Thái Nguyên cơ hội và thách thức với ngành chè từ EVFTA
Các doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh chè Thái Nguyên nhanh chóng nắm bắt được cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại |
Hợp tác xã Chè Tân Hương, thành phố Thái Nguyên - đơn vị sản xuất chè đầu tiên trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận chè đạt chuẩn UTZ Certified (tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu của Tổ chức Solidaridad - Hà Lan). Để đạt được tiêu chuẩn này, tất cả các khâu sản xuất của hợp tác xã đều phải đảm bảo theo dây chuyền khép kín. Vì vậy, các sản phẩm của hợp tác xã khi sản xuất ra và cung cấp đến người tiêu dùng đều đảm bảo an toàn và đạt chất lượng cao nhất. Hợp tác xã cũng đã nâng cấp nhà xưởng, mua sắm các máy móc thiết bị để chế biến chè bằng công nghệ hiện đại kết hợp với phương pháp truyền thống của các nghệ nhân làng nghề chè có hơn 50 năm kinh nghiệm. Đến nay, 100% thành viên hợp tác xã đều sử dụng các loại máy chế biến chè bằng tôn inox.
Để bảo quản tốt các sản phẩm sau chế biến, hợp tác xã trang bị các loại máy chuyên dụng như: Máy sấy ủ hương chè, máy hút chân không, máy đóng gói băng chuyền tiên tiến. Chính vì vậy, sản lượng chè của Hợp tác xã tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngày một tăng, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.
Những sản phẩm chè Thái Nguyên xuất khẩu được trồng và sản xuất chè theo quy trìnhkhépkín |
Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Hương thành phố Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi có những sản phẩm xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Anh. Chúng tôi sản xuất theo quy trình khép kín, quản lý hộ nông dân theo quy trình khép kín và có người giám sát, theo dõi nghiêm ngặt”.
Còn tại hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, xã Phú Lương, để chuẩn bị cho việc xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang châu Âu, toàn bộ 40ha chè của hợp tác xã đều phải được trồng tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học. Cùng với đó thì toàn bộ kỹ thuật đều được các kỹ sư từ trường Đại học Nông Lâm hướng dẫn.
Trước đó, năm 2019, sản phẩm trà túi lọc, chè móc câu ướp hương sen của hợp tác xã đã được tiêu thụ ở châu Âu như Ba Lan, Pháp với sản lượng trên nửa tấn, giá bán dao động từ 6 - 7 triệu đồng/kg. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm chè của các thành viên hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc nâng lên đáng kể, lợi nhuận bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, huyện Phú Lương khẳng định: “Cuối năm 2019 chúng tôi có ký hợp đồng với một đơn vị của Ba Lan. Nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được áp dụng chúng tôi được miễn thuế. Nghĩa là thuế xuất bằng 0. Và lợi ích của việc này khiến giá cả sản phẩm của chúng tôi cạnh tranh hơn rất nhiều so với những sản phẩm trước đây”.
Sản phẩm chè phải đảm bảo về tiêu chí truy xuất nguồn gốc, chất lượng và nhiều tiêu chí khắt khe khác của riêng thị trường Châu Âu |
Mặc dù có cơ hội lớn nhưng các doanh nghiệp chè trong tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Được biết, để xuất khẩu được sang châu Âu, sản phẩm chè ngoài đảm bảo về tiêu chí truy xuất nguồn gốc, chất lượng thì còn phải đảm bảo được các tiêu chí khắt khe khác như: An toàn thực phẩm, môi trường, an sinh xã hội, đặc biệt là tiêu chí về lao động.
Bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Hương cho biết thêm: “Thứ nhất là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đưa mẫu đi phân tích thì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các hóa chất trong phân bón là bằng 0. Thứ hai đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Khó khăn là chưa tuyển được lao động trẻ, có khả năng ngoại ngữ tốt để làm việc trong dây chuyền, thúc đẩy xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên thì có nhận định chung về bức tranh xuất khẩu chè ở Thái Nguyên: “Xuất khẩu chè của các hợp tác xã ở Thái Nguyên nói chung là còn nhỏ, lẻ. Do vậy, sản phẩm của mình chưa đáp ứng được một số yêu cầu xuất khẩu sang EU. Sản phẩm vẫn phải thông qua các doanh nghiệp trung gian có đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy tờ thủ tục để xuất khẩu trực tiếp. Đó là những vấn đề mình chưa làm được”.
Rõ ràng, Thái Nguyên có tiềm năng rất lớn về sản phẩm chè, nhưng giá trị xuất khẩu của chè Thái Nguyên lại rất thấp và gần như chưa được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường “khó tính”.
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh Thái Nguyên lý giải về thực trạng nghịch lý này: “Tuy rằng chè Thái Nguyên có diện tích lớn, nhưng phần lớn tập trung ở nông hộ, rất manh mún. Các doanh nghiệp thì hầu như rất ít đơn vị còn vùng nguyên liệu. Vì vậy, họ phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu ở các nông hộ cho nên khó có thể chủ động đảm bảo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy trình mà bạn hàng yêu cầu”.
Với Hiệp định EVFTA, nhiều người đánh giá đây là cơ hội tuyệt vời cho ngành Chè nói chung và sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng khi thuế nhập khẩu chè vào các nước EU về 0% (trước đó khoảng 20%). Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức. Vì vậy, các doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực hơn nữa, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung lớn, ổn định, dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị trường; đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm góp phần đưa chè Thái Nguyên tiếp cận gần hơn nữa với những thị trường “ khó tính” trên thế giới./.