Sự sống có thể từng tồn tại 700 triệu năm trên sao Hỏa
Các lớp đá trên sao Hỏa. Ảnh: NASA |
Trong hai nghiên cứu phân tích những phát hiện riêng lẻ về các mẫu trầm tích do robot Curiosity của NASA thu thập được ở hố Gale trên sao Hỏa, các nhà khoa học cho rằng hành tinh này từng có nước hơn một tỷ năm, theo Arstechnica.
Đặt các phát hiện của robot Curiosity trong bức tranh tổng thể về lịch sử tiến hóa của hố Gale trên sao Hỏa, các nhà khoa học cho rằng hố Gale từng là hồ Gale, được nước bao phủ trong hàng trăm triệu năm vào thời kỳ ấm áp trên hành tinh này.
Theo các nhà nghiên cứu, hồ Gale tồn tại qua nhiều thời kỳ. Những nguyên liệu đầu tiên hình thành nên lớp trầm tích dưới đáy hồ xuất hiện từ thời kỳ sao Hỏa có khí hậu lạnh. Trong giai đoạn khí hậu ấm lên sau đó, hồ Gale cạn nước, trở thành hố đá trầm tích. Mỗi lớp trầm tích mang đặc trưng riêng của quá trình hình thành.
Gần bề mặt hồ Gale, tia UV và oxy trong bầu khí quyển tạo ra môi trường oxy hóa, gây oxy hóa sulfur trong đá và cuối cùng tạo ra đủ lượng axit sulfuric để làm giảm nồng độ kiềm. Sâu dưới hồ, khí oxy ít và độ kiềm gần mức trung hòa. Quá trình lắng đọng các chất chứa nhiều muối diễn ra sau đó, nhiều khả năng trong thời kỳ sao Hỏa mất phần lớn bầu khí quyển và nước bị bay hơi.
Các nhà khoa học ước tính thời kỳ sao Hỏa có nước và khí hậu ấm áp, phù hợp cho sự sống diễn ra trong khoảng 700 triệu năm, nhưng đã kết thúc vào 3,1 tỷ năm trước.
Gió sau đó bào mòn các lớp trầm tích trên đáy hồ Gale. Quá trình này diễn ra đủ lâu để cát và bụi tách ra từ đáy hồ Gale tiếp tục hình thành lớp trầm tích mới. Theo cả hai nghiên cứu, nước ngầm vẫn thấm qua kẽ của một số lớp trầm tích mới, để lại muối và khoáng chất lắng đọng.