Tận thu quỹ, từ trẻ sơ sinh đến người tàn tật!
Người già, người tàn tật “gánh” đủ loại quỹ
Chị Nguyễn Thị Như (SN 1983, trú xóm 7, xã Hưng Thông, Hưng Nguyên, Nghệ An) đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với nạn nhân chất độc da cam. Trước đây, mẹ con chị Như sống với bố mẹ đẻ. Tháng 9/2015, chị Như và cô con gái sinh năm 2012 tách khẩu thành một hộ độc lập nhưng vẫn sinh sống cùng bố mẹ đẻ.
Ông Nguyễn Văn Cư - bố chị Như: Dù đang hưởng chế độ dành cho nạn nhân chất độc da cam nhưng con gái tôi vẫn phải đóng nạp các loại quỹ của xóm và xã |
“Các năm trước, vợ chồng tôi và mẹ con Như là 4 khẩu. Cứ đến kỳ thu nạp hàng năm, cán bộ xóm phát cho thông báo tiểu đơn sản lượng và các loại quỹ đầu tư. Trong đó có quỹ đóng góp phúc lợi (mỗi khẩu 3kg lúa, giá lúa 5.500 đồng/kg), quỹ khuyến học 4 kg thóc (1 khẩu/1kg) đều tính cho 4 người, tức là con gái tôi và đứa cháu 3 tuổi đều phải đóng nạp các loại quỹ xóm”, ông Nguyễn Văn Cư (SN 1941), bố chị Như cho biết.
Các năm trước, dù đã quá tuổi lao động nhưng vợ chồng ông Cư vẫn phải đóng nạp các loại quỹ thu theo pháp lệnh (an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa). Việc thu các khoản trên mới được chấp dứt vào năm 2017 này.
Trong năm 2015, ông Cư phải đóng 4 khẩu cho quỹ phúc lợi và quỹ khuyến học của xóm, tức là con gái bị nhiễm chất độc da cam và cháu ngoại 3 tuổi của ông cũng phải đóng khoản thu này |
Trong khi đó, theo thông báo của xóm, năm 2017, chị Như phải đóng quỹ an ninh quốc phòng, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ phòng chống thiên tai. Theo quy định, chị Như thuộc đối tượng được miễn các khoản đóng góp này.
Vợ chồng ông Nguyễn Hồng Dần (SN 1940) và bà Võ Thị Sâm (SN 1937) cũng phải đóng tiền quỹ khuyến học, quỹ phúc lợi theo thông báo của xóm. “Thực ra thì hai ông bà già rồi, không rõ lắm. Họ thông báo đóng thì cứ đóng thôi”, bà Sâm nói.
77 tuổi, ngoài tuổi lao động nhưng năm 2016, ông Cư vẫn phải đóng nạp các loại quỹ theo pháp lệnh mà theo cán bộ xóm là thu hộ cho xã |
Tại xóm 8, xã Hưng Thông, ngoài các khoản thu được giải thích là theo pháp lệnh như quỹ phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, khuyến nông (đối với hộ nông dân) người dân phải đóng thêm một khoản gọi là thu ở xóm. Khoản thu này tính theo khẩu, không kể trong hay ngoài độ tuổi lao động, có khả năng lao động hay đang hưởng trợ cấp hàng tháng của nhà nước. Với khoản thu ở xóm, mỗi khẩu phải đóng 3kg thóc với giá thóc 5.500 đồng/kg, tức mỗi khẩu phải đóng 16.500 đồng.
Năm liệt giường nhiều năm nay nhưng bà Huệ vẫn phải đóng khoản thu ở xóm |
Bà Lê Thị Huệ (SN 1937, trú xóm 8) nằm liệt giường nhiều năm nay, hiện đang sống cùng vợ chồng người con trai Cao Văn Hướng và 2 người cháu (con anh Hướng). Trong thông báo tiểu đơn sản lượng và các loại quỹ theo pháp lệnh năm 2017, nhà anh Hướng có 5 khẩu phải đóng khoản thu ở xóm, tức là có phần của bà Huệ - người đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng cho người tàn tật.
Đa số người dân mà chúng tôi tiếp cận đều băn khoăn về các khoản thu do các xóm đề ra nhưng đều "tặc lưỡi" bỏ qua bởi số tiền "không đáng bao nhiêu".
Xóm nói thu theo nghị quyết, xã bảo chưa đúng
Ông Võ Văn Tài – xóm trưởng xóm 7, xã Hưng Thông khẳng định các khoản thu theo pháp lệnh là xóm thu hộ xã, còn các khoản còn lại là thu theo nghị quyết của xóm. Việc này đã được triển khai và duy trì từ trước đến nay, ông chỉ kế thừa từ khi lên đảm nhận chức vụ xóm trưởng.
“Theo nghị quyết của xóm thì ai cũng phải nạp, từ trẻ mới sinh ra cho đến các cụ già, khi qua đời mới thôi. Các khoản thu này để chi cho hiếu hỉ, tang ma, các hoạt động xóm, tổ chức Tết thiếu nhi, Tết trung thu, trao thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt trong xóm”, ông xóm trưởng xóm 7 cho hay.
Thuộc đối tượng được miễn các khoản quỹ theo pháp lệnh nhưng trong tiểu đơn xóm gửi về, chị Như phải đóng các loại quỹ này |
Việc “tận thu” cả người ốm đau bệnh tật, đang được nhà nước bảo trợ, ông Tài cũng cho rằng, đã đưa vào nghị quyết xóm thì ai cũng phải đóng.
Riêng Quỹ quốc phòng đã được bãi bỏ nhưng vẫn có tên trong thông báo các khoản thu năm 2017 được ông Tài giải thích là thời điểm lập tiểu đơn cán bộ xóm chưa nắm được chủ trương này. “Giấy phát xuống người dân rồi mới biết, ai đóng rồi thì xóm trả lại, chưa đóng thì không thu nữa”, ông Tài nói.
Xã Hưng Thông có hơn 1.200 hộ dân với hơn 5.200 khẩu. Trong đó, theo số liệu Ban chính sách xã cung cấp vào thời điểm cuối tháng 9, toàn xã có 253 người đang được hưởng chế độ người có công, 316 người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
Ông Võ Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết: “Hiện tại xã chỉ thực hiện 2 khoản thu đó là Quỹ đền ơn đáp nghĩa và quỹ phòng chống thiên tai đối với người trong độ tuổi lao động (nam từ đủ 18-60, nữ từ đủ 18-55). Các khoản còn lại là do xóm triển khai để phục vụ một số hoạt động ở cơ sở. Các khoản thu này phải có sự bàn bạc, thống nhất và tự nguyện của người dân trong xóm”.
Vợ chồng ông Dần cũng nằm trong diện thu các loại quỹ xóm mà theo ông xóm trưởng thì Nghị quyết đưa ra, ai cũng phải đóng |
Ông Hải cũng thừa nhận, việc một số xóm ấn định số tiền quỹ đối với người đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội, người có công, người cao tuổi… là “chưa trúng”, “chưa đúng quy trình” và không đúng với quan điểm chỉ đạo của xã. Theo ông Chủ tịch, xã sẽ yêu cầu các xóm báo cáo cụ thể về việc này.
Được biết, UBND huyện Hưng Nguyên cũng đã thành lập đoàn kiểm tra các khoản thu, chi tại 3 trường học và 11 đơn vị xóm trên địa bàn xã Hưng Thông. Hiện đoàn đang làm việc nên chưa có kết quả cụ thể.