Sau Tết, lo giáo viên mầm non... một đi không trở lại
Lo giáo viên ăn Tết không trở lại
Ngày mùng 8, ngày đầu con quay trở lại trường sau Tết, chị Lê Thị Oanh, gửi con tại một trường mầm non tư thục ở Thủ Đức, TPHCM ngạc nhiên khi thấy cô giáo khác ra đón trẻ chứ không phải là cô Nhung, phụ trách lớp từ đầu năm. Chị hỏi hiệu trưởng thì được biết, cô Nhung về quê nghỉ Tết chưa trở lại nên hiện tại trường đang điều một cô giáo mới đứng lớp. Hiệu trưởng cũng nói thêm, có thể cô Nhung sẽ không tiếp tục dạy tại trường.
Sau Tết, các trường mầm non tư thục ở TPHCM lại lo giáo viên về quê không trở lại (Ảnh minh họa) |
"Bé rất quấn cô, sáng nay tôi phải nói cô Nhung đang chờ, cháu mới chịu tới lớp sau kỳ nghỉ lễ dài. Giữ trẻ quan trọng nhất là quen cô, quen trò thì việc chăm sóc đơn giản hơn. Giờ lớp thay cô, quả thật tôi rất băn khoăn", chị Oanh chia sẻ.
Nếu ở các tỉnh, vùng sâu vùng xa, ngành giáo dục lo tình trạng học sinh bỏ học sau Tết thì ở TPHCM, các trường mầm non ngoài công lập lại gánh một nỗi lo diễn ra nhiều năm nay: giáo viên bỏ việc sau Tết. Nhiều giáo viên sau khi về quê ăn Tết đã không trở lại. Có người còn thông báo với nhà trường, còn có người chọn cách ra đi trong im lặng.
Quản lý một trường mầm non tư ở quận Bình Tân cho hay, trường đón trẻ quay lại lớp vào ngày mùng 6 Tết nhưng đến nay, còn vắng mặt hai giáo viên ở tỉnh và cũng không thấy họ thông báo hay nghỉ phép gì.
"Tôi cũng không gọi điện cho các cô để hỏi vì nếu các cô chỉ vào trễ thì đã chủ động liên lạc xin phép. Còn họ đã muốn nghỉ có gọi điện chỉ làm khó nhau thêm. Chuyện này cũng không phải lạ đối với các trường tư, nhất là sau Tết, trường nào may mắn thì mới không có giáo viên nghỉ việc. Những ngày này do thiếu giáo viên nên quản lý cũng phải đứng lớp trong lúc chờ tuyển người mới", bà nói.
Bà cũng lý giải thêm, hầu hết các trường tư chỉ có thể tuyển giáo viên ở tỉnh, đội ngũ này rất dễ biến động, khó giữ chân. Lương không cao, bám trụ ở thành phố khó khăn, nếu có cơ hội khác, họ sẽ nghỉ việc không luyến tiếc...
Trong lần làm việc với Đoàn khảo sát của Hội đồng Nhân dân TPHCM, quản lý nhiều trường mầm non tư thục chỉ ra khó khăn nhất họ gặp phải chính là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc đột xuất. Có người về quê ăn Tết rồi một đi không quay trở lại trường. Họ có thể ở lại quê làm ruộng, buôn bán, tìm một việc nào đó hoặc quay lại thành phố nhưng làm công việc khác.
Giáo viên mầm non trường tư còn thiệt thòi
Chính vì giáo viên bỏ việc bất ngờ, nhiều trường tư thục thường xuyên rơi vào tình trạng, yên ổn được một thời gian lại bị xáo trộn, lại tất tả tìm người mới nhưng không biết ổn định được bao lâu. Trước thực trạng biến động đội ngũ giáo viên mầm non, nhiều trường đưa ra đủ cách để giữ chân người lao động như tạo điều kiện chỗ ăn ở, bồi dưỡng chuyên môn, học nâng cao... Nhưng cuộc sống ở trọ bấp bênh, không ổn định, công việc lại áp lực... nên việc giữ chân giáo viên vô cùng nan giải.
Ở TPHCM, hệ thống mầm non ngoài công lập đang "gánh" tỷ lệ trẻ rất lớn, luôn chiếm trên 50% tống số trẻ. Tuy nhiên, trong các chế độ chính sách thì giáo viên trường tư vẫn đang nằm ngoài "vùng chăm sóc".
Chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non đang "bỏ rơi" hệ thống mầm non ngoài công lập (Ảnh minh họa) |
Bà Lê Thị Lý, quản lý một trường mầm non tư cho hay, giáo viên mầm non ngoài công lập bỏ việc nhẹ tênh là điều rất dễ hiểu. Những giáo viên có hộ khẩu ở TPHCM thì họ không vào trường tư, họ chỉ "trú tạm" ở trường khi chưa có đường để vào trường công, có cơ hội sẽ đi ngay. Trường tư chỉ có cơ hội với giáo viên ở tỉnh - đội ngũ xáo trộn rất lớn.
Bà Lý phân tích, trường công được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, có sở vật chất, giáo viên có chế độ chính sách, chế độ ngoài giờ, thâm niên nên tính ổn định cao. Những điều này không có ở trường ngoài công lập, các trường phải lo hết mọi thứ như thuê mặt bằng, cơ sở vật chất, chăm lo đời sống nhân viên… nên rất bấp bênh. Nếu trường thu học phí cao thì phụ huynh sẽ quay lưng, nhưng nếu thu ở mức thấp thì rất khó để nâng cao đời sống cho giáo viên.
Gần đây, TPHCM có nhiều chính sách đột phá đối với giáo dục mầm non, nhất là Nghị quyết 01 về thu hút giáo viên mầm non. Nhưng tất cả chỉ dành cho hệ thống trường mầm non công lập.
Cụ thể, hỗ trợ cho giáo viên 100% lương cơ sở/người/tháng đối với năm đầu được tuyển dụng; 70% lương cơ sở/người/tháng đối với năm thứ hai sau khi được tuyển dụng; 50% lương cơ sở/người/tháng đối với năm thứ ba sau khi được tuyển dụng.
Ngoài ra, giáo viên mầm non có trình độ Thạc sĩ được hỗ trợ 18 triệu đồng/năm; 10,8 triệu đồng/năm với trình độ ĐH và 6,6 triệu đồng/năm với trình độ CĐ...
Với chế độ chính sách đặc thù như vậy ở hệ thống mầm non công lập, việc giáo viên bỏ việc vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Vậy nên, tình trạng giáo viên mầm non ở hệ thống ngoài công lập không có những chế độ chăm sóc thì việc "rơi rụng" là điều dễ hiểu.
Theo báo cáo của ngành giáo dục TPHCM vào năm 2017, để đáp ứng được đúng quy định số trẻ/nhóm, lớp tại TPHCM theo điều lệ trường mầm non thì số giáo viên mầm non thiếu trên 11.000 người, riêng giáo viên ngoài công lập thiếu khoảng 7.700 người.