Thông qua đề án thành lập thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa)
Sáng 19/4, phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp với việc xem xét, quyết định việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Theo tờ trình của Chính phủ sẽ thành lập 4 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ và Quảng Vinh. Đồng thời thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Sầm Sơn sẽ được nâng cấp từ thị xã lên thành phố. |
Sau khi thành lập, thành phố Sầm Sơn có 44,94 km2 diện tích tự nhiên, 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 8 phường (Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh) và 3 xã (Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại).
Như vậy sau khi thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã nhưng có chuyển 1 thị xã thành 1 thành phố và chuyển 4 xã thành 4 phường.
Báo cáo thẩm tra đề án, ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, việc thành lập các phường và thành phố Sầm Sơn là nhu cầu khách quan, phù hợp với các quy hoạch chung, tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Sầm Sơn tạo động lực to lớn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực Bắc Trung bộ.
Về thực trạng phát triển, Sầm Sơn cơ bản đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của phường thuộc thị xã và thành phố thuộc tỉnh. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật rất kỹ lưỡng. Bà Phó Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề án lập 4 phường và nâng thị xã Sầm Sơn lên thành phố Sầm Sơn.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quan tâm đến chuyển nghề cho ngư dân và đồng bào ven biển. Môi trường sinh thái ở thành phố biển cũng rất cần quan tâm. “Thị xã còn đang luộm thuộm tí không sao nhưng thành phố phải theo tiêu chuẩn của thành phố”, Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý.
Ngoài ra, vấn đề môi trường văn hóa cũng cần phải xem xét để đến Sầm Sơn không còn cảm giác “chặt chém”. “Vừa rồi vấn đề này được rút kinh nghiệm và có tiến bộ, nhưng thời gian tới đây thì văn hóa ăn, ở, giao tiếp cần phải tăng cường hơn nữa”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu. Ngoài ra, bà Tòng Thị Phóng cũng đề nghị trong đề án cần nói rõ hơn về vấn đề an ninh quốc phòng, an ninh trật tự.
Ý kiến của đại biểu cũng cho rằng, khi lên thành phố thì Sầm Sơn cần nâng cao chất lượng quản lý, văn hóa thị dân.
Theo báo cáo thẩm tra và tờ trình của Chính phủ, việc nâng cấp Sầm Sơn lên thành phố sẽ không phát sinh thêm cán bộ.
Kết luận phiên họp về đề án, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, qua tờ trình, báo cáo thẩm tra cũng như ý kiến của các đại biểu tại phiên họp đều tán thành việc lập 4 phường và nâng cấp Sầm Sơn lên thành phố. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề án. Việc thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn phù hợp với nhu cầu khách quan, quy hoạch chung cũng như nhu cầu phát triển vùng Bắc Trung bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền Thanh Hóa căn cứ vào quy định pháp luật để triển khai sau khi lấy biểu quyết thông qua.
Tại phiên họp 100% đại biểu có mặt thống nhất thông qua đề án thành lập thành phố và 4 phường thuộc Sầm Sơn./.