Thi THPT quốc gia: Học sinh Hà Nội “thở phào” sau bài thi thử Ngữ văn
Đề kiểm tra khảo sát lớp 12 của Sở GD-ĐT Hà Nội có cấu trúc giống với đề thi THPT quốc gia. Đề thi gồm 2 phần đọc hiểu và làm văn. Lần khảo sát này được coi như "tập dượt" để học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Nhận xét về đề thi thử lần này, Minh Ánh (trường THPT Phan Đình Phùng) cho biết đề thi không khó, mang tính đại trà, phù hợp để xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nữ sinh cũng không khỏi băn khoăn: "Em được biết năm nay đề thi sẽ có cả phần kiến thức lớp 10 và lớp 11 nên em khá lo lắng. Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, chúng em sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019, em hy vọng đề thi thật sẽ gần nhất với đề thi minh họa và các đề thi thử. Lần kiểm tra này cũng là cơ hội để học sinh tự kiểm tra lại kiến thức và có lộ trình ôn thi giai đoạn nước rút phù hợp hơn".
Đề thi thử môn Ngữ văn của Hà Nội không làm khó học sinh. |
Phạm Thành Bảo (THPT Hồng Hà) cũng cho rằng đề thi thử khá dễ, học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được: "Ở phần làm văn, đề thi cung cấp sẵn đoạn thơ, nên học sinh không cần nhớ chính xác vẫn có thể dựa vào đó phân tích được. Em cũng đã làm nhiều đề thi minh họa và đề thi chính thức các năm trước, thì thấy đề thi thử lần này dễ hơn nhiều".
Dù đề thi thử không khó, tuy nhiên Bảo cho rằng không nên chủ quan. Nam sinh chia sẻ, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, ngoài việc học trên lớp, học thêm, em còn tích cực luyện theo đề thi thử của các địa phương khác và đề thi những năm trước.
Một số thí sinh cũng lo lắng rằng đề thi dễ có thể nâng phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia năm nay lên cao hơn những năm trước. Nếu vậy mức điểm trúng tuyển vào các trường cũng sẽ cao lên.
Nhận xét về đề khảo sát của Hà Nội, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho hay: "Đề thi đã đáp ứng đúng mẫu đề tham khảo của Bộ GD-ĐT cho kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng mức độ còn hơi thấp với việc tập dượt cho kỳ thi này, khi các ngữ liệu đã ngoại diện hết, học sinh không phải đọc hiểu nhiều".
Nhận xét cụ thể
Về câu hỏi đọc hiểu:
Ngữ liệu đọc hiểu là một trích đoạn trong nhật ký Đặng Thùy Trâm – Ngữ liệu có giá trị biểu cảm, đưa đến cho học sinh những xúc cảm về một thời quá khứ chiến tranh đã khá xa với các em. Tuy nhiên đoạn trích là một lời tự sự, giãi bày bộc bạch, tựa như một bức tranh tất cả đều ngoại hiện, cho nên không có nhiều vấn đề cho đọc hiểu.
Chính sự ngoại hiện tất cả các tầng ý nghĩa của ngữ liệu đã khiến cho các câu hỏi đọc hiểu dù có ý thức phân loại thành các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao nhưng tất cả đều ở mức độ thấp, chưa hoàn toàn tương xứng với sự tập dượt cho kì thi THPT quốc gia.
Ví dụ, câu 2 thuộc mức độ thông hiểu, nhưng với khả năng của học trò thì chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết, khi đề bài hỏi: “Trong đoạn trích, nỗi nhớ thương của người viết hướng đến ai: Tình cảm đó cho thấy tác giả bài viết hướng đến ai?”
Ngoài ra, có thể thấy nội dung câu hỏi 1 và câu hỏi 3 là trùng lặp, dù được hỏi ở những mức độ khác nhau.
Với yêu cầu vận dụng cao, nhưng câu hỏi 4 chưa đạt tới mức độ đó, bởi yêu cầu khá mơ hồ, chung chung: “Suy nghĩ của anh chị về dòng tâm sự của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm…”
Câu nghị luận xã hội đảm bảo đúng yêu cầu về dung lượng đoạn văn; tuy nhiên phần giới hạn vấn đề cần có định hướng cụ thể hơn.
Yêu cầu trong câu lệnh “suy nghĩ của bản thân về thế hệ thanh niên trong những năm tháng “bom rơi đạn nổ” rất có thể sẽ khiến học sinh biến đoạn văn thành một bài văn thu nhỏ khi bàn luận về cả một thế hệ người Việt Nam trong chiến tranh với rất nhiều bình diện nội dung có thể triển khai: hoàn cảnh chiến tranh/cách sống và chiến đấu/nguyên nhân/vai trò/bài học…
Vì thế, cần xác định cụ thể yêu cầu nghị luận phù hợp với đoạn văn, ví dụ “Từ nội dung được gợi ra từ phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về vai trò (hoặc nguyên nhân cách sống) của thế hệ thanh niên trong những năm tháng “bom rơi đạn nổ”.
Với phần Nghị luận văn học, yêu cầu nghị luận đã bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ cho kì thi THPT quốc gia 2019, cụ thể là yêu cầu phân tích 2 khổ thơ trong hai đoạn khác nhau của bài Sóng để làm sáng tỏ một nhận định trong đề
Tuy nhiên, cách diễn đạt câu lệnh của đề còn bị rối và nặng nề khi đề cập đến “ý kiến nhận xét” trong câu đầu, lại yêu cầu “làm sáng tỏ nhận định trong câu sau”. Nên chăng diễn đạt lại câu lệnh cho sáng rõ, ví dụ: “Ạnh chị hãy phân tích hai khổ thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh để làm sáng tỏ nhận xét: “Đó là những vần thơ thể hiện một tình yêu vừa rộng mở, lớn lao lại vừa thân thương, gần gũi”./.