Sau kỳ thi xét tuyển: Hàng trăm giáo viên có nguy cơ mất việc
Ngày 22 - 26/2, tỉnh Quảng Nam tổ chức thi xét tuyển viên chức giáo dục bao gồm giáo viên THPT, mầm non, tiểu học, THCS và viên chức khác.
Có 2 hình thức tuyển dụng là tổ chức thi tuyển đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và viên chức khác; và xét tuyển cạnh tranh đối với giáo viên THPT nhằm bổ sung đội ngũ còn thiếu của các trường THPT công lập.
Nội dung xét tuyển gồm xét kết quả học tập (điểm học tập và điểm tốt nghiệp) và kiểm tra sát hạch theo hình thức phỏng vấn năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ theo vị trí dự tuyển.
Sau đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục, hơn 100 giáo viên THPT ở Quảng Nam có nguy cơ mất việc do không đáp ứng được điều kiện tuyển dụng. |
Trong đó điểm học tập là trung bình cộng các môn trong suốt quá trình học tập và quy đổi thang điểm 100 và tính hệ số 1; điểm tốt nghiệp là trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp và bảo vệ luận văn tốt nghiệp, được quy đổi thang điểm 100, tính hệ số 1.
Riêng người học theo hệ thống tín chỉ thì điểm học tập đồng thời là điểm tốt nghiệp được quy đổi thang điểm 100, tính hệ số 2. Điểm kiểm tra, sát hạch được tính thang điểm 100 và hệ số 2.
Đối với người có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên (tính đến thời điểm 30/11/2015) tại các trường THPT, phổ thông DTNT công lập trên địa bàn tỉnh được ưu tiên xét tuyển trong trường hợp kết quả bằng nhau.
Tuy nhiên, sau đó nhiều giáo viên phản ánh việc xét tuyển này thiệt thòi thuộc về các giáo viên có thâm niên hợp đồng giảng dạy trên 36 tháng.
Theo thầy Trần Hữu Try, giáo viên trường THPT Thái Phiên (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) 15 năm công tác trong nghề đều được đánh giá tốt, ngay cả khi thanh tra của sở về dự giờ vẫn đánh giá năng lực giỏi nhưng giờ nếu căn cứ kết quả xét tuyển vừa rồi thì sẽ phải rời khỏi bục giảng.
Chung tâm trạng với hơn 100 giáo viên, thầy Nguyễn Văn Trí, giáo viên trường THPT Nguyễn Hiền (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) chia sẻ, trước khi thi có hứa hẹn sẽ ưu tiên cho các giáo viên có thâm niên hợp đồng hơn 36 tháng nhưng thực chất khi tổ chức xét tuyển cạnh tranh thế này thì ưu thế vẫn thuộc về những giáo viên trẻ và sinh viên mới ra trường vì điểm học tập và điểm tốt nghiệp của các sinh viên sau này thường cao hơn. Theo các giáo viên, căn cứ kết quả xét tuyển này thì có hơn 100 giáo viên hợp đồng giảng dạy trên 36 tháng phải nghỉ việc.
Theo ông Hà Thanh Quốc, kỳ xét tuyển cạnh tranh diễn ra đảm bảo công bằng, khách quan. Trước khi có kỳ xét tuyển này thì năm 2009 và 2011 tỉnh cũng đã tổ chức xét tuyển, nhiều giáo viên không đạt. Sau đó, tùy nhu cầu của từng trường hợp đồng với các giáo viên dạy theo tiết kiểu thỉnh giảng và trả tiền.
Theo ông Quốc, Sở GD & ĐT không trực tiếp ký hợp đồng giảng dạy với các giáo viên mà các giáo viên thỏa thuận giảng dạy với hiệu trưởng các trường nên không có sự ràng buộc gì về pháp luật, nhưng tại nhiều cuộc họp sở đã tham mưu với tỉnh tạo điều kiện đối với các giáo viên có hợp đồng giảng dạy trên 36 tháng.
Tuy nhiên phương án xét đặc cách với các giáo viên này không đảm bảo điều kiện vì hầu hết đều chưa có BHXH nên tổ chức xét tuyển cạnh tranh. Vì là xét tuyển cạnh tranh công khai nên các thí sinh khác đủ điều kiện tham gia vẫn được dự thi. Kỳ thi diễn ra từ ngày 22 - 23/2, có tất cả 995 thí sinh dự thi.
“Chúng tôi hết sức thông cảm với những giáo viên nhiều năm bám nghề, vất vả nhưng giờ cũng phải căn cứ theo kết quả xét tuyển thôi”, ông Quốc cho hay./.