Thiên thạch từng khiến Trái Đất nóng bằng một nửa Mặt Trời
Khu vực hồ Mistastin, Canada do thiên thạch đâm xuống. Ảnh: Weird News Files. |
Thiên thạch đâm xuống 36 triệu năm trước từng nung nóng đất đá xung quanh đến 2.370 độ C, mức nhiệt cao nhất ghi nhận trong lịch sử và bằng một nửa nhiệt độ trên Mặt Trời, theo Smithsonian.
Vụ va chạm để lại vùng lõm lớn mà ngày nay trở thành hồ Mistastin, thuộc bang Newfoundland và Labrador, Canada.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đo nhiệt độ vụ va chạm gây ra nhờ một mảnh zircon nằm ở khu vực ven hồ.
Mảnh đá này do Michael Zanetti, nhà khoa học tại Đại học Western tìm thấy vào năm 2011. Khi quan sát dưới kính hiển vi, ông phát hiện một khoáng chất tổng hợp từ zirconium, silicon và oxy.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy, mảnh đá được bao phủ bởi hợp chất cubic zirconia. Hợp chất này chỉ hình thành khi nung nóng zircon tới ít nhất 2.370 độ C.
Đây là lần đầu tiên zirconia được dùng để tính nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất hàng triệu năm trước, Nicholas Timms, giảng viên tại Đại học Curtin, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết. "Chưa ai từng nghĩ sẽ sử dụng zirconia để đo nhiệt độ các vụ va chạm thiên thạch", ông nói.
Trước đây, các nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn khi đo sức nóng mà thiên thạch cổ đại tạo ra vì khoáng vật thường bốc hơi khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao và hầu như không để lại manh mối gì. Do đó, phát hiện của nhóm nghiên cứu là một bước đột phá lớn.
Sự hình thành cubic zirconia cho thấy, không chỉ những vụ va chạm lớn mà cả những vụ va chạm tầm trung cũng có thể tạo ra mức nhiệt cực cao trên Trái Đất.
Những vụ va chạm tầm trung như thiên thạch đâm xuống hồ Mistastin khá phổ biến khoảng 3,8 tỷ năm trước. Có thể chính những vụ va chạm này đã để lại nước trên bề mặt Trái Đất. Do đó, phát hiện mới có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những điều kiện trên Trái Đất thời sơ khai, trước khi sự sống xuất hiện.
Thu Thảo