Thanh toán điện tử còn ì ạch: Vì người dân còn sợ không an toàn?
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2018 đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% và 169,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC cũng đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.
Tính đến cuối quý 1/2019, cả nước có 18.668 máy ATM, 261.705 máy POS được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học… Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ NH tiếp tục tăng trong quý đầu năm, đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền 171.000 tỉ đồng. Các NH thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ NH để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ, đồng thời nâng cao tính an toàn thanh toán thẻ.
Sở dĩ chất lượng cung ứng dịch vụ thanh toán được cải thiện là do nhiều đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, giải pháp mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán như: áp dụng xác thực sinh trắc học, QR code, số hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, sử dụng điện thoại thông minh làm thiết bị chấp nhận thanh toán… Những công nghệ, giải pháp mới này đã nâng cao độ an toàn, bảo mật giao dịch và đem lại sự tiện lợi, giảm chi phí, được người tiêu dùng và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ đón nhận tích cực.
Việc thay đổi thói quen của người sử dụng, để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt là một thách thức rất lớn đối với các ngân hàng. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thanh toán điện tử, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam NAPAS lại quan ngại, thay đổi thói quen của người sử dụng, để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt là một thách thức rất lớn đối với các ngân hàng. Bởi việc phát triển các dịch vụ về ngân hàng, tài chính và thanh toán trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, chưa chú trọng phát triển về các vùng sâu, vùng xa và các vùng nông thôn.
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thanh toán điện tử tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng cho hay, hiện nay, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính ở Việt Nam so với mặt bằng chung của các quốc gia có cùng trình độ phát triển trong khu vực còn thấp; Khả năng tiếp cận dịch vụ của các DNNVV so với các doanh nghiệp lớn hạn chế hơn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người trưởng thành thực hiện thanh toán điện tử thấp hơn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam là 23%, Trung Quốc chiếm 67,9%, Thái lan là 79,8%...
Theo bà Hiền, một trong những nguyên nhân khiến việc thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra “ì ạch” là do người dân vẫn có thói quen tiêu dùng tiền mặt, chưa quen với sử dụng công nghệ thanh toán mới, sợ thanh toán điện tử không an toàn, không kiểm soát được phí phát sinh thẻ tín dụng khi để nợ quá hạn...
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng tài chính thiếu tính kết nối liên thông; Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều lỗ hổng; mạng lưới và kênh phân phối dịch vụ của các tổ chức tín dụng còn mỏng và phân tán; Năng lực cung ứng dịch vụ và các định chế tài chính trong nước chưa được phát huy đầy đủ. Hơn nữa, người bán sản phẩm, dịch vụ hay các cửa hàng nhỏ cũng không có thói quen thanh toán điện tử… đây là những tác nhân dẫn đến tình trạng dùng tiền mặt phổ biến tại Việt Nam.
Vậy giải pháp nào đạt được mục đích thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam? Bà Nguyễn Thị Hiền hiến kế, trước hết phải tận dụng các công nghệ tài chính tiền tệ nhằm đa dạng hóa các kênh cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, chú trọng mở rộng các kênh phù hợp có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đến người dân khó tiếp cận.
Giải pháp thứ 2, cần có chính sách đặc biệt ưu đãi như mở tài khoản ngân hàng không thu phí hoặc yêu cầu không trình số dư cho người khó tiếp cận dịch vụ tài chính.
“Nhà nước và khu vực tư nhân cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán hiệu quả bao gồm hệ thống thanh toán bán lẻ và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông dễ tiếp cận” bà Hiền cho hay.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, bối cảnh 4.0 này cũng đòi hỏi các tổ chức ngân hàng - tài chính phải mạnh dạn đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ 4.0, giải pháp mới, mô hình sáng tạo nhằm ngăn ngừa rủi ro an ninh mạng, bảo vệ bí mật khách hàng; Đặc biệt, đẩy mạnh khai thác, phân tích dữ liệu thông minh để thấu hiểu khách hàng, qua đó cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Để khắc phục các trở ngại đang hiện hữu, việc đa dạng hóa tổ chức và kênh cung ứng dịch vụ tài chính là một giải pháp hiệu quả. Với cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet và mobile tăng trưởng rất nhanh, đây sẽ là cơ hội cho các tổ chức tín dụng Việt Nam phát triển các dịch vụ ngân hàng số/thanh toán số, mở rộng cánh cửa cho nhiều tầng lớp dân cư Việt Nam tiếp cận dịch vụ tài chính thuận tiện, an toàn, với chi phí hợp lý./.