Thúc đẩy đầu tư, thương mại của Séc với Việt Nam
Ngày 23/11 Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc phối hợp với Hiệp hội các nhà quản lý Séc (CMA) tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Séc, mở ra cơ hội mới trong việc hợp tác kinh tế vì lợi ích của hai bên.
Các doanh nghiệp chăm chú lắng nghe giới thiệu chính sách hỗ trợ |
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn nhấn mạnh trong những năm gần đây kim ngạch thương mại hai chiều đều tăng trưởng khá, đạt trên 755 triệu USD năm 2015.
Riêng 6 tháng đầu năm 2016, trao đổi thương mại hai nước tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 680 triệu USD. Tuy nhiên hợp tác đầu tư song phương còn chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị truyền thống cũng như tiềm năng của hai nước.
Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến hết tháng 6/2016, Cộng hòa Séc đã có 35 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn gần 100 triệu USD. Trong khi đó, phía Việt Nam mới chỉ có 4 dự án nhỏ đầu tư sang Séc với tổng số vốn là khoảng 5 triệu USD. Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. Theo Đại sứ Trương Mạnh Sơn, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do doanh nghiệp hai nước chưa có đầy đủ thông tin cần thiết về các chính sách, môi trường đầu tư của nhau.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Hiệp Thương, Tùy viên thương mại phụ trách Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cho biết việc thiếu thông tin về môi trường kinh doanh đang là một trong những rào cản cản trở các doanh nghiệp Séc và Việt Nam tìm hiểu, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác và triển khai kế hoạch đầu tư tại thị trưởng của nhau. Theo ông, hội thảo giới thiệu các chính sách pháp luật của Việt Nam lần này sẽ giúp các doanh nghiệp Séc phần nào tháo gỡ được vướng mắc này.
Các doanh nghiệp Séc trao đổi thông tin về đầu tư giữa hai nước trong giờ nghỉ giải lao |
Lần này Đại sứ quán Việt Nam tổ chức hội thảo là để giới thiệu tới các doanh nghiêp Séc thông tin về môi trường, hợp tác thương mại và đầu tư ở Việt Nam. Thông qua đó chúng tôi muốn giới thiệu với bạn về những quy định pháp luật của Việt Nam liên quan tới ưu đãi trong hoạt động đầu tư cũng như những văn bản pháp luật mà hai chính phủ đã ký nhằm phục vụ cho việc đảm bảo an toàn đầu tư, hỗ trợ xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp được nghe giới thiệu về Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), và Luật đầu tư Việt Nam.
Các doanh nghiệp Séc hoan nghênh chính sách chào đón các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam với hệ thống luật pháp sửa đổi, nhiều chính sách ưu đãi hơn và cơ chế bảo hộ đầu tư thuận lợi hơn. Tuy nhiên một trong những vấn đề các doanh nghiệp Séc băn khoăn khi quyết định đầu tư ở Việt Nam là liệu họ có thể cạnh tranh, tồn tại và làm ăn có hiệu quả ở đây hay không.
Ông Aless Bastin, Giám đốc tiếp thị và thương mại của công ty AVANT, một công ty chuyên hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Séc muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp nên dành nhiều thời gian tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam trước khi đi đến quyết định đầu tư.
Quan trọng nhất là phải tìm hiểu về môi trường kinh doanh bởi đây là một khâu rất quan trọng trong việc lập chiến lược kinh doanh. Thủ tục hành chính của Việt Nam đã được cải thiện nhiều rồi, nhưng vẫn cần phải xem xét mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau như thế nào. Thậm chí các doanh nghiệp Séc còn phải tìm hiểu xem tại sao các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thành công ngay tại đất Séc với điều kiện kinh doanh khắc nghiệt hơn để học tập và đúc rút kinh nghiệm. "Chúng ta cần phải học hỏi thêm để đạt mục đích cuối cùng là đầu tư của chúng ta vào Việt Nam có triển vọng và an toàn hơn," ông Aless Bastin lưu ý.
Đại diện Hiệp hội các nhà quản lí Séc trình bày cơ hội đầu tư vào Việt Nam |
Trong khi đó, ông Milan Triska, giám đốc điều hành Công ty tránh nhiệm hữu hạn Công nghiệp Séc, cho rằng các doanh nghiệp Séc cần phải tìm hiểu kỹ văn hóa kinh doanh tại Việt Nam trước khi quyết định đầu tư vào đây. Theo ông, sau khi mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm 2015, công ty của ông thành công trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Séc kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nội thất tại Việt Nam cũng như các nước ASEAN.
Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh ở Việt Nam, ông Triska cho biết: "Trong thời gian vừa qua luật pháp của các bạn đối với doanh nghiệp nước ngoài đã có cải thiện rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Với doanh nghiệp Séc thì điều quan trọng là phải vượt qua sự khác biệt trong văn hóa kinh doanh của người châu Á. Kinh nghiệm của tôi cho thấy trong kinh doanh ở Việt Nam, người ta coi trọng quan hệ đối tác và các cuộc gặp mặt đối mặt giữa các đối tác chứ không đơn thuần trao đổi thiết lập quan hệ qua thư điện tử. Nếu bạn kiên trì nghiên cứu kỹ và vượt qua rào cản này thì bạn sẽ tìm thấy một phần thành công trong hoạt động ở đây".
Tại hội thảo, các doanh nghiệp của Séc đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan tới môi trường, chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế bảo toàn vốn khi có rủi ro. Hội thảo là một trong những hoạt động chính của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc nhân Năm ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế 2016./.