Ngành chăn nuôi Thái Nguyên chủ động thích ứng với Hiệp định EVFTA
Hợp tác xã Xanh đang áp dụng chăn nuôi lợn theo phương pháp sinh học nhằm tạo ra những sản phẩm thịt lợn hữu cơ |
Để có thể cạnh tranh với sản phẩm thịt lợn đông lạnh nhập khẩu có giá thành thấp hơn, thời gian qua, Hợp tác xã Xanh, tại tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, TP Sông Công áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap và phương pháp sinh học nhằm tạo ra những sản phẩm thịt lợn hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hợp tác xã đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: đầu tư cải tạo chuồng trại, hệ thống dàn phun sương sát khuẩn; thực hiện nghiêm ngặt việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiêm vắc xin phòng dịch và đảm bảo vệ sinh chuồng trại.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc Hợp tác xã Xanh chia sẻ: “HTX mong muốn khi xuất khẩu thì hàng hóa phải chuẩn hơn, quy mô hơn. Tuy nhiên khó khăn của HTX hiện nay là còn non trẻ, mới thành lập, chưa có quy mô rộng nên việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.”
Các hộ chăn nuôi gà đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với gà nhập khẩu |
Không chỉ riêng các hộ chăn nuôi lợn, các hộ chăn nuôi gia cầm cũng đang chủ động vượt qua thách thức trong giai đoạn bắt đầu triển khai Hiệp định EVFTA. Trong thời gian tới, việc tiêu thụ gà, đặc biệt là gà lông trắng sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với gà nhập khẩu, vì vậy, các hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khép kín từ con giống tới chăm sóc, chế biến sản phẩm; xây dựng tem, nhãn mác để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã gà đồi Đồng Thịnh, huyện Phú Bình chia sẻ: “Tôi cũng chỉ biết sơ qua Hiệp định EVFTA chứ biết rõ thế nào, tuy nhiên HTX khó khăn khi xuất khẩu sản phẩm sang nước khác, hiện chưa làm được vì tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, yêu cầu cao.”
Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng đàn giống để phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường |
Bên cạnh những thách thức, EVFTA sẽ tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi của tỉnh tiếp cận nhanh với các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thu hút được các nhà đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao. Để tận dụng tối đa các lợi thế từ EVFTA, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã có những chiến lược phát triển chăn nuôi; đưa giống mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, chất lượng đàn giống vật nuôi đã được cải thiện rõ rệt. Toàn tỉnh hiện có trên 660 trang trại, trong đó có trên 400 trang trại gia cầm, còn lại là trang trại lợn, chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng thịt hơi các loại.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã mở các lớp tập huấn, mời các đơn vị, doanh nghiệp giúp các HTX tiếp cận công nghệ mới ngay sau khi đi vào hoạt động.”
Trong thời gian tới, để khai thác được tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực; tập trung phát triển các loại giống tốt có nhiều ưu điểm và có năng suất, chất lượng cao, giảm tối đa chi phí sản xuất. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh trên sân nhà. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời có những chính sách hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi./.