Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạo ấn tượng tốt đẹp với Quốc hội và cử tri
Dù thời gian nhậm chức chưa lâu nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong công tác điều hành Chính phủ.
Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời rất cụ thể, đi thẳng vào vấn đề, nắm chi tiết từng con số khi trả lời các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Điều đó cho thấy ông ấy rất am hiểu và chỉ đạo rất sát.
Phóng viên VOV.VN ghi lại ý kiến của các ĐBQH về lời nói, hành động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Lời nói đi đôi với hành động
ĐBQH Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban Dân vận Trung ương nhận xét: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người rất hiền hậu, tình cảm, chân thành và ngay thẳng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức |
Tôi với Thủ tướng là hai người bạn thân, từng sống với nhau từ hồi còn làm lãnh đạo tỉnh - hai anh em cùng làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi làm Chủ tịch HĐND, từng đi cơ sở với nhau cho nên tôi rất hiểu ông ấy. Phải nói rằng, ông ấy là một con người rất tuyệt vời. Ông ấy là người nói đi đôi với làm”.
“Ông ấy là người dám hứa, dám làm. Những lời hứa đó được thể hiện bằng công việc hàng ngày và những hành động cụ thể. Đặc biệt, những hành động đó được thể hiện bằng việc ông ấy xông xáo, đi xuống rất nhiều cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như cuộc sống của người dân. Là một Thủ tướng nhưng ông ấy không nề hà gì cả. Tôi rất phục về cách làm việc của ông ấy”, ông Sùng chia sẻ.
Với tư cách là Đại biểu Quốc hội 4 kỳ và là một lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, ông Thào Xuân Sùng rất tin Thủ tướng sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình.
“Đối với người lãnh đạo, dám hứa đã là một thành công. Bởi nó xuất phát từ cái tâm, cái đức của người mà nhân dân đã bầu ra người lãnh đạo. Nếu Thủ tướng nói đi đôi với làm thì đây là một thắng lợi đầu tiên.
Người đứng đầu bao giờ cũng có quyết tâm cao, nhưng để cả hệ thống hành chính hoạt động theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng thì đòi hỏi phải làm tốt công tác xây dựng bộ máy, tổ chức cán bộ, thể chế, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để toàn bộ hệ thống phát huy được tài năng, đức độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân… Điều này không hề dễ dàng đối với một Thủ tướng mới nhậm chức. Tôi cho rằng, từ nay đến 6 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng sẽ phải giải quyết được một số lượng công việc khổng lồ mới đạt được những gì mà ông đã hứa trước cử tri cả nước”, ông Sùng phân tích.
Xả thân, lắng nghe và chỉ đạo quyết liệt
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá rất cao sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong năm 2016.
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
TS Thắng nhấn mạnh: “Phần trả lời tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của Thủ tướng rất ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào đúng câu hỏi, không vòng vo, không giải thích. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian không dài, Thủ tướng đã trả lời được tất cả các vấn đề của đại biểu Quốc hội nêu ra.
Qua đó cho thấy Thủ tướng nắm rất chắc các công việc của Chính phủ mặc dù thời gian trên cương vị Thủ tướng chưa nhiều. Thủ ttướng cũng có điểm thuận lợi là khóa 13 làm Phó Thủ thướng thường trực Chính phủ. Tuy nhiên, đó chỉ là điểm khởi đầu thuận lợi, quan trọng là nỗ lực cá nhân của Thủ tướng.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đều thấy rằng, Thủ tướng rất lăn lộn với thực tiễn, một ngày dự rất nhiều hoạt động, chỉ đạo nhiều nơi. Chính sự lăn lộn, sự xả thân cùng với sự chỉ đạo quyết liệt nên Thủ tướng đã nắm nhanh trách nhiệm thuộc thẩm quyền của mình. Vì nắm chắc nên Thủ tướng đã có những chỉ đạo sát với những điều hành của Chính phủ, được cử tri cả nước đánh giá cao”.
TS Thắng nói, trong bài phát biểu ngắn trước Quốc hội, Thủ tướng đã lấy bàn tay để ví von rất hay. Chính phủ được tập hợp từ Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cùng các thành viên khác. Tôi nghĩ, hàm ý của Thủ tướng muốn nói rằng, mỗi một cá nhân đều có tính cách riêng, phong cách làm việc riêng nhưng tất cả đều phải có trách nhiệm với công việc chung. Các thành viên Chính phủ phải đồng sức, đồng lòng với tinh thần trách nhiệm cao Chính phủ mới có thể hoàn thành được sứ mệnh mà mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân giao phó.
Cũng đồng quan điểm, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết thêm: “Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hứa trước Quốc hội là sẽ xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Và tôi thấy rằng Thủ tướng đã thực hiện đúng lời hứa ấy”. Có một câu nói mà tôi rất thích đó là: “Thủ trưởng nào thì phong trào ấy”. Cho nên, tôi nghĩ nhân dân cũng đã đánh giá rất cao những hành động của Thủ tướng nói riêng và Chính phủ nói chung.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Về phần mình, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Tôi rất kính trọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bởi ông ấy có quyết tâm rất lớn để xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo, trong đó có việc ra Chỉ thị chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ công chức, viên chức. Ông ấy cũng là người rất lăn lộn với công việc, với thực tế; nói và làm đi đôi với nhau.
Ông ấy đi xuống từng doanh nghiệp, đến với người dân, tìm hiểu từng vấn đề một rất cụ thể. Ông ấy rất trân trọng và lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Khi một chính phủ đã có triết lý hành động và Thủ tướng theo đuổi triết lý ấy thì hiệu quả điều hành sẽ nâng cao và sẽ dành được sự ủng hộ cao nhất của Quốc hội”.
Ông nói thêm: “Mới nhậm chức, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt ngay. Chính vì thế, bây giờ chúng ta đã có khối tài sản khổng lồ, đó chính là nhiều thể chế đã được hoàn thiện. Chính phủ đã giải quyết tất cả các vấn đề để người dân bớt bức xúc, chính quyền đỡ lúng túng”./.