Rộ tin Yahoo bí mật gửi thông tin trên email của người dùng cho cơ quan tình báo Mỹ
Vào thứ Ba (4/10), hàng loạt tờ báo quốc tế đăng tin cáo buộc Yahoo đã bí mật xây dựng một chương trình phần mềm nhằm tìm kiếm và phân tích nội dung trong tất cả email của khách hàng, sau đó cung cấp cho các cơ quan tình báo Mỹ.
Được biết, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) hoặc FBI có thể là những tổ chức đứng sau vụ việc, và đưa ra chỉ thị yêu cầu Yahoo. Trong đó, hàng trăm triệu tài khoản trên hệ thống Yahoo Mail hoàn toàn có thể đã bị lộ thông tin.
Yahoo chỉ là một công ty tuân thủ theo pháp luật Mỹ?
Một vài chuyên gia về an ninh cho biết đây là trường hợp đầu tiên một công ty Internet của Mỹ đồng ý theo yêu cầu của cơ quan tình báo bằng cách "bán" thông tin của tất cả các email được gửi đi. Trước đây từng có tiền lệ một vài công ty cho phép cơ quan chức năng kiểm tra email được lưu trữ trong tài khoản, hoặc quét một số lượng nhỏ các tài khoản bị tình nghi là vi phạm pháp luật.
Hiện vẫn chưa thể xác định được chính xác những dữ liệu mà Yahoo đã trao cho các cơ quan tình báo, hoặc còn có những công ty cung cấp dịch vụ email nào khác cũng nhận được yêu cầu tương tự.
Bà Marissa Mayer - CEO đương nhiệm của công ty Yahoo |
Theo hai nhân viên cũ của Yahoo, quyết định nghe theo chỉ thị của các cơ quan tình báo Mỹ của bà Marissa Mayer - CEO của Yahoo đã gây ra mâu thuẫn bên trong nội bộ công ty. Hệ quả là một vài đơn vị đã quyết định rời bỏ công ty, trong đó có giám đốc an ninh thông tin, Alex Stamos, và hiện đang phụ trách an ninh mạng tại Facebook.
"Yahoo là một công ty tuân thủ pháp luật, và đứng dưới luật pháp của Hoa Kỳ", công ty tuyên bố ngắn gọn khi đứng trước các câu hỏi của phóng viên, đồng thời từ chối đưa ra bình luận nào khác.
Andrew Crocker, một luật sư tại Mỹ cho biết cách sử dụng từ "chỉ thị" của Yahoo có thể sẽ giúp công ty thoát khỏi sự chỉ trích từ công luận, bởi theo mục 702 của điều luật Fisa sau khi sửa đổi vào năm 2008, cho phép chính phủ Mỹ nhắm đến các mục tiêu không phải là công dân Mỹ ở nước ngoài.
Bộ phận an ninh của Yahoo ban đầu cho rằng đã bị hacker tấn công
Nguồn tin từ Reuters cho biết chương trình đã bị phát hiện bởi đội ngũ an ninh của Yahoo hồi tháng 5/2015, và họ cho rằng hệ thống đã bị hacker tấn công. Tuy nhiên khi Giám đốc an ninh Alex Stamos phát hiện rằng chính CEO Marissa Mayer là người đã cho phép các "chương trình chạy ngầm", ông xin từ chức và nói với cấp dưới của mình lý do "không muốn làm tổn hại đến thông tin người dùng".
Giám đốc an ninh Alex Stamos xin từ chức tại Yahoo khi phát hiện công ty cho phép cơ quan chính phủ "rà soát" thông tin email người dùng |
Sau đó một tháng, Stamos gia nhập đội ngũ an ninh của Facebook, tuy nhiên không đề cập đến các vấn đề xảy ra tại Yahoo.
Trước đây những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden về các chương trình Prism, hay Upstream, cho rằng người dân Mỹ đang là đối tượng bị giám sát hàng loạt. Và bây giờ, có vẻ như mọi việc đang dần được đưa ra ánh sáng.
"Có vẻ như họ đang quét tất cả email của người dùng, thậm chí là ngay bên trong nước Mỹ. Thật khó để tìm ra lời biện minh của chính phủ khi yêu cầu Yahoo quét tất cả email của người dùng và khai thác thông tin", Crocker cho biết.
Trích dẫn từ tờ Theguardian cho rằng đây là một nỗi thất vọng vô cùng lớn. "Kể từ sau vụ Snowden, khách hàng chỉ biết đặt niềm tin vào các công ty công nghệ cao trong việc chống lại các yêu cầu gián điệp từ chính phủ Mỹ. Tuy nhiên mọi thứ đã không diễn ra như vậy."
Còn nhiều công ty khác cũng nhận được yêu cầu từ chính phủ Mỹ?
Các chuyên gia cho biết NSA hay FBI nhiều khả năng đã tìm cách tiếp cận các công ty Internet khác với yêu cầu tương tự. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ được rằng liệu họ có nhận được "cái gật đầu" giống như với Yahoo hay không. Hiện, hai nhà cung cấp dịch vụ email lớn nhất của Hoa Kỳ là Google (Alphabet) và Microsoft vẫn chưa đưa ra thông tin bình luận nào.
Ở một diễn biến khác, Apple từng trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận kéo dài sau khi từ chối lời đề nghị của chính phủ Mỹ giúp mở khóa chiếc iPhone đã mã hóa thu được từ một kẻ khủng bố hồi tháng 2 năm nay.
Trong một tuyên bố, công ty cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ làm việc với bất kỳ một cơ quân chính phủ nào trong việc tạo ra một "lối đi tắt" đối với bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào. Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai truy cập vào hệ thống máy chủ."
Bên cạnh đó, Apple thừa nhận họ chưa từng nhận được một yêu cầu tương tự từ các cơ quan chức năng. "Nếu có, chúng tôi sẽ phản đối yêu cầu này tại tòa án", phát ngôn viên của Apple cho biết.
Sau khi xảy ra vụ việc với Yahoo, mạng xã hội Facebook cũng cho biết: "Facebook chưa từng nhận được một yêu cầu tương tự từ chính phủ. Tuy nhiên nếu có, chúng tôi sẽ đấu tranh để chống lại nó."
Những thông tin bên lề vụ việc sẽ được Dân trí cập nhật trong thời gian sắp tới.