Hy hữu vụ trình báo mất gần 6 tỷ đồng khi cài app giả mạo dịch vụ công

Ngày 12/6, Công an huyện Hoài Đức, TP Hà Nội điều tra xác minh đơn trình báo của chị H (SN 1984, trú ở địa phương này) về việc bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.

Tin 24h ngày 12-6-2024
Hy hữu vụ trình báo mất gần 6 tỷ đồng khi cài app giả mạo dịch vụ công

Theo chị H, hồi cuối tháng 5, chị nhận được cuộc gọi điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an yêu cầu tải phần mềm dịch vụ công để làm tài khoản định danh mức 2.

Sau đó, đối tượng gửi cho chị H đường link để cài đặt phần mềm dịch vụ công nhưng là ứng dụng giả mạo. Cài đặt xong, chị H bị chiếm quyền sử dụng điện thoại rồi bị chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng trong tài khoản.

Theo điều tra, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân bị lỗi hoặc phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu họ đến cơ quan công an để làm việc.

Các đối tượng gây sức ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm dịch vụ công giả mạo theo đường dẫn của đối tượng cung cấp.

Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện hành vi chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Dù cơ quan chức năng rất nhiều lần cảnh báo, song vẫn có người dân trình báo bị chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nêu trên.

Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác, tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của người lạ gọi đến.

Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, người dân có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Khi đó, mọi các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý mà không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, đánh cắp tiền của bị hại.

Hai bà cháu tử vong không rõ nguyên nhân, 4 người cùng nhà có triệu chứng lạ

Sau 4 ngày người cháu 2 tuổi bất ngờ tử vong, bà nội cũng có dấu hiệu lạ rồi qua đời. Sở Y tế Bắc Kạn đã vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Tối 11/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Kạn phát đi thông tin liên quan vụ việc 2 bà cháu ở thôn Nà Lầu, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tử vong không rõ nguyên nhân.

Theo đó, tối 9/6, Trung tâm Y tế huyện Ba Bể nhận được thông tin từ Trạm Y tế xã Mỹ Phương về ca tử vong chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn về chưa rõ nguyên nhân.

Người tử vong là bà H.T.Đ, 64 tuổi. Người nhà bệnh nhân cho biết sáng cùng ngày, bà Đ. dậy ăn sáng bình thường. Sau đó bà đi cắt cỏ, thấy người mệt, rét, lạnh, đau đầu, nên đã về nhà uống 2 viên thuốc Seda. Sau uống, bà Đ. thấy đỡ nên đi sang nhà chung của thôn, tuy nhiên, bà vẫn khó chịu và được con gái đưa về nhà rồi đi bệnh viện.

Trên đường đến viện, bà Đ. bị nôn và đi ngoài tiêu chảy, được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) để cấp cứu. Người bệnh tiếp tục được chuyển đến Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bắc Kạn trong tình trạng hôn mê, tím tái, nguy kịch. Đầu giờ chiều cùng ngày, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Bà Đ. tử vong trên đường về.

Trước đó 4 ngày, cháu ruột bà Đ. là bé Đ.T.V (2 tuổi) cũng tử vong sau khi có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn và đi ngoài tiêu chảy.

Ngoài 2 trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân, trong gia đình bà Đ. còn có con trai là Đ.V.D (39 tuổi) và cháu trai S.V.T (12 tuổi) cũng có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi.

Sáng 10/6, thêm 2 mẹ con ở gia đình này có biểu hiện sốt, đau đầu và đi ngoài phân lỏng, hiện đã được chuyển đến Trung tâm Y tế Bạch Thông để điều trị.

Sáng 10/6, Sở Y tế Bắc Kạn đã làm việc với các đơn vị liên quan của huyện Ba Bể và thống nhất điều tra lấy mẫu người mắc bệnh và những người trong gia đình. Qua điều tra ca bệnh và trao đổi với người nhà được biết, khoảng một tuần nay, gia đình ăn uống bình thường, không sử dụng thức ăn lạ.

Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm và Trung tâm Y tế huyện Ngân Sơn giám sát chặt chẽ tình hình bệnh của những người trong gia đình đang ở xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm) và xã Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn); đồng thời chỉ đạo CDC tỉnh tập trung xét nghiệm xác định nguyên nhân.

Bà Trương Mỹ Lan 'kéo' cháu gái Trương Huệ Vân vào vòng lao lý như thế nào?

Trong cả hai giai đoạn điều tra vụ án, C03 xác định, Trương Huệ Vân được bà Trương Mỹ Lan, tin tưởng tuyệt đối giao tiền vốn, bổ nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo đạo trong các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Sai phạm của Vân là ký giấy tờ, lập công ty 'ma' để tạo lập các khoản vay, giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt tiền.

Được giao vốn, bổ nhiệm đứng đầu doanh nghiệp

Trong kết luận điều tra giai đoạn II vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an quy kết nhóm bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm phát hành trái phiếu sai quy định chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của Nhà đầu tư; Rửa tiền 445.747 tỷ đồng; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng số hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng).

Tin 24h ngày 12-6-2024
Trương Huệ Vân

Với 3 nhóm hành vi trên, bà Trương Mỹ Lan cùng 3 bị can bị đề nghị truy tố 3 tội; 28 đồng phạm khác bị đề nghị truy tố từ 1 hoặc 2 tội; trong khi đó, Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) bị đề nghị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận của giai đoạn II, Trương Huệ Vân được bà Trương Mỹ Lan tin tưởng giao làm Cổ đông; Thành viên HĐQT Công ty WMC, bổ nhiệm Tổng Giám đốc năm 2015.

Vốn góp vào doanh nghiệp do bà Lan cho Huệ Vân nắm giữ nhưng thực chất là tiền của Lan và Thành viên HĐQT Công ty An Đông; đồng thời, việc điều hành, quyết định các vấn đề về tài chính cũng do bà Lan trực tiếp điều hành.

C03 xác định, dù biết Công ty WMC không có nhu cầu và nguồn lực để đầu tư trái phiếu, nhưng theo chủ trương của Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân đã ký các hợp đồng, chứng từ chuyển tiền cho Công ty An Đông tổng số 13.000 tỷ đồng (gồm: Hợp đồng đặt mua 30 triệu trái phiếu mã ADC-2018.09 trị giá 3.003,6 tỷ đồng; 5 ủy nhiệm chi Công ty Windsor chuyển tiền đến Công ty An Đông tổng số 3.000 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu Công ty An Đông; 5 hợp đồng đặt mua 100 triệu trái phiếu doanh nghiệp mã ADC-2019.01 với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng; 25 ủy nhiệm chi Công ty Windsor chuyển tiền cho Công ty An Đông 10.000 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu.

Hành vi trên của Trương Huệ Vân bị C03 kết luận phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 13.000 tỷ đồng.

Lập nhiều công ty 'ma' giúp bà Trương Mỹ Lan vay tiền

Tại giai đoạn I vụ án, TAND TP HCM tuyên phạt Trương Huệ Vân (người giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) 17 năm tù tội “Tham ô tài sản”.

Cơ quan tố tụng cho rằng, Vân được bị cáo Trương Mỹ Lan tin tưởng, giao quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Từ năm 2020, bị cáo Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay "khống" để bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền từ Ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.834 tỷ đồng (gồm dư nợ gốc hơn 2.809 tỷ đồng và dư nợ lãi suất hơn 25 tỷ đồng).

HĐXX sơ thẩm khi tuyên án nhận định, Trương Huệ Vân phạm tội trong thời gian ngắn, chỉ tham gia khâu thành lập công ty "ma" trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhằm tạo lập hồ sơ vay "khống" giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của SCB. Bị cáo không tham gia khâu giải quỹ, che giấu dòng tiền. Vì vậy, Vân là đồng phạm có tổ chức nhưng mang tính đơn thuần.

Một ngân hàng bán vàng online

Từ hôm nay (12/6), Ngân hàng Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến cho khách hàng ngay trên trang tin của ngân hàng nhằm giải quyết tình trạng khách hàng phải xếp hàng tại các điểm bán vàng.

Theo đó, khách hàng có thể đăng ký mua vàng miếng SJC theo địa điểm mong muốn và nhận được xác nhận lịch hẹn với thông tin về địa điểm, thời gian thực hiện thanh toán và giao nhận vàng miếng SJC mà không cần phải đến trực tiếp để xếp hàng và lấy số giao dịch.

Vietcombank lưu ý kể từ hôm nay (12/6), ngân hàng này chỉ cung cấp dịch vụ bán vàng miếng SJC cho khách hàng đã đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến trên trang thông tin của Vietcombank.

Thời gian đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến hàng ngày (ngoại trừ ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định) từ 9h-16h. Thời gian thanh toán và giao nhận vàng tại điểm bán vàng miếng SJC của Vietcombank từ 13h30-16h.

Sau khi đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến, khách hàng cần đến địa điểm giao dịch theo địa chỉ và khung giờ tại xác nhận lịch hẹn. Trường hợp, quá giờ hẹn từ trên 30 phút mà khách hàng không đến giao dịch, Vietcombank sẽ huỷ xác nhận lịch hẹn để phục vụ khách hàng tiếp theo.

Giá vàng được niêm yết tại thời điểm thực hiện thanh toán và giao nhận mua vàng miếng tại địa điểm của Vietcombank.

Theo Vietcombank, giải pháp này đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng, an toàn và bảo mật cho khách hàng bởi từ nay khách hàng có thể sử dụng thiết bị điện tử cá nhân (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân…) để đăng ký mua vàng miếng SJC, không mất thời gian xếp hàng chờ lấy số; tiết kiệm thời gian thu thập thông tin; toàn bộ thông tin khách chỉ sử dụng cho giao dịch mua vàng miếng SJC khi khách hàng đến các điểm bán vàng miếng SJC của Vietcombank.

Để đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến, khách hàng cần truy cập địa chỉ website của ngân hàng và làm theo hướng dẫn trên màn hình.

Trước đó, tại Vietcombank và các điểm giao dịch vàng miếng SJC của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tham gia bán vàng trực tiếp cho người dân đã diễn ra tình trạng người dân xếp hàng từ 3-4h sáng để lấy số mua vàng.

Nhằm giảm tải cho các điểm bán và phục vụ nhu cầu khách hàng, Vietcombank đã mở thêm 4 điểm bán vàng miếng SJC cho người dân.

Cùng với 6 điểm bán hoạt động từ ngày 3/6, Vietcombank hiện có 10 điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TPHCM, nhiều nhất trong số 4 ngân hàng đang cung ứng dịch vụ này.

Tương tự, Ngân hàng Agribank từ ngày 11/6 cũng mở thêm 2 điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội. Sang đến ngày 12/6, sẽ có thêm 3 điểm nữa của Agribank tại TPHCM sẵn sàng cung ứng vàng miếng SJC.

Ngoài ra, Agribank cũng dự kiến sẽ có thêm một địa điểm cung ứng vàng miếng SJC trong thời gian tới là Agribank Chi nhánh Long Biên. Như vậy, tổng số điểm bán vàng miếng SJC của Agribank sắp tới dự kiến nâng lên thành 10 điểm bán.

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Thực hiện chủ trương thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, hiện nay đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán. Tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng.

Xuất hiện trò lừa đảo đánh cắp mã OTP bằng cuộc gọi AI

Xác thực 2 yếu tố bằng mã OTP được xem là biện pháp bảo mật an toàn. Tuy nhiên các hacker đang tìm cách vượt qua 'bức tường' này bằng cách tấn công lừa đảo.

Xác thực 2 yếu tố (2FA) là tính năng bảo mật tiêu chuẩn trong an ninh mạng. Tính năng này yêu cầu người dùng xác minh danh tính bằng một bước xác thực thứ hai, thường là mật khẩu dùng một lần (OTP) được gửi qua tin nhắn văn bản, email hoặc ứng dụng.

Lớp bảo mật bổ sung này được tạo ra nhằm mục đích bảo vệ tài khoản của người dùng ngay cả khi mật khẩu của họ bị đánh cắp. Tuy vậy, các hacker đang tìm cách qua mặt “bức tường lửa” này bằng các biện pháp tấn công phi kỹ thuật.

Theo Kaspersky, trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 31/5/2024, đơn vị này đã ngăn chặn 653.088 lượt truy cập vào các trang web được tạo ra bởi bộ công cụ phishing (lừa đảo) nhắm vào các ngân hàng. Cũng trong khoảng thời gian đó, Kaspersky phát hiện 4.721 trang web lừa đảo do các bộ công cụ tạo ra nhằm mục đích vượt qua biện pháp xác thực 2 yếu tố.

Khi nạn nhân nhập tên đăng nhập và mật khẩu vào website giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ tự động thu thập thông tin ngay lập tức, theo thời gian thực. Sau đó, chúng sẽ đăng nhập và kích hoạt việc gửi mã OTP đến điện thoại của nạn nhân.

Thông thường, ngay cả khi lộ mật khẩu, tài khoản của người dùng sẽ được bảo vệ bằng việc xác thực 2 yếu tố hay xác thực 2 bước. Tuy nhiên, xuất hiện chiêu trò mới khi kẻ lừa đảo sử dụng bot OTP để lừa người dùng tiết lộ mã OTP.

Những con bot OTP sẽ tự động gọi điện đến nạn nhân, mạo danh nhân viên của một tổ chức đáng tin cậy. Bot OTP sử dụng kịch bản hội thoại được lập trình sẵn để thuyết phục nạn nhân tiết lộ mã OTP. Thông qua đó, hacker có được mã OTP và sử dụng nó để truy cập trái phép vào tài khoản.

Kẻ lừa đảo ưu tiên sử dụng cuộc gọi thoại thay cho tin nhắn, vì nạn nhân có xu hướng phản hồi nhanh hơn khi áp dụng hình thức này. Để tăng hiệu quả, bot OTP sẽ mô phỏng giọng điệu và sự khẩn trương của con người trong cuộc gọi nhằm tạo cảm giác tin cậy và tăng tính thuyết phục.

Những con bot OTP được điều khiển trực tuyến hoặc thông qua nền tảng nhắn tin như Telegram. Chúng còn đi kèm với nhiều tính năng và gói đăng ký khác nhau, kẻ tấn công có thể tùy chỉnh tính năng của bot để mạo danh các tổ chức, sử dụng đa ngôn ngữ và thậm chí chọn tông giọng nam hoặc nữ.

Các tùy chọn nâng cao còn bao gồm giả mạo số điện thoại hiển thị giống như đến từ một tổ chức hợp pháp nhằm đánh lừa nạn nhân một cách tinh vi. Với sự xuất hiện của các bot OTP, người dùng đang phải đối mặt với những nguy cơ mới về bảo mật.

Để không trở thành nạn nhân, người dùng cần tránh nhấp vào các đường link đáng ngờ được gửi đến qua email, tin nhắn. Nếu lần đầu truy cập vào một website nào đó, hãy kiểm tra thông tin về đơn vị chủ quản trang web bằng công cụ Whois.

Khi gõ địa chỉ các trang mạng xã hội hay ngân hàng, người dùng cần tránh lỗi đánh máy có thể vô tình dẫn đến website giả mạo. Thay vì tìm kiếm trên Google để rồi bị dẫn dụ vào các trang web xấu, người dùng nên sử dụng dấu trang để lưu lại các website truy cập thường xuyên.

Các ngân hàng, ví điện tử uy tín không bao giờ hỏi mã OTP của người dùng. Trong mọi trường hợp, người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác, đặc biệt là qua các cuộc gọi, tin nhắn, bất kể nội dung thông tin có vẻ thuyết phục đến đâu.

Điện lực Thái Nguyên: Chủ động nhiều giải pháp cấp điện mùa nắng nóng năm 2024

Điện lực Thái Nguyên đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao của người dân và doanh nghiệp trong mùa nắng nóng.

Ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Thái Nguyên (Điện lực Phổ Yên) đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện, bảo đảm hành lang an toàn lưới điện.

Theo đó, Điện lực Phổ Yên đã chỉ đạo các phòng chức năng và các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, thường xuyên theo dõi tình trạng vận hành đường dây, trạm biến áp để triển khai các giải pháp cụ thể nhằm kiểm tra, tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng tổng thể hệ thống lưới điện; Xây dựng phương thức vận hành, các kịch bản cấp điện, phương án điều khiển công suất, phương án trực vận hành tăng cường, chuẩn bị nguồn dự phòng, vật tư, thiết bị sẵn sàng khi có sự cố xảy ra…

Hiện, Điện lực Phổ Yên đang quản lý, vận hành 530 Trạm biến áp, với tổng công suất trên 360.550 KVA; Gần 1.200 km đường dây các loại. Trong đó, đường dây trung thế trên 611km và gần 590km đường dây 0,4kv... đáp ứng nhu cầu cho trên 46 nghìn khách hàng.

Trong năm 2024, Điện lực Phổ Yên đã triển khai các biện pháp đồng bộ, đầu tư, lắp đặt 13 trạm biến áp chống quá tải, đến nay đã lắp đặt và đưa 8 trạm biến áp vào sử dụng, ở các xã, phường: Vạn Phái, Thành Công, Hồng Tiến, Nam Tiến, Tân Hương; Công tác sửa chữa thường xuyên gồm 35 hạng mục.

Trong công tác sửa chữa lớn, đơn vị tiến hành sửa chữa NR Cầu Đất, lộ 376E6.7; Triển khai các hạng mục cải tạo, đầu tư nâng cấp các công trình hiện đại hóa lưới điện, thay thế nâng tiết diện dây dẫn, nối lưới giữa các xuất tuyến nhằm san tải, nâng cao khả năng cung cấp điện, khả năng liên kết lưới điện và linh hoạt chuyển tải.

Điện lực Phổ Yên cũng đã tăng cường công tác hướng dẫn khách hàng các công cụ mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam như công cụ ước tính sản lượng điện hàng tháng. Công cụ này giúp khách hàng biết được hàng tháng sử dụng hết bao nhiêu Kwh, thiết bị nào tiêu tốn nhiều điện nhất để đưa ra kế hoạch sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn. Ngoài ra, về công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng, đơn vị đã triển khai rất quyết liệt, các khách hàng có thể dùng thiết bị kết nối Internet để khai thác được thông tin mình sử dụng theo từng ngày…

Đồng thời, Công ty cũng luôn đảm bảo nguồn điện, tạo điều kiện cho các đơn vị đảm bảo triển khai hoạt động liên tục, thông suốt và khắc phục sự cố kịp thời… đã giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường thực hiện công tác thí nghiệm công nghệ đo PD online để đảm bảo chế độ vận hành của các đường dây cáp ngầm, thí nghiệm định kỳ MBA… Trong quá trình sửa chữa, bảo trì và xây dựng mới lưới điện, đơn vị áp dụng công nghệ hạn chế tối đa thời gian mất điện ảnh hưởng khách hàng.

Cùng với đó, đơn vị cũng tăng cường kiểm tra kỹ thuật lưới điện, khắc phục khiếm khuyết tồn tại đường dây trung, hạ áp, vệ sinh bảo dưỡng, kiểm tra các thiết bị điện, đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc đặc biệt lưu ý các trạm biến áp phân phối, đường dây quá tải hoặc có nguy cơ đầy tải để từ đó có giải pháp nâng công suất, hoán chuyển MBA san tải kịp thời.

Từ đầu năm 2024, Điện lực Phổ Yên thực hiện 18 phiên thi công, sửa chữa hotline và 5S lưới điện. Ngoài ra, đơn vị đẩy mạnh việc khai thác, vận hành hiệu quả Trung tâm Điều khiển xa trong việc giám sát, vận hành lưới điện, tập trung khai thác dữ liệu giám sát, đo đếm từ xa, hệ thống camera từ các trạm biến áp 110kV và các trạm phân phối 22kV để phát hiện sớm các hiện tượng bất thường;

Tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, qua đó đã phát hiện 35 vụ sự cố lưới điện, chủ yếu là các lỗi: Vi phạm an toàn hành lang lưới điện; thả diều; thiên tai...

Điện lực Phổ Yên cũng khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả bằng cách tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn đặc biệt là các khung giờ cao điểm từ 11h-16h và 20h-24h hàng ngày; trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng; tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên...

Có thể thấy rằng, bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của Điện lực Phổ Yên trong việc chống quá tải lưới điện, thì việc sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả của mỗi cá nhân và doanh nghiệp sẽ là một trong những giải pháp quan trọng giúp chống quá tải, giảm bớt “sức nóng” cho hệ thống lưới điện trong cao điểm mùa nắng nóng. Từ đó, góp phần giúp ngành Điện Thái Nguyên thực hiện tốt công tác quản lý và vận hành lưới điện an toàn, nâng cao chất lượng cung cấp điện năng phục vụ khách hàng.

Cựu Tổng giám đốc VEAM Phan Phạm Hà bị khởi tố

Cựu Tổng giám đốc VEAM Phan Phạm Hà bị khởi tố để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tin 24h ngày 12-6-2024
Phan Phạm Hà bị khởi tố

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) phát đi thông báo cho biết, đơn vị vừa bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc VEAM đối với ông Phan Phạm Hà.

Lý do vì ông Phan Phạm Hà bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ngày 10/6/2024, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) nhận được Thông báo của Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội về việc đảng viên vi phạm pháp luật liên quan đến quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 4/10/2023, một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Cơ quan công an cũng khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thanh Giang (SN 1949), cựu Tổng giám đốc VEAM; Hồ Mạnh Tuấn (SN 1963), Phó tổng giám đốc VEAM về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội xác định, trong các năm 2005 và 2011, ông Nguyễn Thanh Giang khi đó là Tổng giám đốc VEAM đã chỉ đạo ông Hồ Mạnh Tuấn, lúc đó là Trưởng phòng kỹ thuật VEAM, Chủ tịch HĐQT VEAM Korea giai đoạn 2003-2009 lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin xe ô tô SV 110 không đúng các quy định của pháp luật về việc đầu tư mua tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước.

Toàn bộ số tài sản trên sau khi được mua về không có giá trị sử dụng, gây lãng phí số tiền của Nhà nước là hơn 26 tỷ đồng.

Bị can Nguyễn Thanh Giang trước đó đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong một vụ án khác, liên quan đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất gần 9.000m2 tại đường Bình Thới, phường 14, quận 11, TP.HCM, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Do bị can Nguyễn Thanh Giang đang điều trị bệnh tiểu đường, suy thận nên Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Xuất hiện trò lừa đảo đánh cắp mã OTP bằng cuộc gọi AI

Xác thực 2 yếu tố bằng mã OTP được xem là biện pháp bảo mật an toàn. Tuy nhiên các hacker đang tìm cách vượt qua 'bức tường' này bằng cách tấn công lừa đảo.

Tin 24h ngày 12-6-2024

Xác thực 2 yếu tố (2FA) là tính năng bảo mật tiêu chuẩn trong an ninh mạng. Tính năng này yêu cầu người dùng xác minh danh tính bằng một bước xác thực thứ hai, thường là mật khẩu dùng một lần (OTP) được gửi qua tin nhắn văn bản, email hoặc ứng dụng.

Lớp bảo mật bổ sung này được tạo ra nhằm mục đích bảo vệ tài khoản của người dùng ngay cả khi mật khẩu của họ bị đánh cắp. Tuy vậy, các hacker đang tìm cách qua mặt “bức tường lửa” này bằng các biện pháp tấn công phi kỹ thuật.

Theo Kaspersky, trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 31/5/2024, đơn vị này đã ngăn chặn 653.088 lượt truy cập vào các trang web được tạo ra bởi bộ công cụ phishing (lừa đảo) nhắm vào các ngân hàng. Cũng trong khoảng thời gian đó, Kaspersky phát hiện 4.721 trang web lừa đảo do các bộ công cụ tạo ra nhằm mục đích vượt qua biện pháp xác thực 2 yếu tố.

Khi nạn nhân nhập tên đăng nhập và mật khẩu vào website giả mạo, kẻ lừa đảo sẽ tự động thu thập thông tin ngay lập tức, theo thời gian thực. Sau đó, chúng sẽ đăng nhập và kích hoạt việc gửi mã OTP đến điện thoại của nạn nhân.

Thông thường, ngay cả khi lộ mật khẩu, tài khoản của người dùng sẽ được bảo vệ bằng việc xác thực 2 yếu tố hay xác thực 2 bước. Tuy nhiên, xuất hiện chiêu trò mới khi kẻ lừa đảo sử dụng bot OTP để lừa người dùng tiết lộ mã OTP.

Những con bot OTP sẽ tự động gọi điện đến nạn nhân, mạo danh nhân viên của một tổ chức đáng tin cậy. Bot OTP sử dụng kịch bản hội thoại được lập trình sẵn để thuyết phục nạn nhân tiết lộ mã OTP. Thông qua đó, hacker có được mã OTP và sử dụng nó để truy cập trái phép vào tài khoản.

Kẻ lừa đảo ưu tiên sử dụng cuộc gọi thoại thay cho tin nhắn, vì nạn nhân có xu hướng phản hồi nhanh hơn khi áp dụng hình thức này. Để tăng hiệu quả, bot OTP sẽ mô phỏng giọng điệu và sự khẩn trương của con người trong cuộc gọi nhằm tạo cảm giác tin cậy và tăng tính thuyết phục.

Những con bot OTP được điều khiển trực tuyến hoặc thông qua nền tảng nhắn tin như Telegram. Chúng còn đi kèm với nhiều tính năng và gói đăng ký khác nhau, kẻ tấn công có thể tùy chỉnh tính năng của bot để mạo danh các tổ chức, sử dụng đa ngôn ngữ và thậm chí chọn tông giọng nam hoặc nữ.

Các tùy chọn nâng cao còn bao gồm giả mạo số điện thoại hiển thị giống như đến từ một tổ chức hợp pháp nhằm đánh lừa nạn nhân một cách tinh vi. Với sự xuất hiện của các bot OTP, người dùng đang phải đối mặt với những nguy cơ mới về bảo mật.

Để không trở thành nạn nhân, người dùng cần tránh nhấp vào các đường link đáng ngờ được gửi đến qua email, tin nhắn. Nếu lần đầu truy cập vào một website nào đó, hãy kiểm tra thông tin về đơn vị chủ quản trang web bằng công cụ Whois.

Khi gõ địa chỉ các trang mạng xã hội hay ngân hàng, người dùng cần tránh lỗi đánh máy có thể vô tình dẫn đến website giả mạo. Thay vì tìm kiếm trên Google để rồi bị dẫn dụ vào các trang web xấu, người dùng nên sử dụng dấu trang để lưu lại các website truy cập thường xuyên.

Các ngân hàng, ví điện tử uy tín không bao giờ hỏi mã OTP của người dùng. Trong mọi trường hợp, người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác, đặc biệt là qua các cuộc gọi, tin nhắn, bất kể nội dung thông tin có vẻ thuyết phục đến đâu.