Sẽ tinh giản biên chế, đóng cửa các trường nghề hoạt động kém hiệu quả
Đây là ý kiến của Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trong phiên trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 diễn ra sáng nay (5/6).
Trong phiên chất vấn, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn thấp. Từ đó đặt ra các câu hỏi về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), để từ đó cải thiện chất lượng lao động trong bối cảnh hiện tại.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời trong phiên chất vấn. |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, chất lượng nguồn nhân lực góp vai trò quan trọng, chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến năng suất lao động thấp.
“Chất lượng nguồn nhân lực thấp thể hiện qua việc chúng ta chưa theo kịp tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp vào GDP là 15,34%, công nghiệp trên 33,34%. Tuy nhiên, sự chuyển dịch lao động còn chậm trễ. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 40% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hết quý 1 năm 2018, con số này giảm xuống còn 38,6%. Với lực lượng lao động nhiều như vậy nhưng chỉ đóng góp vào GDP 15,34%. Đây là vấn đề cần bàn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở.
Bên cạnh đó, ông Dung cũng chỉ ra điểm yếu của nguồn nhân lực hiện nay như chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về kỹ năng, các điều kiện đảm bảo cho người làm việc gồm 3 vấn đề thu nhập, độ an toàn, mạng lưới an sinh.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc ưu tiên cho phát triển giáo dục nghề nghiệp nhiệm vụ quan trọng của ngành: “Chúng tôi đặt giáo dục nghề nghiệp là quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng lao động nhằm bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Trong lĩnh vực GDNN, có 3 vấn đề chính cần quan tâm là quy hoạch toàn bộ mạng lưới; chuyển mạnh sang tự chủ - đây là động lực để phát triển GDNN theo đúng tinh thần NQ TW6, tinh thần NQ TW 7 và yêu cầu trong đề án đổi mới và tái cơ cấu đã phê chuẩn.
Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, GDNN sẽ phải chuyển hẳn sang hướng tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường. Đây là chủ trương đã được nhiều nước phát triển đi theo và thành công.
Sau quá trình thực hiện thí điểm, kết quả bước đầu đã có 10 trường ký kết với 15 tập đoàn lớn, đang tiến hành đào tạo theo đơn đặt hàng cho 15.000 sinh viên.
Đặc biệt, tư lệnh ngành LĐ-TB-XH cho rằng, trước sự thay đổi của khoa học, công nghệ của của cách mạng công nghiệp 4.0, GDNN cần quan tâm, đào tạo mới và đào tạo lại những đối tượng lao động có nguy cơ mất việc, tập trung trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, khoa học công nghệ.
Sắp xếp lại hệ thống GDNN
Cũng theo Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung, việc tập trung củng cố, sắp xếp, rà soát lại bộ máy GDNN là yêu cầu cần thiết. Hiện nay cả nước có 1.954 cơ sở GDNN, trong đó 397 trường cao đẳng, 555 trường trung cấp, đa phần là các trường công lập. Ngoài ra, toàn quốc còn có 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong 2 năm qua, Bộ đã kiên trì, tập trung cùng các địa phương sắp xếp lại các cơ sở GDNN. Đến nay, đã sắp xếp lại 35 trường cao đẳng, 328 cơ sở GDNN cấp huyện theo hướng tích hợp 2 trong 1, 3 trong 1; Tích hợp các trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên làm. Bộ máy bước đầu đã có sự tinh gọn hơn.
Đại diện Bộ LĐ-TB-XH thông tin, ngành đang rà soát những trường không đáp ứng yêu cầu, mạnh dạn tổ chức, sắp xếp lại. Trong trường hợp, chất lượng quá kém, sẽ quyết định giải thể.
Bộ trưởng Dung cho biết, ngành đặt ra mục tiêu, tới năm 2021, sẽ giảm 10% các cơ sở GDNN công lập, 10% biên chế trong lĩnh vực này. Đến năm 2025, 2030 sẽ đạt mục tiêu lũy tiến gấp đôi giai đoạn trước.
“Mục tiêu là năm 2021 sẽ đạt chỉ tiêu năm 2030, như vậy, không chỉ tập trung củng cố giảm số lượng các trường mà còn cần tăng chất lượng đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp"./.