Quốc tế kêu gọi Zimbabwe kiềm chế và tránh bạo động
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh xảy ra bế tắc chính trị nghiêm trọng ở quốc gia miền Nam châu Phi sau khi quân đội Zimbabwe cơ bản đã kiểm soát các cơ quan nhà nước và các phương tiện truyền thông cũng như giam lỏng Tổng thống Robert Mugabe.
Tổng thống Mugabe của Zimbabwe. Ảnh: Daily Maverick. |
Trong một tuyên bố, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari kêu gọi tất cả các bên chính trị và quân sự ở Zimbabwe kiềm chế và tránh gây ra những hành động bạo lực mà có thể làm cho đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị không cần thiết, đồng thời làm ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực và châu lục.
Theo Tổng thống Nigeria, mọi nỗ lực cần được thực hiện để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi bằng các biện pháp hòa bình và thông qua hiến pháp Zimbabwe, tránh xảy ra tình hình bất ổn chính trị tại quốc gia châu Phi này.
Liên minh châu Phi (AU) đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng tại Zimbabwe “giống như một vụ đảo chính” và kêu gọi các bên liên quan cần tôn trọng Hiến pháp của đất nước. Theo ông Alpha Conde - người đứng đầu Liên minh châu Phi, đồng thời là Tổng thống của Guinea, đã lên án hành động của quân đội Zimbabwe khi cho rằng quân đội “đang cố gắng đoạt lấy chính quyền bằng vũ lực”.
Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên tại Zimbabwe bình tĩnh, không bạo lực và kiềm chế. Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Farhan Haq nói: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đang theo dõi sát sao tình hình đang diễn ra ở Zimbabwe. Ông kêu gọi các bên bình tĩnh, không bạo lực và kiềm chế. Tổng thư ký nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết những bất đồng chính trị thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại hòa bình, phù hợp với hiến pháp của quốc gia".
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi đối thoại và tìm kiếm giải pháp chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Zimbabwe.
Bà Catherine Ray- Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định: "Những diễn biến chính trị, trong đó liên quan đến các lực lượng an ninh tại Zimbabwe đang là vấn đề gây lo ngại. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và mong muốn rằng quyền cơ bản của mọi công dân cần được tôn trọng cũng như trật tự hiến pháp và dân chủ cần phải được bảo vệ. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan tránh đối đầu, tiến hành đối thoại với mục tiêu tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay".
Thủ tướng Anh Theresa May cùng Ngoại trưởng nước này Boris Johnson cũng đã kêu gọi các bên ở Zimbabwe kiềm chế, đồng thời cho biết tình hình hiện nay rất khó đoán định, kêu gọi công dân Anh tại Zimbabwe thận trọng và không nên ra ngoài trong thời điểm hiện nay.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, trên cương vị Chủ tịch Cộng đồng các nước phát triển miền Nam châu Phi (SADC), cho biết ông đã điện đàm với Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và được ông Mugabe cho biết ông đang bị quản thúc tại nhà riêng, song tình hình vẫn ổn.
Nhà lãnh đạo Nam Phi cho biết thêm sẽ cử các đặc phái viên đến Zimbabwe để gặp ông Mugabe và làm việc với Lực lượng phòng vệ Zimbabwe vốn đang nắm giữ quyền lực tại Harare nhằm làm dịu đi những căng thẳng đang gia tăng tại quốc gia láng giềng.
Tổng thống Zuma cũng kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định, cũng như giải quyết bế tắc bằng giải pháp hòa bình.
Ông Zuma nhấn mạnh, Cộng đồng các nước phát triển miền Nam châu Phi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ mọi diễn biến tình hình cũng như sẵn sàng trợ giúp nhằm giải quyết bế tắc chính trị tại Zimbabwe.
“Tôi hy vọng rằng lực lượng phòng vệ Zimbabwe sẽ không có thêm các động thái khiến tình hình căng thẳng hơn nữa và rằng họ sẽ tôn trọng hiến pháp của Zimbabwe cũng như người dân nước này để tình hình này không vượt ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi hy vọng rằng tình hình này sẽ được kiểm soát để hòa bình và ổn định sớm trở lại với Zimbabwe."
Theo các nguồn tin khu vực, đến thời điểm này quân đội Zimbabwe cơ bản đã kiểm soát các cơ quan nhà nước, các phương tiện truyền thông cũng như một kho vũ khí của đơn vị hỗ trợ cảnh sát bán quân sự ở thủ đô Harare và tước vũ khí của các cảnh sát tại đây.
Trước đó cùng ngày, hãng tin AP cho biết Tổng thống Mugabe và vợ là bà Grace Mugabe đã bị quân đội nước này tạm giữ sau một loạt các hoạt động quân sự diễn ra từ đêm 14/11.
Các diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh lần đầu tiên Zimbabwe chứng kiến những mâu thuẫn công khai giữa quân đội và Tổng thống Mugabe. Hồi tuần trước, ông Mugabe đã cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, đồng thời cáo buộc ông này âm mưu tiếm quyền. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối của Tướng Chiwenga, và quân đội cảnh báo sẽ can thiệp vào cuộc thanh trừng nhằm vào nhiều quan chức đảng ZANU-PF cầm quyền./.