Thi lớp 10 ở Hà Nội: Đề thi môn thứ 4 chỉ tương đương kiểm tra 45 phút
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2019, học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ phải làm 4 bài thi độc lập, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ tư - môn thi này do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT Hà Nội) công bố vào cuối tháng 3/2019.
Ngay sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra phương án này, nhiều ý kiến phụ huynh, học sinh đã tỏ ra lo ngại về việc tăng môn thi sẽ tạo thêm áp lực. Phóng viên VOV.VN đã có trao đổi với ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) về vấn đề này.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội). |
PV: Thưa ông, vì sao Hà Nội lại chốt phương án thi vào lớp 10 bằng 4 môn thay vì phương án thi 2 môn Văn, Toán và bài thi tổ hợp như dự kiến trước đó?
Ông Phạm Quốc Toản: Từ năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT Hà Nội đã trình và được UBND Thành phố chấp thuận phương thức tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2019-2020 là thi tuyển.
Sở GD-ĐT đã đưa một số phương án tổ chức thi tuyển, một trong các phương án đó có bài thi tổ hợp các môn.
Sau khi dự kiến các phương án thi tuyển sinh, chúng tôi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các thầy cô giáo, các em học sinh, cha mẹ học sinh, các phương tiện truyền thông và nhân dân Thủ đô. Tiếp thu các ý kiến đó, Sở GD-ĐT đã trình UBND Thành phố phê duyệt phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020 theo phương thức “Thi tuyển” 4 bài thi độc lập; Sở GD-ĐT tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập.
Đối với các trường công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập, chúng tôi vẫn cho phép các trường có thể được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS như năm học 2018-2019.
PV: Hiện nay nhiều phụ huynh, học sinh đang lo lắng về việc thi vào lớp 10 với 4 môn sẽ gia tăng áp lực cho học sinh, đặc biệt môn thứ 4 đến tháng 3 mới công bố, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Phạm Quốc Toản: Chương trình giáo dục THCS hiện nay đòi hỏi học sinh phải học đủ các môn học Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, GDCD, Ngoại ngữ và một số môn khác như Công nghệ, Giáo dục thể chất (Thể dục), Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học.
Học sinh phải dự thi 4 môn thi trong số 14 môn học; như vậy học sinh không phải thi quá nhiều môn, không quá tải.
Phương án tuyển sinh này sẽ tác động tích cực để học sinh học tất cả các môn, đặc biệt năng lực Ngoại ngữ của học sinh phổ thông Hà Nội được nâng cao, đáp ứng đề án nâng cao năng lực Ngoại ngữ ở trường phổ thông của Bộ GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế.
Để giảm áp lực ôn thi cho các em học sinh, đối với môn Ngoại ngữ và môn thứ Tư, chúng tôi đã quy định rất rõ những yêu cầu về kiến thức kỹ năng, về hình thức đề thi và thời gian tổ chức thi:
Về hình thức thi: Hai môn Ngữ văn và Toán giữ nguyên hình thức thi như những năm trước; với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật (thí sinh được phép đăng ký thi thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng Ngoại ngữ đang học tại trường THCS), thi theo hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận; với bài thi của môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Về yêu cầu kiến thức, kỹ năng, các câu hỏi trong nội dung đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ tư thuộc chương trình THCS, chủ yếu là ở lớp 9, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn do Bộ GD-ĐT quy định. Đây là những yêu cầu chỉ tương đương như bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp của các em học sinh, đó là những nội dung học sinh được kiểm tra diễn ra hàng ngày, rất quen thuộc, không hề dàn trải, không áp lực.
Về thời gian tổ chức thi, chúng tôi dự kiến tổ chức thi sớm, ngay từ khoảng ngày 2/6 để giúp cho các em học sinh sử dụng được ngay những kiến thức, kỹ năng vừa học; tránh để lâu lại quên kiến thức, kỹ năng; tránh phải ôn tập lại.
PV: Khi phương thức thi thay đổi, việc dạy và học tại các trường sẽ phải thay đổi như thế nào, khi nào Sở sẽ công bố chi tiết kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Toản: Quyết định vừa rồi không có gì ảnh hưởng đến kế hoạch dạy và học của các trường và của học sinh bởi vì đề thi bám theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD-ĐT; kế hoạch dạy và học cũng phải tuân thủ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD-ĐT; chuẩn kiến thức, kỹ năng này đã ban hành từ năm 2008, chưa có gì thay đổi trong năm học 2019-2020. Học sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản trên lớp là có thể làm bài tốt.
Những năm học trước, Sở GD-ĐT công bố kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 vào khoảng tháng 3, tháng 4 (trước kỳ thi khoảng 3 tháng). Năm nay, ngay sau khi được Thành phố chấp thuận phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đã dự thảo và trình UBND Thành phố kế hoạch chi tiết về công tác tuyển sinh, trong đó nêu rõ phương thức, quy định bài thi, hình thức thi, thời gian làm bài, dự kiến thời gian thi và tuyển sinh, nguyên tắc tuyển sinh, tổ chức thi,... Khi UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch thì Sở GD-ĐT sẽ công bố.
PV: Xin cảm ơn ông!/.