Sao 'xác sống' phát nổ nhiều lần suốt 50 năm
Minh họa vụ nổ siêu tân tinh. Ảnh: Đài quan sát Nam châu Âu. |
Một nhóm nghiên cứu quốc tế xác định ngôi sao phát nổ nhiều lần trong 50 năm, thách thức mọi hiểu biết của con người về quá trình sao chết. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm qua, theo International Business Times.
Siêu tân tinh hiếm thấy mang tên iPTF14hls được các nhà thiên văn quan sát lần đầu tiên năm 2014. Lúc đầu, ngôi sao dường như không có gì bất thường. Nhưng vài tháng sau, nhóm nghiên cứu ở Đài quan sát Los Cumbres nhận thấy siêu tân tinh trở nên sáng hơn sau khi vụ nổ ban đầu tan biến, điều họ chưa bao giờ bắt gặp.
Quá trình hình thành vụ nổ siêu tân tinh. Video: YouTube.
Thông thường, siêu tân tinh đạt độ sáng cực đại trước khi mờ dần sau khoảng 100 ngày. Nhưng iPTF14hls ngày càng sáng hơn trong hai năm. Khi các nhà thiên văn học kiểm tra dữ liệu lưu trữ, họ rất kinh ngạc trước bằng chứng cho thấy ngôi sao thực chất đã phát nổ năm 1954 và vẫn tồn tại.
"Siêu tân tinh này phá vỡ mọi thứ chúng tôi biết về cách chúng xảy ra. Đây là câu đố lớn nhất mà tôi gặp phải trong gần một thập kỷ nghiên cứu những vụ nổ sao", Iair Arcavi, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học California, Santa Barbara và Đài quan sát Las Cumbres, chia sẻ.
Siêu tân tinh iPTF14hls có thể là ví dụ đầu tiên về vụ nổ tên "pulsational pair instability supernova". Quá trình này xảy ra khi những ngôi sao siêu lớn có lõi nóng tới mức năng lượng biến đổi thành phản vật chất, gây ra vụ nổ thổi bay lớp vỏ ngoài trong khi phần lõi vẫn nguyên vẹn.
Quá trình có thể lặp lại trong nhiều thập kỷ trước khi ngôi sao nổ lần cuối cùng, sụp đổ vào trong và biến thành hố đen. Tuy nhiên, có khả năng siêu tân tinh iPTF14hls thuộc loại khác hoàn toàn mới bởi thuyết "pulsational pair" không giải thích hết mọi dữ liệu nhóm nghiên cứu thu thập được về sự kiện.
Các nhà thiên văn học ở Las Cumbres sẽ tiếp tục theo dõi iPTF14hls, ngôi sao vẫn sáng từ khi được phát hiện cách đây ba năm.
Phương Hoa