Trong khi đó, tại thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hối thúc Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) nhanh chóng tiến hành các cuộc điều tra trên thực địa để xác định thủ phạm vụ tấn công tình nghi sử dụng vũ khí hóa học làm 87 người chết tại miền Bắc Syria hôm 4/4 vừa qua.

syria bat dau so tan dan thuong ra khoi nhung diem nong
Người dân Syria trên xe đi sơ tán. Ảnh: Reuters.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria cho biết, khoảng 5.000 người được đưa lên khoảng 80 ô tô và 20 xe cứu thương hôm qua đã rời khỏi al-Foua và Kefraya, hai thị trấn có đông người Hồi giáo dòng Shi’ite sinh sống tại tỉnh Idlib hiện do quân đối lập kiểm soát ở phía Tây Bắc Syria.

Trong số này có 1.300 tay súng ủng hộ chính phủ. Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng trước giữa chính phủ Syria và phe đối lập, dưới sự trung gian của Qatar và Iran, khoảng 16.000 người dân tại hai thị trấn này sẽ được phép rời đến Aleppo, Damascus hoặc tỉnh Latakia ở phía Tây.

Song song với tiến trình này, hàng nghìn dân thường khác tại Madaya và Zabadani, những thành phố do quân đội kiểm soát cũng được sơ tán tới tỉnh Idlib.

Ước tính có khoảng 300.000 người đã được sơ tán theo thỏa thuận này.

Trước đó, ngày 13/4, phe đối lập tại tỉnh Idlib đã trả tự do 12 tù nhân gồm 8 phụ nữ và 4 trẻ em, đồng thời trao trả 8 binh sĩ quân đội chính phủ. Trong khi đó, các tay súng ủng hộ chính phủ tại al-Foua và Kefraya cũng đã trả tự do cho 19 tay súng.

Cũng trong ngày 14/4, tại thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Nga, Iran và Syria đã nhóm họp để thảo luận về vụ không kích của Mỹ hồi tuần trước nhằm vào một căn cứ không quân của Syria. Theo Chính phủ Mỹ, cuộc không kích này được tiến hành là nhằm phản ứng với vụ tấn công tình nghi bằng vũ khí hóa học làm 87 người chết tại thành phố Khan Shaykhun, mà nước này cho là do quân đội Chính phủ Syria tiến hành.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AFP mới đây, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bác bỏ những cáo buộc này và khẳng định, vụ tấn công là một màn kịch do phương Tây, mà chủ yếu là Mỹ dựng lên để tạo cớ cho vụ không kích hôm 7/4.

Tại cuộc họp, cả Nga và Iran đều cho rằng, một cuộc điều tra là cần thiết, song việc Tổ chức cấm vũ khí hóa học tiến hành phân tích vụ tấn công khi không tới hiện trường là "không thể chấp nhận được". Một cuộc điều tra minh bạch là phải có sự tham gia của các chuyên gia độc lập, các nhóm chuyên gia đại diện cho các nước tại khu vực, cùng với Nga, Mỹ và châu Âu.

“Việc sử dụng vũ khí hóa học như một cái cớ để vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia độc lập, một thành viên của Liên hợp quốc là một hành động rất nguy hiểm”, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nêu rõ. “Và trong trường hợp này một cuộc điều tra quốc tế là cần thiết. Điều quan trọng là phải ngăn chặn các vụ tấn công tương tự trong tương lai.”

Vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và vụ không kích sau đó của quân đội Mỹ đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Mỹ, đồng thời đánh dấu một bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc xung đột dai dẳng này.

Chính phủ Nga đã coi vụ không kích của Mỹ là "một hành động khiêu khích nhằm vào một quốc gia có chủ quyền". Nga cũng đồng thời tuyên bố ngừng thỏa thuận ngăn chặn đụng độ trên không với Mỹ tại Syria./.