Tiêu chuẩn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Theo đó, giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi.
Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ.
Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự thi thăng hạng phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I, từ hạng III lên hạng II, từ hạng IV lên hạng III, Thông tư quy định, giáo viên thi 4 môn:Kiến thức chung, môn thi chuyên môn, nghiệp vụ, môn thi Ngoại ngữ, Môn thi tin học. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng quyết định lựa chọn hình thức thi phù hợp.
Thông tư quy định, miễn thi ngoại ngữ đối với giáo viên dự thi thuộc một trong các trường hợp: Giáo viên tính đến ngày 31 tháng 12 của năm tổ chức thi thăng hạng, có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ.
Giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc ở các trường phổ thông dân tộc nội trú/bán trú, có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền.
Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài sử dụng một trong các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trong đào tạo; văn bằng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định hiện hành.
Có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ thuộc một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc.
Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên từ hạng IV lên hạng III;
Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 450 điểm, TOEFL CBT 133 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II;
Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương cấp B2 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu) hoặc có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế TOEFL PBT 500 điểm, TOEFL CBT 173 điểm, TOEFL iBT 61 điểm, IELTS 5,5 điểm trở lên đối với thi thăng hạng giáo viên hạng II lên hạng I.
Miễn thi tin học đối với giáo viên dự thi đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành tin học hoặc công nghệ thông tin trở lên.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03 tháng 10 năm 2017 và thay thế Thông tư số 34/2010/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về nội dung, hình thức thi nâng ngạch giáo viên trung học cao cấp.
Xem toàn bộ nội dung Thông tư TẠI ĐÂY