Thể chế kinh tế thị trường cần đồng bộ và hiện đại
Những hạn chế của thể chế kinh tế đang là rào cản cho tăng trưởng và phát triển, đòi hỏi có sự đổi mới mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức cho đến quá trình thực thi.
Không đánh đồng kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước
Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định, nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường (KTTT); có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực phát triển.
Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm hoặc không thể làm được. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những điểm mấu chốt nhất hiện nay là cần xác định rõ về vai trò chủ đạo của KTNN. Đến nay đã không còn khái niệm chủ đạo là tuyệt đối, mà chỉ là chủ đạo trong một số lĩnh vực quan trọng, như năng lượng, tài nguyên, dầu khí, điện lực… để giữ ổn định chung của xã hội, đặc biệt là không đánh đồng giữa KTNN là chủ đạo với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ đạo. Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm hoặc không thể làm được.
Trong điều kiện hiện nay, cần đảm bảo hiệu quả của khối DNNN, đồng thời rút bớt ra khỏi những lĩnh vực mà tư nhân đang làm, nhanh chóng cổ phần hóa để giảm đến mức thấp nhất các DNNN để tăng cơ hội, không gian cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có điều kiện phát triển.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích, cái khó hiện nay là vấn đề xử lý nợ của khối DNNN. Nếu không xử lý tốt, không nâng cao hiệu quả của DNNN, tiếp tục làm ăn thua lỗ, gây đẩy trần nợ công thì sẽ có nguy cơ vỡ nợ, bất ổn về tài chính.
“Cơ chế về quản lý DNNN thế nào cũng chưa thật rõ, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vai trò của Đảng trong DNNN, cơ chế thị trường trong DNNN là những vấn đề cần có lời giải thật rõ ràng”, ông Nguyễn Minh Phong kiến nghị.
Nhà nước kiến tạo để doanh nghiệp phát triển
Tạo cơ chế để đẩy mạnh KTTN phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng, chi phí thấp... cũng là giải pháp quan trọng hiện nay. GS Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cho rằng, cần thực hiện đúng phương châm mà Chính phủ đã định ra, đó là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhưng đó mới chỉ là một bước để tháo gỡ, cái chính là kinh tế thị trường đòi hỏi cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
“Để làm được, đòi hỏi sự thống nhất từ trên xuống dưới, nỗ lực của các cấp ủy đảng, tổ chức bộ máy quản lý và cả người dân, chứ không chỉ dừng ở các Nghị quyết của Đảng”, GS Nguyễn Quang Thái nêu ý kiến.
Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội nêu thực tế, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, nhưng lại tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp GDP ổn định. Hiện có khoảng 200.000 hộ kinh doanh cá thể chưa có sự hỗ trợ rõ ràng từ các chính sách của Nhà nước.
Do đó, cần nhanh chóng tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể tiếp cận các nguồn lực. Nhà nước cũng nên tập trung nguồn lực để khắc phục những “khuyết tật” của thị trường, đảm bảo công bằng, an sinh xã hội; trật tự, an toàn trong môi trường kinh doanh; bảo vệ môi trường; cải cách giáo dục, y tế… Đồng thời, có chính sách phân bổ nguồn lực phù hợp, về cơ bản là để cho thị trường phân bổ nguồn lực, Nhà nước chỉ hỗ trợ đảm bảo sự phân bổ của thị trường hợp lý.
Xây dựng khung pháp lý đồng bộ, hiệu quả
“Một điểm nhấn quan trọng trong hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là tạo dựng được hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả để các chủ thể trong nền kinh tế có cơ hội được tiếp cận, được phát triển bình đẳng”, PGS Nguyễn Thị Như Hà, Giảng viên cao cấp của Viện Kinh tế Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Đức, Hà Nội kiến nghị, cần nghiên cứu đổi mới cách xây dựng pháp luật, không để lợi ích nhóm có điều kiện tồn tại, nâng cao trách nhiệm giải trình của bộ máy Nhà nước. Sự tham gia của người dân cần được thể hiện rõ hơn từ quá trình soạn luật cho đến thi hành luật, giám sát và thụ hưởng kết quả của môi trường luật lệ đó. Đối với khu vực DNNN, có cơ chế quản lý tốt để tránh tình trạng xin - cho, kiểm soát độc quyền.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách cũng cần hướng tới thực hiện đồng bộ các giải pháp để vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường. Theo đó, phát triển các loại thị trường, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại; cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt và phù hợp quy luật cung-cầu…
Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương, vấn đề tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN sẽ được đưa ra phân tích, bàn thảo. Người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng, Hội nghị Trung ương 5 sẽ đưa ra được những quyết định quan trọng để khắc phục hạn chế của thể chế KTTT định hướng XHCN nước ta hiện nay, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới./.