Giáo dục mầm non - kỳ vọng vào chính sách mới
Trên 30% số trẻ đang theo học tại trường Mầm non Hoa Hướng Dương là con công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Sông Công

Trường Mầm non Hoa Hướng Dương là 1 trong 3 trường Mầm non ngoài công lập của thành phố Sông Công. Hiện nhà trường đang có trên 30% số trẻ đang theo học ở nhà trường là con công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Bởi vậy, sau khi biết được chính sách hỗ trợ cho các giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, được hỗ trợ 800.000 đồng/người, thời gian hưởng tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học, không riêng cô giáo Hà Thu Hoài mà tất cả các cô giáo đang công tác tại trường đều cảm thấy phấn khởi và yên tâm gắn bó với nghề.

Cô giáo Hà Thu Hoài chia sẻ: “Mức lương đối với giáo viên các trường ngoài công lập vào khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng, nếu như được hưởng chế độ từ Nghị định 105 thì lương của chúng tôi sẽ được hơn 5 triệu đồng/tháng, như vậy cuộc sống của giáo viên chúng tôi sẽ ổn định hơn trước.”

Không chỉ hỗ trợ cho giáo viên, chính sách còn hỗ trợ cho trẻ em là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định, được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Điều này phần nào sẽ giảm bớt áp lực về học phí cho công nhân, người lao động khi có con gửi tại trường dân lập, tư thục hay nhóm trẻ độc lập.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang, Quản lý nhóm trẻ tư thục Nguyên Linh, huyện Phú Bình chia sẻ: “Nếu như trẻ được hỗ trợ tiền ăn 160.000 đồng/tháng sẽ bớt đi gánh nặng về tài chính cho bố mẹ là công nhân. Bởi vì lương của công nhân không cao và rất vất vả, trong khi đó khoản học phí và tiền ăn chi trả cho con khi theo học tại nhóm học tư thục thì cao hơn.”

Giáo dục mầm non - kỳ vọng vào chính sách mới
Nghị định 105 được triển khai sẽ thúc đẩy được sự phát triển của mầm non ngoài công lập, hỗ trợ giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học

Toàn tỉnh hiện có trên 100 cơ sở giáo dục mầm non ở các địa bàn gần khu công nghiệp, trong đó, có 65 trường ngoài công lập, nhóm, lớp độc lập tư thục. Công việc của giáo viên mầm non tại đây phải chịu áp lực về thời gian, trong khi đó mức thu nhập chưa tương xứng. Vì thế, khi nghị quyết đi vào thực tiễn sẽ góp phần giảm bớt một phần khó khăn đối với các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh thuộc loại hình công lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, địa bàn đặc biệt khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Nguyên, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình cho biết: “Khi Nghị định 105 được triển khai sẽ thúc đẩy được sự phát triển của mầm non tư thục, hỗ trợ được các đối tượng ở cả mầm non công lập và mầm non tư thục, qua đó sẽ giải quyết được tỷ lệ huy động trẻ đến trường sẽ tốt hơn.”

Còn với bà Trần Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Hướng Dương, thành phố Sông Công thì nêu mong muốn: “Nhà trường mong Nghị định này sớm được thực hiện để hỗ trợ nhà trường, học sinh cũng như giáo viên, qua đó trường sẽ phát triển ổn định hơn.”

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đang yêu cầu các trường mầm non ngoài công lập nằm trên địa bàn có các khu công nghiệp khẩn trương thống kê, rà soát các đối tượng áp dụng chính sách. Đồng thời triển khai quán triệt cho cán bộ, quản lý tại các cơ sở giáo dục này thực hiện đúng quan điểm của Đảng đối với việc chăm lo đời sống giai cấp công nhân, lao động, đồng bào dân tộc, địa bàn khó khăn, thể hiện tính nhân văn và tính nhất quán trong thực hiện chính sách giáo dục của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thái Nguyên./.