Thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng sai quy định trong năm 2018
Nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi triệt để trong năm 2018 (ảnh minh hoạ) |
Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo về kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017 của Chính phủ.
Chính phủ cũng khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; tăng cường kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và giám sát của người dân, cộng đồng dân cư đối với hoạt động đầu tư công.
Một mục tiêu khá quyết liệt khác được nêu rõ trong báo cáo là việc cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.
Đồng thời, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ; hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, cả nước phấn đấu thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch, quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%; giảm tổn thất điện cả năm xuống còn 7,2%.
Trước đó, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp được nhận định là “chưa đầy đủ, kịp thời; việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất các cấp ở nhiều địa phương còn chậm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế; giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo”...
Cụ thể, theo báo cáo tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2017, qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành trong cả nước đã phát hiện và xử lý vi phạm về đất đai 17.586 ha đất; thu hồi trên 175 tỷ đồng; xử lý hành chính 238 tập thể, 944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 49 đối tượng.
Trong việc sử dụng nguồn nhân lực, Chính phủ khẳng định tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa quản lý; tinh giản biên chế hành chính. Dừng việc giao bổ sung biên chế, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ…
Đây được coi là lĩnh vực còn nhiều dư địa để tiến hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bởi kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2017 phát hiện thừa biên chế 57.175 người trong khu vực nhà nước.
Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính về công tác quản lý ngân sách nhà nước cũng phát hiện một số địa phương giao biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo vượt định mức (An Giang vượt 99 người; Lâm Đồng vượt 63 người).
Một số địa phương có tình trạng quản lý, sử dụng sai nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương (như Tuyên Quang 22,5 tỷ đồng; Lâm Đồng 293,8 tỷ đồng…); chi ngân sách tạm ứng, ứng trước ngoài dự toán chậm thu hồi; nợ xây dựng cơ bản, sử dụng vốn đầu tư ở nhiều bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện tình trạng chi ngân sách sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị.