Tạo động lực phát triển mới cho vùng trung du và miền núi phía Bắc
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ hai Hội đồng điều phối vùng Trung du miền núi phía bắc vừa được tổ chức chiều 1/12 , Bộ trưởng Bộ KH và ĐT đã nhấn mạnh: Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia và có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít. Quy hoạch vùng Trung du miền núi phía bắc chính là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT cho biết: "Quy hoạch đã chú trọng giải quyết các vấn đề liên vùng, liên tỉnh đồng thời tái tổ chức không gian quy hoạch vùng nhằm khai thác hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Và quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để chúng ta có thể xác định và đề xuất đầu tư công trung hạn trong giai đoạn tới."
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị |
Là 1 trong số 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía bắc, Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Thái Nguyên nhận thức rõ ràng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng Trung du miền núi phía bắc; đặc biệt tỉnh xác định tầm quan trọng về hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng giao thông để tập trung quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía bắc và giữa vùng Trung du miền núi phía bắc với cả nước và quốc tế.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Việc đầu tư vào công trình, dự án mà phát huy được hiệu quả sẽ đem lại lợi ích to lớn cho vùng. Chính vì vậy, tôi cũng mạnh dạn đề xuất nếu như trong đề xuất triển khai thực hiện thì cần cân nhắc việc triển khai các tuyến đường liên kết vùng ví dụ như đường sắt, đường bộ... và hạ tầng đường điện. Hiện Thái Nguyên đã kết nối với Hà Nội rất tốt, kết nối giao thông với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng... đang thực hiện tuy nhiên, Thái Nguyên rất mong muốn việc cải tạo, xây dựng tuyến đường từ Thái Nguyên đến Tuyên Quang. Nếu làm được tuyến đường này sẽ tạo điều kiện cho phát triển vùng trong tương lai."
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc được nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới với 6 nội dung trọng tâm. Quy hoạch đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế, 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng. Quy hoạch cũng đề ra chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò quốc gia trọng yếu của vùng./.