Tin 24h ngày 08/9/2024
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 tại TP.Thái Nguyên
Lãnh đạo UBND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại khu vực đê Sông Cầu |
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bạn tỉnh đã có mưa lớn kéo dài khiến mực nước tại các sông dâng cao, đặc biệt là tại Sông Cầu. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại các vị trí xung yếu trên tuyến đê Sông Cầu.
Tại các vị trí kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo TP. Thái Nguyên và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, xác định các điểm xung yếu để xây dựng phương án hộ đê; huy động tối đa các nguồn lực theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý ngay khi có sự cố xảy ra. Chủ động di dời các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Đồng Chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu TP Thái Nguyên và các đơn vị huy động tối đa lực lượng ứng trực, theo dõi sát sao diễn biến của bão số 3, tập trung cao độ để có các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn.
Đồng Hỷ: Tích cực tìm kiếm nạn nhân bị nước cuốn
Ngay sau khi nhận được thông tin có nạn nhân bị mất tích do nước lũ cuốn tại xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, các đồng chí lãnh đạo huyện Đồng Hỷ cùng lãnh đạo một số phòng, ngành đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Đồng Hỷ cùng lãnh đạo một số phòng, ngành đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn. |
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (YAGI) trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có mưa vừa, mưa to và gió trên diện rộng. Nước tại các sông, suối, ngầm tràn dâng cao.
Khoảng 8h00 ngày 08/9 tại xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, bà Trần Thị S. (SN 1968) và cháu Hoàng Gia K. (SN 2019 - cùng trú xóm Khe Mong) đi ra quán mua đồ dùng. Khi nước dâng cao, lực lượng chức năng đã đặt biển cấm, không cho người và phương tiện đi qua. Khi về bà S. và cháu K. về nhà qua đoạn bờ ruộng gần nhà, hai bà cháu bị trượt chân rơi xuống suối, bà S. bám được vào bờ ruộng thoát được, cháu K. bị nước cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy.
Tại hiện trường, các đồng chí lãnh đạo huyện đã chỉ đạo huy động tổng hợp các lực lượng khẩn trương khoanh vùng, tích cực tìm kiếm nạn nhân; đồng thời đảm bảo an toàn trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Lãnh đạo huyện cũng đã trực tiếp thăm hỏi và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường bố trí lực lượng trực tại các điểm ngầm tràn, cầu tràn trên địa bàn, tuyên truyền cảnh báo cho người dân để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân.
Hoãn tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Định Hóa đạt chuẩn Nông thôn mới
Quảng trường ATK Định Hóa - nơi dự kiến diễn ra sự kiện đón Bằng công nhận huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. |
Theo kế hoạch, Định Hóa sẽ tổ chức Lễ đón Bằng công nhận huyện nông thôn mới vào 19 giờ ngày 9-9 tại Quảng trường ATK Định Hóa (tổ dân phố Phố Núi, thị trấn Chợ Chu). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, UBND huyện quyết định tạm hoãn tổ chức sự kiện quan trọng này để tập trung các nguồn lực cho công tác phòng, chống lụt bão. Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện mưa lớn, nhiều địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản tính mạng của người dân. UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tạm dừng tổ chức tất cả các sự kiện để tập trung vào công tác phòng, chống thiên tai.
Công an tỉnh Thái Nguyên ứng phó với bão số 3
Bão số 3 (Yagi) đã đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc gây thiệt hại lớn tại nhiều địa phương. Tại tỉnh Thái Nguyên, tuy không trực tiếp chịu tác động của cơn bão, song cũng đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản. Trước tình hình trên, Công an tỉnh Thái Nguyên vẫn đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để ứng phó với mưa to, lũ, ngập lụt, sạt lở, khắc phục thiệt hại do cơn bão, hoàn lưu bão gây ra.
Công an tỉnh Thái Nguyên ứng phó với bão số 3 |
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 06 giờ ngày 8/9/2024, tỉnh Thái Nguyên không có thiệt hại về người; thiệt hại về tải sản ước tính khoảng 5,5 tỷ đồng. Để làm tốt nhiệm vụ phòng ngừa, chủ động, ứng phó với bão số 3 (YAGI) và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiệt hại do cơn bão, hoàn lưu bão gây ra, lực lượng Công an tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an; Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chính quyền các địa phương về công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Lực lượng Công an đã chủ động, triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “Ba sẵn sàng, bốn tại chỗ”; tổ chức trực và ứng trực 100% quân số từ ngày 06/9/2024 để đảm bảo kịp thời ứng phó và giải quyết các tình huống do bão số 3 gây ra. Đến nay đã có trên 6.000 lượt CBCS trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bão tại hiện trường và bảo vệ trụ sở cơ quan, đơn vị.
Lực lượng Công an cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, khảo sát tại các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt như: đập tràn, mỏ khai thác khoáng sản, bãi đổ thải… và tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời.
Với mục tiêu bảo vệ tài sản, tính mạng người dân, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai lực lượng ứng trực, canh gác tại các vị trí cầu tràn, đường giao thông bị ngập sâu để tổ chức phân luồng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, hỗ trợ nhân dân, có biện pháp đảm bảo an toàn cho những hộ dân bị tốc mái, dọn dẹp cây gẫy đổ trên các tuyến đường, bảo đảm giao thông thông suốt, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan. Bố trí lực lượng tại những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông, đi lại qua khu vực khi chưa đảm bảo an toàn. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất và ngập úng đến nơi an toàn.
Trong thời gian tới, trước diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão, Công an tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nắm chắc diễn biến thời tiết, nắm hộ, nắm người, tuyên truyền, vận động Nhân dân di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn; chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Cùng với đó, đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, Trại Tạm giam, Nhà Tạm giữ, Kho vật chứng và các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Sẵn sàng tổ chức lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai; giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ đầu tại cơ sở.
Thủ tướng kêu gọi tinh thần 'tương thân, tương ái', hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương phát huy truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” hỗ trợ những nơi bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Sáng 8/9, chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số.
“Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh”, Thủ tướng chỉ đạo.
Ông đồng thời cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp tục ứng trực để kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai. Các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì công tác dự báo và truyền thông; chú ý thông tin hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai.
Các địa phương xuất cấp dự trữ để khắc phục các vấn đề cấp bách về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân và đề xuất hỗ trợ của Trung ương từ ngân sách dự phòng. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì xử lý, quyết định, việc này cần làm ngay, hoàn thành trước 18h ngày hôm nay và sau đó tiếp tục bổ sung nếu cần thiết.
“Các địa phương phải thống kê ngay, xuất cấp ngay gạo dự trữ, cần bao nhiêu xuất bấy nhiêu, quan trọng là phải thống kê chính xác, minh bạch, tránh tiêu cực xảy ra", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi hỗ trợ những nơi bị thiệt hại với tinh thần "có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của góp của, có công góp công, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều".
Với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng yêu cầu bám sát tình hình, quyết liệt, dứt khoát, có trọng tâm, trọng điểm; các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động, tích cực, sáng tạo trong phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả.
Theo thống kê sơ bộ của các cấp, ngành, bão số 3 đã làm nhiều người chết, mất tích và bị thương. Một số tàu, thuyền bị chìm tại nơi neo đậu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương. Bão số 3 cũng làm nhiều nhà cửa, công trình công cộng bị hư hỏng, tốc mái và rất nhiều cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Sân bay Nội Bài khai thác trở lại sau 14 tiếng đóng cửa do bão số 3
Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, sau 14 tiếng đóng cửa do ảnh hưởng của bão số 3, đến 23h49 phút đêm qua, sân bay Nội Bài đã khai thác trở lại.
Theo đó, để phòng chống bão số 3, các đơn vị tại Cảng HKQT Nội Bài đã chấp hành nghiêm túc theo chỉ thị của các cấp, tuân thủ chặt chẽ các phương án đã thống nhất.
Cảng và các đơn vị hoạt động tại Cảng đã ứng trực 100% quân số, đại diện lãnh đạo đi kiểm tra trước, trong và ngay sau bão để đảm bảo cơ sở hạ tầng trang thiết bị tuyệt đối an toàn, sẵn sàng khai thác.
Kết quả, sau nhiều nỗ lực phòng chống bão, đến 23h49p ngày 7/9 (giờ địa phương), Cảng HKQT Nội Bài đã tiếp thu, khai thác tàu bay trở lại. 00h05 ngày 8/9/2024 chuyến bay VJ959 chặng bay FUK-HAN đã hạ cánh an toàn tại Cảng HKQT Nội Bài sau 14 tiếng tạm ngừng khai thác do bão số 3.
Đáng nói, dù bão số 3 đổ bộ và quần thảo kéo dài ở Hà Nội nhưng không gây thiệt hại đáng kể: 1 số đoạn tường rào xung yếu bị đổ, 1 số cây cối bật gốc... Sân bay quốc tế Nội Bài đã kiểm tra và khẳng định những thiệt hại này hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động bay và các công tác tại Cảng. Cảng và các đơn vị liên quan đang khẩn trương khắc phục để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
Từ 00h đến 5h00 ngày 8/9 Cảng HKQT Nội Bài đã phục vụ 109 chuyến bay trong đó có 69 chuyến quốc tế, 40 chuyến quốc nội. Kế hoạch hôm nay sẽ phục vụ 514 lượt chuyến bay theo lịch của các hãng hàng không.
Dù vậy, đại diện Cảng HKQT Nội Bài vẫn khuyến nghị hành khách nên liên hệ với các hãng hàng không để theo dõi sát sao lịch bay.
Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) cứu hộ đưa vào bờ an toàn 17 ngư dân trong siêu bão số 3
Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) cứu hộ đưa vào bờ an toàn 17 ngư dân trong siêu bão số 3 |
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 7-9, trong khi tránh bão số 3 (Yagi) tại khu vực vụng Tùng Sâu, lực lượng của Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) đã cứu được 2 người dân làm việc tại Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long.
Đó là anh Lê Quang Hòa (sinh năm 1989), phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và anh Nguyễn Chí Thành (sinh năm 1990), phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Khoảng 6 giờ 30 phút, lực lượng của Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân) đi tìm kiếm cứu nạn theo lệnh của Sở chỉ huy đã cứu được 10 người mắc kẹt trong núi khu vực Hòn Rằm Bắc, thuộc Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận. Gồm: Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1969, Hiệp Sơn, Kinh Môn, Hải Dương), Phạm Văn Huỳnh (sinh năm 1994, Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình), Trần Xuân Bá Tùng (sinh năm 1988, Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình), Nguyễn Cảnh Thắng (sinh năm 1971, thị trấn Thanh Chương, Nghệ An), Bùi Văn Cảnh (sinh năm 1979, Nghĩa An, Ninh Giang, Hải Dương), Đào Anh Tài (sinh năm 1973, Vàng Danh, Uông Bí, Quảng Ninh), Nguyễn Khắc Trung (sinh năm 1996, Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình), Nguyễn Khắc Duy (sinh năm 2002, Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình), Trịnh Văn Cuộc (sinh năm 1973, Nghĩa An, Ninh Giang, Hải Dương), Nguyễn Hữu Nghĩa (sinh năm 1988, phường Quảng Tâm, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Cũng khoảng 6 giờ 30 phút, lực lượng của Lữ đoàn 170 đi tìm kiếm cứu nạn theo lệnh của Sở chỉ huy đã cứu được 5 người mắc kẹt trong núi khu vực gần đường vào vụng Tùng Sâu để tránh bão, thuộc Tàu HY-0496 của Hưng Yên vận tải xi măng. Gồm: Vũ Văn Hái (sinh năm 1969, huyện Ninh Giang, Hải Dương), Trần Văn Sơn (sinh năm 1982, An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), Trần Văn Của (sinh năm 1962, An Viên, Tiên Lữ, Hưng Yên), Trần Văn Hữu (sinh năm 1990, An Viên, Tiên Lữ, Hưng Yên), Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1966, Hồng Lam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
11 giờ 30 phút ngày 8-9, tất cả 17 ngư dân trên đã được Lữ đoàn 170 bàn giao địa phương và đưa về nhà an toàn.
Nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi Bắc Bộ
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo do ảnh hưởng mưa bão số 3, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực miền núi Bắc Bộ.
Nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi Bắc Bộ |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, phía Tây Bắc Bộ (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình) tính đến 13 giờ ngày 8/9 lượng mưa phổ biến ở mức 40-70mm, cục bộ có nơi trên 100mm.
Riêng Hòa Bình 100-200mm, có nơi trên 300 mm; Yên Bái, Hòa Bình 100-200mm; Sapa 237mm; Tô Múa (tỉnh Sơn La) 483.8mm; Tà Xi Láng (tỉnh Yên Bái ) 455.2mm.
Phía Đông Bắc Bộ gồm các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ lượng mưa là 30-50mm, có nơi trên 80mm. Trong đó có Hà Giang, Cao Bằng 100-150mm, có nơi trên 250mm; Yên Bái, Hòa Bình 100-200mm; Vành Danh (tỉnh Quảng Ninh) 380mm; Bản Chắt (tỉnh Lạng Sơn) 268.7mm.
Tại một số địa phương nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất, trong đó đặc biệt cần lưu ý các sông nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, lũ có thể lên mức báo động 2 đến báo động 3.
Ngoài ra, lũ trên sông trên các sông Ngòi Thia (Yên Bái), Sông Bôi (Hòa Bình), Hoàng Long (Ninh Bình) lên trên mức báo động 3; hạ lưu sông Lục Nam lên mức báo động 2.
Tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.
Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh: Lạng Sơn (11 huyện), Bắc Kạn (6 huyện), Thái Nguyên (9 huyện), Bắc Giang (8 huyện), Vĩnh Phúc (5 huyện), Hòa Bình (11 huyện), Phú Thọ (9 huyện), Tuyên Quang (6 huyện), Yên Bái (9 huyện), Sơn La (8 huyện), Lai Châu (3 huyện), Lào Cai (4 huyện).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, do ảnh hưởng mưa bão số 3, tại Yên Bái đã có mưa rất to, tổng lượng mưa đo được phổ biến từ 100-250mm, đặc biệt có nơi trên 400mm (huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn). Mực nước sông Ngòi Thia, Ngòi Hút dao động trên mức báo động 2; sông Thao tại Yên Bái mức báo động 1.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Bắc Bộ nối với hoàn lưu của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3 nên từ đêm 8/9 đến ngày 11/9, khu vực Yên Bái tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có những điểm trên 400mm.
Trên các sông ở Yên Bái xuất hiện lũ, đỉnh lũ các sông nhỏ như sông Ngòi Thia, Ngòi Hút lên mức báo động 2- báo động 3 và trên báo động 3; sông Thao tại Yên Bái lên trên mức báo động 3. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông suối, khu đô thị đặc biệt tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái.
Độ ẩm đất trên toàn bộ tỉnh đang ở mức bão hòa, lũ quét, sạt lở đất đang được cảnh báo ở mức rất cao và tiếp tục duy trì trong 24 giờ tới./.