Quan hệ đối tác chiến lược Thái Lan – Việt Nam: Cùng nhau lớn mạnh
Mối quan hệ thăng trầm
Nhìn lại lịch sử, những năm tháng xung đột giữa hai nước Siam (tên gọi cũ của Thái Lan) và Việt Nam khi khu vực Đông Nam Á chìm đắm trong các cuộc xung đột và tranh chấp lãnh thổ giữa các bộ tộc đã lùi xa vào quá khứ.
Mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan đang ngày càng có những bước phát triển mới. |
Hai nước đã từng hợp tác nhiều lần để đẩy lùi các mối đe dọa ngoại bang. Vào đầu những năm 40 của thế kỉ trước, khi Việt Nam đang tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, Chính quyền Siam đã hỗ trợ lãnh tụ cách mạng của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc (thường được biết đến với tên gọi Bác Hồ), để thực hiện các hoạt động đấu tranh chống Chính quyền thực dân Pháp. Nguyễn Ái Quốc đã dành thời gian 01 năm (1928 – 1929) đi khắp đất nước Thái Lan để chiêu mộ thêm lực lượng và xây dựng chiến lược giành độc lập dân tộc. Ngày nay, ngôi nhà an toàn của Nguyễn Ái Quốc tại Bản Na Choke, tỉnh Nakhon Pranom đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương.
Tuy nhiên, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước bị gián đoạn trong thời kỳ chiến tranh lạnh (kể từ đầu những năm 1950), khi đó Việt Nam trở thành kẻ thù số một của Siam do sự khác biệt về ý thức hệ. Chính quyền Thái Lan hợp tác với Mỹ, cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ Thái Lan làm căn cứ triển khai quân và chiến đấu cơ để tiến hành cuộc chiến chống lại Việt Nam, việc này chỉ chấm dứt khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.
Một năm sau đó, Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi đất nước này đã hoàn toàn thống nhất, nhưng không lâu sau, quan hệ của hai bên lại bị gián đoạn do Chính phủ cực hữu mới lên nắm quyền tại Thái Lan có quan điểm khác biệt so với Chính phủ tiền nhiệm và hạ mức quan hệ ngoại giao với Việt Nam do sự lan rộng của phong trào cánh tả tại Thái Lan. Quan hệ song phương được cải thiện sau khi Chính phủ quân sự lên nắm quyền vào năm 1977. Nhưng một lần nữa, hai quốc gia lại trải qua một bước lùi trong quan hệ khi Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia lật đổ Chính quyền Khơ me Đỏ vào cuối năm 1978. Trong suốt 13 năm tiếp theo, quan hệ giữa hai bên trải quan nhiều thử thách. Sau đó, lòng tin chiến lược dần được xây dựng, thúc đẩy hợp tác thực chất.
“Động cơ lõi kép” của ASEAN
Quan hệ hữu nghị Việt Nam – Thái Lan dần đi vào ổn định và được củng cố sau khi Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN vào năm 1995. Hai bên đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, tận dụng lợi thế giàu tài nguyên, thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam và nhất là việc Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế thị trường.
Trong hai thập kỷ gần đây, hai quốc gia đã nỗ lực điều chỉnh các chương trình và hoạt động phát triển cấp quốc gia để đạt được hiệu quả hợp tác cao nhất. Việt Nam đã mở rộng các hoạt động ngoại thương và hiện là quốc gia có kết nối mạnh nhất với nền kinh tế thế giới với việc ký kết 17 thỏa thuận thương mại tự do. Việt Nam là một trong 4 quốc gia ASEAN tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Thái Lan vốn được biết đến là một kinh tế tự do và mở cửa giờ cũng khó có thể so sánh với Việt Nam.
Thật vậy, chính sách thương mại hấp dẫn của Việt Nam khiến Thái Lan nỗ lực thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam và tiến tới xây dựng một nền kinh tế số. Các nhà đầu tư Thái Lan đã tận dụng môi trường chính trị ổn định và các chính sách đầu tư được Việt Nam duy trì áp dụng kể từ khi tiến hành Đối mới đất nước. Thái Lan hiện đang xuất siêu và là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia được dự đoán đạt mức 20 tỉ USD vào năm 2020.
Quan hệ song phương giữa hai nước đang tiến đến một tầm cao mới với sự tham gia mạnh hơn của các yếu tố mang tính chiến lược và kinh tế. Cả hai quốc gia nhận thấy có thể cùng nhau lớn mạnh. Tại thời điểm này, như những gì mà một quan chức ngoại giao cấp cao Thái Lan nhận định, không một yếu tố nào có thể gây gián đoạn hoặc làm suy yếu mối quan hệ hợp tác giữa Thái Lan – Việt Nam.
Là thành viên của cộng đồng ASEAN và các tổ chức tiểu vùng khác, Thái Lan và Việt Nam được ví như một động cơ lõi kép có thể giúp nâng tầm kinh tế khu vực, đồng thời tạo ra công bằng xã hội và ổn định tại tiểu vùng sông Mê Công. Mỗi quốc gia có các hành lang kinh tế riêng kết nối với Myanmar, Lào và Campuchia. Hai quốc gia cần điều chỉnh các kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô, tăng khả năng hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo các các kế hoạch được triển khai thực hiện hiệu quả.
Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc quyết định cục diện khu vực. Mối quan hệ nhiều năm giữa Việt Nam và Thái Lan với hai quốc gia lớn là Trung Quốc và Mỹ đã tạo ra một động lực mới trong khu vực giúp hai nước khẳng định tầm ảnh hưởng chiến lược chưa từng có tại khu vực. Chừng nào mà mối quan hệ Thái Lan – Việt Nam còn được duy trì ổn định, hòa bình và thịnh vượng sẽ tiếp tục là xu thế chung tại khu vực Đông Nam Á lục địa./.