực lượng tìm kiếm cứu nạn gắng sức tìm bằng được thi thể các nạn nhân để giảm đi nỗi đau của người thân các nạn nhân.
Theo số liệu báo cáo, tính đến 7 giờ ngày 12/9, toàn tỉnh Lào Cai có 246 người chết, mất tích, bị thương; gần 9.200 nhà ở bị thiệt hại; sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 3.636 ha cây trồng các loại bị gãy đổ.
Tổng số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi là 9.172 nhà; trong đó 444 nhà thiệt hại hoàn toàn >70%; 306 nhà thiệt hại rất nặng 50 - 70%; thiệt hại nặng 30 - 50% là 1.828 nhà; 1.643 nhà thiệt hại một phần <30%. 3.107 nhà bị ngập nước; 319 nhà bị sụt lún.
Ngoài ra còn nhiều nhà bị hư hỏng công trình phụ trợ. Hiện nay còn 97 thôn/25 xã bị cô lập, người dân chưa đi lại được do ngập lụt, sạt lở đường giao thông.
Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 3.636 ha lúa, ngô, hoa màu, cây trồng hàng năm, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp, chuối bị gãy đổ. Thiệt hại 300 chậu địa lan và 84 cây cảnh các loại tại thị xã Sa Pa.
Hơn 190 ha diện tích thủy sản và 445 tấn cá thương phẩm, 449.000 con cá giống bị chết, lũ cuốn trôi. Hư hỏng 210 chuồng trại chăn nuôi, chết 213 con gia súc, 1.872 con gia cầm.
Kỳ tích, tìm thấy 2 hộ dân với 8 nhân khẩu chạy thoát trong lũ quét kinh hoàng Làng Nủ
7h30’ sáng nay 13/9, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trong tổng số 47 nạn nhân đang bị mất tích vừa qua, hiện cơ quan chức năng đã tìm thấy 2 gia đình với 8 nhân khẩu kịp thời chạy lên núi thoát chết trong lũ quét kinh hoàng.
Lực lượng chức năng sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn cứu hộ các nạn nhân. |
Hai gia đình may mắn trên là gia đình các ông Hoàng Văn Tiện và Hoàng Văn Duân, họ hàng với nhà trưởng thôn Làng Nủ. Dù được lực lượng chức năng tìm thấy, đưa về làng, nhưng thời điểm hiện tại các hộ dân trên vẫn chưa hết bàng hoàng kinh sợ trước thảm cảnh cơn lũ quét gây ra.
Ông Hoàng Văn Tiện (ngoài cùng bên trái), 1 trong 8 người sống sót, mới được tìm thấy. |
Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cứu hộ vụ lũ quét kinh hoàng Làng Nủ cũng thông tin, có thể còn một số người xác định mất tích đang đi làm ăn xa, bây giờ có thông tin bão lũ về. Thông tin chưa xác định rõ nhưng cầu mong đó là sự thật. Hiện, lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành các biện pháp tìm kiếm cứu nạn cứu hộ các nạn nhân.
Mực nước trên tất cả các sông Bắc Bộ đang rút. Thời tiết những ngày tới ít mưa, nắng nhiều
Từ sáng sớm nay mực nước tại tất cả các sông Bắc Bộ đã bắt đầu xuống. Dự báo khu vực đang bị ngập ngoài đê sông Hồng tại Hà Nội sẽ hết sau 2-3 ngày tới, vùng ven sông hạ du sông Hồng (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên) cần thêm ít nhất 3-5 ngày. Riêng vùng trũng thấp ở Chương Mỹ ven sông Bùi, sông Tích cần thêm khoảng 7-10 ngày.
Cập nhật tình hình lũ lúc 07h00 ngày 13/9:
Mực nước hồ Thác Bà: 58,91m, lưu lượng đến hồ: 1955m3/s
1) Sông Thao tại: Lào Cai (Lào Cai): dưới BĐ1, đang xuống; Bảo Hà (Lào Cai): dưới BĐ1, đang xuống; Yên Bái (Yên Bái): 30,37m, trên BĐ1, đang xuống.
2) Sông Hồng tại Hà Nội (10,02m), dưới BĐ2, đang xuống;
3) Hạ lưu sông Hồng tại: Hải Dương (Phả Lại 6,04m), trên BĐ3, đang xuống; Thái Bình (Quyết Chiến 5,24m), trên BĐ3, đang xuống; Nam Định (Nam Định 4,88m), trên BĐ3, đang xuống; Hà Nam (Phủ Lý 5,20m), trên BĐ3, nước đứng; Ninh Bình (Ninh Bình 4,07m), trên BĐ3, đang xuống; Hưng Yên (Hưng Yên 6,92m), dưới BĐ3, đang xuống.
4) Sông Cầu: Tại Thái Nguyên (Chã 9,89m), dưới BĐ3, đang xuống; Bắc Ninh (Đáp Cầu 7,66m), trên BĐ3, đang xuống.
5) Sông Hoàng Long Bến Đế (4,82m), trên BĐ3, đang xuống.
Truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tá hy sinh khi giúp dân khắc phục bão
Ngày 13-9, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng. |
Trong quá trình cùng đồng đội và người dân cắt tỉa cây đổ, anh Hưng đã bị điện giật. Đồng đội và người dân đã tiến hành sơ cứu, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Kiến An, thành phố Hải Phòng, nhưng Trung tá Hưng không qua khỏi và đã mất tại bệnh viện.
Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng sinh ngày 18-2-1978 tại xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Anh là lái xe thuộc Trung đội 2, Đại đội 1, Lữ đoàn vận tải 653, Cục Hậu cần Quân khu 3.
Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng hy sinh trong quá trình thực hiện giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3; đã thể hiện tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới.
'Nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn'
Sáng 13-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đột phá; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn.
Kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm
Đáng chú ý, theo bà Lê Thị Nga, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2024.
Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực. Trong số này, có nhiều vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cụ thể, các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 722 vụ án/1.571 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 689 vụ án/2.235 bị can.
VKSND các cấp thụ lý giải quyết trong giai đoạn truy tố 985 vụ/3.269 bị can, đã giải quyết 852 vụ/2.785 bị can.
TAND các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 750 vụ/1.851 bị cáo (tăng 274 vụ/736 bị cáo so với cùng kỳ), trong đó xét xử 640 vụ/1.531 bị cáo.
TAND các cấp đã tuyên phạt tử hình và tù chung thân 10 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm với 62 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 203 bị cáo…
“Các cơ quan đã kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, kể cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước, cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương” - cơ quan thẩm tra nhận định.
Tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban Tư pháp cho rằng công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế.
“Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra” - theo cơ quan thẩm tra.
Cạnh đó, chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng chưa đạt yêu cầu; còn có vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm; nhiều vụ án phải trả hồ sơ để điều tra lại.
Đặc biệt, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can.
Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý việc chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa có nhiều chuyển biến.
Theo cơ quan thẩm tra, tình trạng vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá tài sản diễn ra ở một số địa phương.
Tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản phải thu hồi nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
“Tình trạng cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm các quy định về phòng chống tham nhũng, bị xử lý hình sự diễn ra còn nhiều” - bà Lê Thị Nga lưu ý.
Đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán
Đánh giá chung, Ủy ban Tư pháp cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Cơ quan thẩm tra lưu ý các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản...
“Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn... để trục lợi” - theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.
Những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực, cơ quan thẩm tra nhận định.
“Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức” - vẫn theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Từ nhận định trên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản...
Mặt khác, công tác phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cần tiếp tục vận động đầu thú, truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài; tập trung chỉ đạo khắc phục những bất cập trong công tác giám định, định giá tài sản, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
“Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có kỷ cương, kỷ luật hành chính, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Cả thế giới rung chuyển suốt 9 ngày sau cơn siêu sóng thần
Đợt sạt lở và siêu sóng thần ở Greenland, bắt nguồn từ khủng hoảng khí hậu, đã khiến Trái Đất rung lên suốt 9 ngày vào tháng 9/2023.
Cơn địa chấn được phát hiện bởi cảm biến động đất trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ban đầu các nhà khoa học không hình dung được đây là gì bởi mức độ vô tiền khoáng hậu của cơn địa chấn này, theo Guardian.
"Khi chúng tôi bắt đầu đợt khảo sát, mọi người đều bối rối và không ai hình dung nổi tín hiệu sóng địa chấn này xuất phát từ đâu", tiến sĩ Kristian Svennevig thuộc đội Khảo sát Địa chất của Đan Mạch và Greenland, tác giả chính của công trình nghiên cứu, nói. "Những đợt sóng dài hơn và đơn giản hơn các tín hiệu động đất thông thường".
Sau khi tìm hiểu, các nhà nghiên cứu cho biết vụ địa chấn là minh chứng rõ nét cho tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường. Nhiệt độ Trái Đất tăng lên nhanh chóng đã gây ra lở đất ở những nơi từng được xem là ổn định.
Một đỉnh núi cao 1.200 mét ở vịnh Dickson, phía đông Greenland, bị sạt lở vào ngày 16/9/2023 sau khi sông băng bên dưới bị tan chảy và không thể giữ cố định cấu trúc núi đá này được nữa.
Vụ sạt lở gây ra đợt sóng cao tới 200 m và tình trạng lũ cuốn chảy xiết qua vịnh hẹp Dickson, gửi sóng địa chấn đi khắp thế giới trong hơn một tuần.
Đây là vụ lở đất và siêu sóng thần đầu tiên được ghi nhận ở phía đông Greenland. Các khu vực xung quanh Bắc Cực đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ấm lên toàn cầu.
“Tôi đã hoàn toàn bối rối khi lần đầu nhìn vào những tín hiệu địa chấn này”, tiến sĩ Stephen Hicks thuộc Đại học London, một trong những người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, nói. “Tôi chưa bao giờ thấy sóng địa chấn di chuyển lâu và dài như vậy mà lại chứa một tần số dao động duy nhất”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ước tính rằng khoảng 25 triệu m3 đá và băng đã đâm vào vịnh hẹp và trượt dài ít nhất 2.200 m dọc theo vịnh này.
“Vụ sạt lở này cũng là sự kiện hiếm gặp bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận được tình trạng lở đất và sóng thần ở miền Đông Greenland”, tiến sĩ Svennevig nói.
Đợt sạt lở đã phá hủy một địa điểm từng là nơi cư trú của người Inuit (tộc người bản địa sống gần Bắc Cực). Địa điểm này nằm gần mực nước biển và có tuổi thọ vào khoảng 200 năm, cho thấy vụ lở đất này là chuyện gần như không xảy ra trong suốt hơn 2 thế kỷ.
Nhiều lều đã bị phá hủy tại một trạm nghiên cứu trên Đảo Ella, cách trận lở đất 70 km. Địa điểm này được những người săn lông thú và nhà thám hiểm thành lập cách đây hai thế kỷ và được các nhà khoa học và quân đội Đan Mạch sử dụng, nhưng bị bỏ trống vào thời điểm xảy ra trận sóng thần.