Quy định của Bộ Chính trị chặn tình trạng luân chuyển “tráng men”
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. PV Dân Việt có trao đổi với TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, xung quanh những nội dung rất đáng chú ý trong Quy định của Bộ Chính trị.
TS Thang Văn Phúc (đứng) trong một hội thảo. (Ảnh: VNN) |
PV: Quy định mới của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, trong đó có nội dung đáng chú ý như không điều động về T.Ư về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu. Với quy định này chúng ta tránh được việc cán bộ sau khi bị kỷ luật lại “an tọa” ở nơi khác, thậm chí chuyển công tác lên vị trí cao hơn, ông nghĩ sao?
TS Thang Văn Phúc: Thực ra không phải bây giờ vấn đề về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý mới được đưa ra, điểm khác là vấn đề được văn bản hóa bằng quy định của Đảng. Nói như vậy để thấy đây không phải là vấn đề lâu nay chúng ta bỏ trống.
Trong công tác cán bộ, chúng ta cũng không điều động về T.Ư về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có những trường hợp để lọt mà người dân hay dùng từ “con voi chui lọt lỗ kim". Cái đó là do công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được chặt chẽ.
Qua nghiên cứu thấy trong Quy định về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo của Bộ Chính trị có những vấn đề mới rất tốt, kế thừa những giá trị quý giá trong lịch sử của cha ông. Đó là cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong lịch sử, Luật Hồng Đức thời nhà Lê cũng đã có quy định, không được bổ nhiệm làm quan với người quê ở địa phương đó; người làm quan không được mua đất đai, lập gia đình ở nơi công tác.
Có thể nói từ rất sớm, cha ông ta đã có quy định để khắc phục vấn đề của quan hệ tình cảm, bởi quản lý nhà nước cần phải đảm bảo tính khách quan, độc lập. Nói như ngôn ngữ nghiên cứu khoa học là phải trung lập cao, không bị các quan hệ chi phối, thậm chí người đó còn không được làm quan lâu ở một địa phương.
Đến nay Bộ Chính trị đã có quy định vấn đề phải chấp hành quy định trên một cách nghiêm túc, trên cơ sở năng lực đánh giá cán bộ.
PV: Trong quy định của Bộ Chính trị có nêu rõ thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 3 năm đối với một chức danh, điều này sẽ tránh được tình trạng luân chuyển kiểu “tráng men”?
TS Thang Văn Phúc: Đó là mục đích chính, bởi khi thực hiện việc luân chuyển cán bộ phải đạt được mục tiêu thực, đảm bảo đúng ý nghĩa của việc luân chuyển cán bộ. Đó là để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm cho cán bộ để sử dụng, đề bạt họ vào vị trí cao hơn. Đây là vấn đề vừa khoa học vừa thực tiễn.
Việc luân chuyển cán bộ cần phải có thời gian để người được luân chuyển phải thực sự thực thi chức trách, nhiệm vụ ở cương vị mới, môi trường mới, đồng thời thu thập kiến thức từ hoạt động thực tiễn. Còn như người cán bộ luân chuyển chỉ làm từ một đến một năm rưỡi rồi được đưa vào vị trí cao hơn thì giống như kiểu “tráng men”.
Để người cán bộ được luân chuyển thực sự thực thể hiện được khả năng thì tối thiểu phải ba năm, nếu như được cả một nhiệm kỳ (5 năm) là tốt. Tuy nhiên ba năm cũng là quãng thời gian đủ để người được luân chuyển thể hiện khả năng trong công việc cũng như tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn để bố trí vào vị trí cao hơn.
PV: Ông có cho rằng, với quy định mới của Bộ Chính trị, sẽ triệt tiêu được tình trạng lợi ích nhóm, cả họ cùng làm quan trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ?
TS Thang Văn Phúc: Đó cũng là vấn đề được kỳ vọng, để tránh tiêu cực trong công tác cán bộ thì phải thực hiện cả những giải pháp khác. Bởi thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhiều vấn đề đặt ra, có thể hành động tiêu cực đó được thực hiện một cách tinh vi, không gián tiếp, nhiều khi lợi ích người ta vẫn gắn lại với nhau, việc kiểm tra, kiểm soát thế nào… Để kiểm soát cần phải có các công cụ khác nữa.
Quy định của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý là chủ trương trong Đảng, để vận hành đồng bộ Nhà nước cũng cần phải pháp luật hóa cụ thể hơn. Khi đã có quy định cụ thể sẽ buộc người có trách nhiệm ra các quyết định bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ phải có ý thức tuân thủ, nếu không chấp hành sẽ vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước.
PV: Xin cảm ơn ông./.