Thức ăn đường phố khiến nhiều người phải nhập viện
Hiện nay, thói quen của nhiều người dân thành thị là mua bán, sử dụng thức ăn đường phố, bởi sự tiện lợi, giá cả hợp lý và nhanh chóng. Tuy nhiên, hầu hết các loại thức ăn này không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các loại dịch bệnh liên quan do thực phẩm gây ra.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tại tỉnh Lâm Đồng, tình trạng ngộ độc thực phẩm từ thức ăn bày bán tại các vỉa hè, lề đường đang ở mức báo động.
3 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, với tổng số người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu lên đến gần 100 người. Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm này do sử dụng thức thức ăn được bán ở lề đường.
Một bệnh nhân ngộ độc do ăn bánh mì tại Lâm Đồng hồi tháng 6/2016 (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Trong đó, điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì được mua tại một điểm bán nằm ở dọc đường quốc lộ 20, thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, với số người bị ngộ độc gần 50 người. Điều đáng nói, điểm bán bánh mì gây ngộ độc này có giấy tờ chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan chức năng cấp hẳn hoi.
Theo bà Lê Thị Thu Vân, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, qua vụ việc cho thấy công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương đang bộc lộ nhiều hạn chế cần được rút kinh nghiệm để chấn chỉnh. Do đó, cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, tuyên truyền về thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, kiểm tra toàn bộ các điểm bán lẻ thức ăn đường phố trên địa bàn.
Ngoài những điểm bán thức ăn đường phố cố định, hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điểm bán thức ăn không cố định theo kiểu hàng rong, tập trung chủ yếu ở các khu vực đông dân cư. Trong đó, có các loại thức ăn vặt bán tại các cổng trường, thu hút đông đảo người tiêu dùng mà phần lớn là các em học sinh. Những thức ăn hàng rong này không có nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra và chứng nhận hợp vệ sinh nên nguy cơ gây ra ngộ độc là rất lớn.
Theo ông Trịnh Hoài Duy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt, nhận biết nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm từ những loại thức ăn này rất lớn nên nhà trường thường xuyên nhắc nhở và tuyên truyền cho các em học sinh hạn chế sử dụng. Tuy nhiên, để tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra, đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh phải vào cuộc quyết liệt.
Bác sĩ Nguyễn Doan, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cho biết, do hầu hết người bán thức ăn đường phố, thức ăn vặt nằm cạnh các trường học thường xuyên di chuyển địa điểm, nên việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm rất khó khăn. Vì vậy, những thức ăn này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, khả năng ngộ độc thực phẩm rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Doan nói: “Vi khuẩn từ trong thức ăn hoặc thao tác của người lây truyền cho người bệnh, từ đó mới bùng phát lên và 12 giờ sau mới xuất hiện các triệu chứng. Vì vậy, việc kiểm soát được vi khuẩn ở tại điểm chế biến thức ăn, cũng như bàn tay của người chế biến thức ăn là hết sức quan trọng”.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Doan, trước nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, giải pháp để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra đó là sử dụng đèn cực tím để chiếu và kiểm tra định kỳ.
Trước tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với các loại thức ăn đường phố, bác sĩ Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý và chấn chỉnh.
“Chúng tôi sẽ tích cực hơn nữa công tác quản lý các cơ sở thức ăn đường phố, nhất là các cơ sở bánh mì không an toàn, không thực hiện đầy đủ các tiêu chí về thức ăn đường phố. Tổ chức tập huấn, xác nhận và làm cam kết cho các điểm bán thức ăn đường phố, yêu cầu nghiêm túc thực hiện 10 tiêu chí an toàn thức ăn đường phố.
Đối với người dân, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức để lựa chọn những quán ăn, cơ sở ăn uống an toàn. Khi người dân phát hiện những cơ sở nào có dấu hiệu bán thức ăn không an toàn, thì báo cho cơ quan quản lý nhà nước” – ông Bùi Văn Độ khẳng định./.