Tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19
Toàn cảnh kỳ họp. |
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: các nội dung thảo luận đã được đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ rất sôi nổi, với 320 lượt ý kiến phát biểu tại 72 tổ. Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo và giải trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra đã đánh giá tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, cơ bản đã phản ánh sát, đúng, khách quan thực tế của đất nước. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng tình hình, kết quả đạt được và đề xuất các giải pháp trong giai đoạn tới.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách nêu rõ: Vùng trung du và miền núi Bắc bộ là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Sau 17 năm triển khai thực hiện nghị quyết, kinh tế - xã hội của vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, vùng trung du và miền núi phía Bắc vẫn là một trong những vùng trũng của sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn.
Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: "Tỷ lệ hộ nghèo của vùng là 12,8%, cao nhất cả nước, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ trọng rất cao; các tỉnh miền núi Tây Bắc là 97,85%; tiếp đến là các tỉnh miền núi Đông Bắc là 81,96%. Các xã còn khó khăn và đặc biệt khó khăn tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, tỷ lệ xã còn khó khăn là 53,8%, xã đặc biệt khó khăn là 64,41%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ đạt 38,18%, thấp nhất trong cả nước".
Nhấn mạnh việc đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc tương xứng với tiềm năng, vị trí chiến lược, vị thế lịch sử, vừa là chính sách chung, vừa là sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho cách mạng, đồng chí Đoàn Thị Hảo đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm một số nội dung: "Đối với chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với 10 dự án thành phần, nhu cầu đầu tư rất lớn, giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, trong khi khả năng ngân sách Nhà nước có hạn. Vì vậy, cần lựa chọn những dự án cấp bách, để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như: Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Dự án “Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó, ưu tiên hàng đầu các công trình có tính lan tỏa, kết nối mạng giao thông khu vực với các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm; Cần đẩy nhanh đầu tư phát triển hệ thống giao thông vùng trung du và miền núi phía Bắc một cách đồng bộ, có tính đột phá, tạo điều kiện liên kết vùng, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ kết nối giữa các tỉnh trong vùng và liên vùng, kết nối với vùng Thủ đô Hà Nội...".
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ các nguyên nhân, kết quả, nhất là các nguyên nhân chủ quan trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là hiến kế để thực hiện các mục tiêu thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn, hiệu quả dịch COVID-19./.