Tai nạn thảm khốc ở Hải Dương: Cầu vượt thiết kế kiểu “bẫy” người đi bộ
Sau vụ TNGT thảm khốc tại Km76+450, QL5 thuộc xã Kim Lương (huyện Kim Thành, Hải Dương) khiến 8 người chết, 6 người bị thương, phóng viên VOV cùng đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia có mặt tại hiện trường vụ tai nạn và ghi nhận thực tế, cầu vượt này có thiết kế không thật sự hợp lý và còn tạo thành cái “bẫy” đối với người đi bộ.
Cầu vượt Kim Lương, nơi xảy ra vụ xe tải đâm vào đoàn người đi bộ khiến 14 người thương vong vừa qua. |
Vị trí xảy ra tai nạn các cầu vượt khoảng 20m, gần Trường THCS xã Kim Lương, nghĩa trang liệt sỹ xã Kim Lương, có mật độ dân cư đông đúc. Ngoài đường dẫn chính lên cầu, còn 1 đường dẫn dành cho người đi bộ, xe thô sơ để các phương tiện từ cầu vượt đi xuôi chiều xuống QL5. Đường dẫn này rất nguy hiểm bởi nằm sát đường sắt, khi xuống tới chân đường dẫn cũng là làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ trên QL5.
Nguy hiểm như vậy nhưng vì sự tiện lợi nên nhiều người dân vẫn đi ngược chiều để lên cầu vượt. Đoàn cán bộ, người có công xã Kim Lương cũng đi theo đường này để lên cầu vượt thì bị xe tải đâm vào gây thảm hoạ.
Sai ngay từ khâu thiết kế, vi phạm hành lang đường sắt
Người dân xã Kim Lương bức xúc cho rằng, thiết kế cầu thang bộ lên cầu vượt là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn.
“Nhưng không có lối đi nào khác nên dân chúng tôi đi chợ, đi làm hàng ngày vẫn phải nhắm mắt đi qua. Không những thế, lo nhất là con cháu chúng tôi thường xuyên đi học qua cầu mỗi ngày, sau vụ tai nạn kinh hoàng kia người dân chúng tôi càng lo sợ hơn”, một người dân gần cầu vượt Kim Lương cho biết.
Cầu đường bộ bắc ngang QL5 vi phạm lỗi thiết kế, vô tình tạo ra bẫy đưa người dân vào nguy hiểm. |
Theo kỹ sư giao thông Hồ Sỹ Minh, tư vấn xây dựng giao thông cho rằng, cầu vượt cho người đi bộ, xe thô sơ trên QL5 tại xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương có nhiều cái sai. Nhất là thiết kế đã phạm nhiều điểm tối kỵ khi xây cầu vượt cho người đi bộ.
Theo Luật Đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang phải bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang.
Đối với đường bộ cao tốc, QL5 là đường cấp I đồng bằng nên hành lang an toàn mỗi bên phải có độ rộng 3m. Trong phạm vi 3m đó phải đảm bảo thông thông thoáng, không làm đường bộ, trồng cây khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.
"Từ những quy định đó, bằng mắt thường nhìn thấy có thể dễ dàng nhận ra cầu đường bộ qua QL5 lại làm lối lên xuống ở ngay giữa QL5 và đường sắt đã vi phạm thiết kế. Không những thế, lối lên xuống này còn không làm đường dân sinh cho người dân, buộc người lên xuống cầu vượt phải đi bộ ra đường QL5 đã vô tình tạo lên cái bẫy nguy hiểm cho người dân", ông Minh phân tích.
Theo kỹ sư Hồ Sỹ Minh, không có nước nào trên thế giới thiết kế cầu đường bộ vượt quốc lộ như ở Việt Nam.
Chân cầu thang lên cầu vượt dành cho người đi bộ nằm giữa đường sắt với đường bộ và người đi bộ đi chung với làn xe máy trên QL5. |
“Trên tuyến QL5 nối TP. Hà Nội với TP. Hải Phòng có rất nhiều cầu vượt được thiết kế tương tự như cây cầu ở xã Kim Lương. Mỗi lần đi qua tuyến QL5, đến cầu đường bộ này tôi không khỏi giật mình vì thi thoảng có một tốp người đi bộ từ trên cầu xuống, phải di chuyển trên làn xe thô sơ mới vào được đường dân sinh. Điều này vừa gây mất tầm nhìn cho tài xế, vừa tạo ra chướng ngại vật, nếu tài xế mới di chuyển lần đầu trên tuyến đường này thì không tránh khỏi giật mình", ông Minh chia sẻ.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Tùng - Khoa Xây dựng Cầu đường, Đại học Xây dựng cũng cho rằng, ngoài nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc ở Hải Dương do tài xế sử dụng ma túy đá trong nhiều ngày liền dẫn đến tinh thần không tỉnh táo thì cũng có một phần nguyên nhân sâu xa đến từ thiết kế cầu vượt đường bộ gần vụ tai nạn.
“QL5 là tuyến đường thường xuyên có xe trọng tải nặng lưu thông với tốc độ cao. Nếu không thiết kế lối lên xuống ở đường QL5 thì có lẽ vụ tai nạn này đã không xảy ra. Tâm lý tham gia giao thông của người dân Việt Nam là cứ thấy tiện, nhanh chóng là đi vào, dù biết nơi đó nguy hiểm. Người làm thiết kế phải tính toán, nhìn nhận được sự nguy hiểm có thể xảy ra để lường trước được điều này", TS Nguyễn Văn Tùng nói.
Có nhiều cầu vượt trên QL5 thiết kế sai
Theo ghi nhận, tại tuyến QL5 có khoảng 5 – 6 cầu vượt dành cho người đi bộ bắc qua đường được thiết kế xây dựng với những bậc thang dành cho người đi bộ dẫn thẳng xuống làn đường dành cho xe thô sơ của QL5.
Lối lên xuống dành cho người đi bộ rất nguy hiểm. |
Đáng chú ý, chân cầu thang lên xuống cầu vượt đi bộ này lại nằm xen kẽ giữa đường sắt với mặt đường QL5 khiến cho việc lưu thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Trước khi xảy ra vụ tai nạn ở xã Kim Thành, khu vực này đã là "điểm đen" của tai nạn giao thông vì tình trạng đi lên, xuống cầu vượt đường bộ của người dân.
"Lỗi này trước tiên thuộc đơn vị tư vấn, thiết kế dự án. Sau nữa là đơn vị thẩm định dự án trước khi đồng ý đưa vào triển khai. Còn người dân, người tham gia giao thông chỉ là nạn nhân", ông Tùng thẳng thắn chỉ ra sai sót.
Không khắc phục ngay, sẽ còn nhiều vụ Kim Lương
Trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ tai nạn khiến 8 người chết, 6 người bị thương ở Hải Dương, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phải thốt lên: "Điểm đen này liên quan đến cầu vượt đường bộ. Chúng ta làm cầu vượt nhưng lối lên xuống lại chung với làn xe thô sơ như vậy là hết sức nguy hiểm".
Hiện trường kinh hoàng vụ TNGT khiến 8 người chết, 6 người bị thương do xe tải đâm vào đoàn người đi bộ tại Hải Dương. |
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải rà soát lại tất cả các "điểm đen" tai nạn giao thông để tránh những vụ tai nạn tương tự xảy ra.
“Các cơ quan chức năng cần phải làm rõ được các nguyên nhân gây TNGT, để chúng ta có các giải pháp xử lý hợp lý phòng ngừa tai nạn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Còn theo TS Nguyễn Văn Tùng, để tránh những vụ tai nạn thảm khốc khác có thể xảy ra trong tương lai, ngoài việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông thì cũng cần khắc phục những lỗi thiết kế tương tự, còn với những công trình đã xây dựng cần có phương pháp xử lý như chặn ngay lối lên, xuống ngay giữa đường như cầu vượt ở xã Kim Lương./.