Tiếp tục quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng - đã psts 9.12
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Dự hội nghị tại các điểm cầu Trung ương và các điểm cầu trên toàn quốc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Trung ương và địa phương. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên. Dự hội nghị còn có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Hội nghị được kết nối tới 200 điểm cầu với trên 5.000 đại biểu trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đã được nghe đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày Báo cáo những nội dung chủ yếu về Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch số 03 của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Kết luận số 21 và Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Theo đó, Kết luận số 21 nhấn mạnh những mặt đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khóa XIII), đó là: lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng; triển khai nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; nhận thức, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên; nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kết hợp hài hoà giữa xây và chống; xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan cán bộ, đảng viên vi phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Đối với Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm, đây là văn bản quan trọng để đảng viên nhìn nhận, soi xét lại mình, tự sửa mình trong công tác, cuộc sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khóa XIII), Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Ngô Mạnh Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Sông Công cho hay: "Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, hiện nay, vấn đề tổ chức và con người luôn luôn là vấn đề quan trọng nhất, tuy nhiên khó khăn, phức tạp, theo chỉ đạo của Trung ương cũng như từ các cơ sở phải thực hiện được, bởi đây là nội dung quyết định cho mọi hoạt động khác trong thời gian tới".

Đồng chí Nguyễn Thu Huyền, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Một lần nữa, quan điểm của Đảng sẽ được lan tỏa không phải chỉ cán bộ, đảng viên mà tất cả người dân đều có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo tính nghiêm minh của Đảng".

Nội dung quan trọng nhất của hội nghị là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung nhấn mạnh và trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lần này Trung ương lại tiếp tục bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ra Nghị quyết về vấn đề này? Những tinh thần mới, nội dung mới của hội nghị lần này là gì? Các cán bộ, đảng viên phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động. Tổng Bí thư đã nêu bật 4 điểm mới của Hội nghị Trung ương 4 lần này là: sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn cả trong xây dựng hệ thống chính trị, không chỉ đối với đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn mở rộng ra cả với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng hệ thống chính trị, đạo đức lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu được xác định lần này cao hơn, sát hợp hơn với tình hình mới. Bổ sung, làm rõ đồng bộ và sắc bén hơn một số nhiệm vụ, biện pháp trong thời gian tới. Thứ 4 là bổ sung, hoàn thiện toàn diện hơn các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống lãng phí, tiêu cực. Đồng chí nhấn mạnh một trong số yêu cầu là thống nhất cao về ý chí quyết tâm, thấy đầy đủ ý chí và trách nhiệm của mình để thực hiện Kết luận và Quy định.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước (ngay sau hội nghị này, không phải chờ đợi gì cả); căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, "ngậm miệng ăn tiền" hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Đây cũng là dịp để hiểu thêm cán bộ, có cơ sở để đánh giá cán bộ, xem xét kết hợp chuẩn bị quy hoạch cán bộ cho thời gian tới".

Một lần nữa khẳng định, những nội dung trình tại hội nghị cán bộ toàn quốc hôm nay là những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, được nhân dân đặt nhiều kỳ vọng, hưởng ứng, đồng tình ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Kết luận, Quy định của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII và các Nghị quyết, Quyết định khác, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện./.