Tài xế Grab, Uber không đóng BHXH, cần sửa đổi Luật Lao động thế nào?
Mô hình dịch vụ Uber và Grab mới xuất hiện tại Việt Nam đã tạo ra nhiều việc làm mới, song cũng đặt ra những câu hỏi còn bỏ ngỏ như hợp đồng lao động ra sao? Các tài xế này có được đóng BHXH, BHYT, BHTN? Quy định thế nào về mức lương tối thiểu, điều kiện làm việc?
Hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH đang tiến hành sửa đổi Luật Lao động 2012, vấn đề về nhóm lao động này cũng đã nhiều lần được các chuyên gia đề cập tới. Ông Chang Hee-Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam đang thực hiện việc sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng những yêu cầu đặt ra trong Hiệp định CPTPP và EU-Việt Nam FTA, với mục tiêu sẽ trình Quốc hội bản Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 5/2019.
Hàng ngàn người đang làm tài xế cho Grab, Ubers nhưng chưa nằm trong phạm vi quy định của Luật Lao động hiện hành. (Ảnh minh họa) |
Theo ông Chang Hee-Lee, các chương về quan hệ lao động có vai trò mấu chốt đối với Hiệp định CPTPP và EU-Việt Nam FTA. Đồng thời, các nội dung của chương trình về lao động còn là mục tiêu tổng quát hiện đại hóa cách thức lao động được quy định tại Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.
Một vấn đề được đại diện ILO băn khoăn là phạm vi áp dụng của Bộ Luật Lao động sửa đổi tới đây.
“Liệu Bộ luật chỉ áp dụng cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế chính thức, hay chỉ ở những người lao động có hợp đồng lao động? Những tài xế Grab và Uber thì sao"? ông Chang Hee - Lee đặt câu hỏi.
Lý giải rõ hơn, đại diện ILO cho rằng, hiện nay Việt Nam có một lực lượng lao động hơn 53 triệu người, trong đó có 22 triệu người làm công việc không được trả lương, phần lớn thuộc nền kinh tế phi chính thức, 23 triệu người là lao động làm công ăn lương.
“Vậy bao nhiêu trong số họ sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động? Đây có lẽ là câu hỏi đầu tiên cần được trả lời” , ông Chang Hee-Lee băn khoăn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Đình Bốn Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, việc nhận diện các quan hệ lao động mới, đơn cử như giữa Grab và lái xe là không dễ. Bởi nhóm quan hệ này chưa đảm bảo đầy đủ các yếu tố được nêu trong quan hệ lao động, vốn được quy định trong Luật Lao động năm 2012.
"Luật Lao động và Luật Công chức đều ghi rõ các yếu tố của quan hệ lao động, như ai là người lao động, chủ sử dụng lao động, độ tuổi người lao động ra sao, tiêu chí ký hợp đồng, nội quy làm việc...
Do khó xác định được quan hệ giữa chủ Grab và lái xe là đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động hiện hành, các cơ quan chức năng chưa thể có căn cứ áp dụng quy định tính đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho những lái xe", ông Hà Đình Bốn cho biết.
Trên thực tế, cho đến nay, nhiều tài xế đã làm việc cho Grab được 6 tháng, 1 năm, thậm chí còn lâu hơn. Trong Luật Bảo hiểm xã hội có quy định, người lao động ký hợp đồng từ 1 tháng trở lên phải tham gia BHXH và người có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên phải tham gia BHTN.
Ông Bốn cho biết, trong lần điều chỉnh Luật Lao động 2012 lần này sẽ mở rộng khả năng nhận diện đối tượng. Theo đó, Luật sẽ quy định cụ thể hơn tiêu chí sử dụng lao động, người lao động và các nội dung của hợp đồng lao động.
Tổ soạn thảo dự án sửa đổi Luật lao động cũng sẽ ưu tiên xây dựng định nghĩa cụ thể và rõ ràng hơn về hợp đồng lao động. Qua đó nhằm điều chỉnh các hình thức biến tướng của quan hệ lao động, khó nhận diện với những dạng hợp đồng giao khoán hay mô hình Grab, Uber.
Cũng theo ông Hà Đình Bốn, nếu các quan hệ dù thể hiện ở bất cứ dạng hợp đồng nào nhưng hội tụ đủ các yếu tố của hợp đồng lao động, như: Có sự ký kết giữa các bên, có cam kết thực hiện công việc cụ thể, có trả lương, có sự giám sát và quản lý…thì đều được coi là hợp đồng lao động, phải tuân theo quy định của pháp luật lao động.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, nếu thực hiện được điều này, người lao động khi tham gia quan hệ lao động kiểu mới phát sinh vẫn được đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên ông Hà Đình Bốn lưu ý, việc điều chỉnh trước hết sẽ nhằm vào những quan hệ hoặc mô hình có tác động tới số đông trong xã hội. Đồng thời, quy định mới ban hành cần đảm bảo 2 bên đều có thể chấp nhận được, đảm bảo tính hài hoà./.