Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới giáo dục rất bức thiết trong cách mạng công nghiệp lần 4
Khoảng 180 đại biểu trong và ngoài nước từ 53 thành viên Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), các tổ chức quốc tế và khu vực như UNESCO, Trung tâm học tập suốt đời của ASEM, Diễn đàn sáng tạo và khởi nghiệp, Quỹ Á - Âu…. Tổng Thư ký ASEAN, Thứ trưởng Giáo dục và Văn hóa Phần Lan, Giám đốc Văn phòng UNESCO phụ trách Giáo dục khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, đại diện Trung tâm học tập suốt đời của ASEM, Đại sứ, lãnh đạo một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu có uy tín của Á - Âu. Lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh và Lãnh đạo các Sở ban ngành liên quan của 19 tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội, TPHCM và 18 Hiệu trưởng của các trường đại học hàng đầu Việt Nam đã tham dự.
Đây là Hội nghị tầm liên khu vực quan trọng nhất trong khuôn khổ ASEM do Việt Nam đăng cai năm 2017, nhằm triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ được thông qua tại hội nghị cấp cao ASEM 11 (U-lan-ba-to, 7/2016) và cũng là sáng kiến đầu tiên về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thập kỷ thứ ba của ASEM.
Toàn cảnh Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững diễn ra tại TP Huế sáng 30/3 |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị: “Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả các vị đại biểu và các chuyên gia của 53 thành viên Diễn đàn ASEM cùng đại diện của các tổ chức quốc tế có mặt tại đây. Dù cách nói, cách thể hiện khác nhau, nhưng dân tộc nào cũng coi sự học, sự nghiệp giáo dục là quan trọng, là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của dân tộc mình, của đất nước mình. Người Việt Nam nào cũng thuộc lòng câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Giáo dục đào tạo là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và điều đáng nói là trong 16 mục tiêu còn lại, chúng ta đều thấy ít nhiều có liên quan tới giáo dục và đào tạo.
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vũ bão, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực có tri thức, công nghệ ngày càng có tính quyết định. Gần đây mọi người nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều ngành sản xuất, phương thức sản xuất, nhân công sẽ phải thay đổi, buộc phải đào thải, được thay thế. Cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, sẽ có những ngành nghề mới, cách làm mới, nguồn nhân lực mới sẽ ra đời, sẽ phát triển.
Ai là người sẵn sàng cho sự thay đổi đó sẽ giành được lợi thế. Ngược lại sẽ tụt lại phía sau. Đổi mới giáo dục, đào tạo đã luôn quan trọng lại càng quan trọng, không chỉ với các nước đang phát triển mà ngay cả với các nền kinh tế, nền giáo dục phát triển nhất. Điều đáng lưu ý là cuộc cách mạng lần thứ 4 này, sự thay đổi, thay thế lần này sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với những lần trước. Vì thế đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ quan trọng hơn mà còn bức thiết hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. |
Qua đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh về việc tự hào khi nhìn lại chặng đường hai thập kỷ phát triển, ASEM đã đóng vai trò quan trọng trong kết nối các nhà nước, Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân ở hai châu lục Âu - Á vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng. ASEM cũng đã góp phần tích cực thúc đẩy giáo dục và xây dựng nguồn nhân lực ở hai châu lục Á - Âu. Nổi bật là việc tổ chức định kỳ các Hội nghị Bộ trưởng giáo dục, Hội nghị Bộ trưởng về Lao động việc làm, lập các nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về đào tạo nghề và phát triển nhân lực... Nhiều sáng kiến, dự án về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được các quốc gia thành viên khởi xướng, thúc đẩy như các dự án của Quỹ Á - Âu, các sáng kiến về đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số, về năng lực sáng tạo và khởi nghiệp… đã đem lại động lực, sắc màu sáng mới trong quan hệ hợp tác và trong giáo dục, đào tạo.
“Những nỗ lực và kết quả hợp tác ấy cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, được nhân rộng hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển khi cuộc cách mạng 4.0 diễn ra, khi thế giới ngày càng phẳng hơn, nhỏ hơn với nhiều thời cơ và cả những thách thức đan xen hơn. Đặc biệt tại Hội nghị cấp cao ASEM 11 năm 2016, các nhà lãnh đạo ASEM đã cam kết tăng cường hợp tác để thúc đẩy giáo dục, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là thanh niên để khởi nghiệp và đảm bảo việc làm ổn định.
Cam kết rất chiến lược này không chỉ đảm bảo cho tương lai hợp tác ASEM ngày càng bền vững, hiệu quả; để các thành viên nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng 4.0 mà còn là đóng góp của ASEM cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững. Đây là lúc chúng ta cần hành động để thực hiện cam kết đó và hội nghị này là một hành động cụ thể.
Tôi mong rằng các diễn giả, các đại biểu sẽ thảo luận, đưa ra được nhận thức chung về tư duy, cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về đổi mới giáo dục đào tạo để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời vẫn đảm bảo tính bao trùm, công bằng, bình đẳng với nhóm yếu thế.
Tôi cũng mong rằng tại Hội nghị này nhiều kinh nghiệm đổi mới sẽ được trao đổi, phân tích; nhiều sáng kiến khuyến nghị được đưa ra. Đặc biệt là liên quan tới các giải pháp thúc đẩy kết nối các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM và cả ASEM với các đối tác, tăng cường hợp tác công - tư, sáng tạo và chuyển giao công nghệ (nhất là công nghệ trong giáo dục đào tạo), xây dựng xã hội học tập và đề xuất “Chương trình Nghị sự về kỹ năng ASEM thế kỷ 21” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ trong bài phát biểu tại Hội nghị ASEM.
Trong Hội nghị sẽ có 4 phiên toàn thể và phiên tổng kết với các nội dung quan trọng là “Vai trò của giáo dục và nguồn nhân lực trong thế kỷ 21 vì mục tiêu phát triển bền vững”; “Cơ hội, thách thức và vai trò của các bên liên quan”; “Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu”; “Từ tầm nhìn đến hành động: Tăng cường hợp tác Á - Âu trong lĩnh vực giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”. Phiên bế mạc sẽ diễn ra vào sáng 31/3 với sự phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Các đại biểu phát biểu trong phiên toàn thể thứ nhất “Vai trò của giáo dục và nguồn nhân lực trong thế kỷ 21 vì mục tiêu phát triển bền vững” |
Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” được tổ chức vào tháng thành lập diễn đàn ASEM (3/2006 - 3/2017) và diễn ra trong bối cảnh các nước thúc đẩy giáo dục sáng tạo, phát triển các kỹ năng thế kỷ 21 để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội nghị đã góp phần thúc đẩy hợp tác Á – Âu giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục, lao động, việc làm, đề xuất về Tầm nhìn Giáo dục và phát triển nhân lực của ASEM, Chương trình các kỹ năng mới của ASEM, hướng tới tăng trưởng bền vững và toàn diện, đóng góp hiệu quả vào việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.
Đặc biệt, Hội nghị chuyển đi thông điệp về chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả đối ngoại đa phương theo tinh thần Đại hội Đảng XII, thể hiện sự tích cực góp vào các quan tâm chung, tham gia đề xuất hướng hợp tác ASEM, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời, tranh thủ ủng hộ, phối hợp của các thành viên thúc đẩy quan tâm của ta về đổi mới, sáng tạo, giáo dục và phát triển nhân lực.
Được biết Kết quả của Hội nghị này cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 sắp tới ở Seoul và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels vào năm sau.