Sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng mạnh, nhiều ca trong tình trạng nặng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu tăng mạnh. Trong tuần qua (từ 8 đến 15/9), Hà Nội ghi nhận 2.010 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện (tăng gấp đôi so với tuần cuối của tháng 8/2023).
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đã có 3 ca tử vong.
Hiện toàn thành phố Hà Nội còn 258 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động tại 30 quận, huyện, thị xã, riêng huyện Hoài Đức đã ghi nhận gần 400 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay.
Đáng lưu ý, trong mùa sốt xuất huyết năm nay, nhiều chuyên gia cảnh báo xuất hiện các ca có dấu hiệu cảnh báo trong tình trạng nặng.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 2 cơ sở của bệnh viện đang điều trị cho 157 ca sốt xuất huyết, trong đó có 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng. |
Chỉ riêng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, trung bình mỗi ngày điều trị hơn 40 bệnh nhân hồi sức cấp cứu nói chung, trong đó có 3-5 ca sốt xuất huyết trong tình trạng nặng và khám cấp cứu trên dưới 50 ca sốt xuất huyết/ngày.
Bệnh nhân N.T.T., 32 tuổi ở Hoài Đức vào Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 8/9/2023 vì sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4. Trước đó bệnh nhân có truyền dịch trong 3 ngày đầu. Khi vào viện trong tình trạng tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, phổi phải 10 cm, phổi trái 9 cm, gây chèn ép, khó thở, suy hô hấp. Xét nghiệm máu có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao > 8000.
Bệnh nhân T. được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng. Sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.
Bệnh nhân thứ 2 cũng trong tình trạng nặng là N. T. X. 76 tuổi cùng ở Hoài Đức vào viện ngày 13/9/2023. Bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp, Viêm gan B, vào viện vì sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5 có đại tiện phân đen số lượng nhiều.
Bệnh nhân X. vào viện trong tình trạng nhợt nhạt, mất máu, tiểu cầu giảm thấp, hồng cầu giảm còn 2 triệu/mm3. Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốt xuất huyết Dengue nặng, được truyền 10 đơn vị máu, gồm khối hồng cầu, huyết tương tươi và khối tiểu cầu, đồng thời được nội soi dạ dày kẹp cầm máu ổ chảy máu ở dạ dày. Sau 6 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu. Xét nghiệm chỉ số tiểu cầu đã cải thiện. Bệnh nhân tỉnh táo, dễ chịu hơn.
Thạc sỹ Trần Văn Bắc - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền; Nên bù nước điện giải bằng đường uống (VD Oresol), hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.
Sau ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng (Hematocrit tăng kèm theo tiểu cầu giảm nhanh, tràn dịch màng phổi, ổ bụng, men gan tăng cao) hoặc có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch. Virus được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh có đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận/huyện cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đặc biệt xác định việc loại trừ ổ bọ gậy là căn cơ cốt yếu để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết./.