Phát lệnh khởi công xây dựng nhà ga sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
Quang cảnh buổi Lễ khởi công nhà ga T3, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. |
Tham dự Lễ khởi công tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Võ Minh Lương…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự Lễ khởi công. |
Dự án nhà ga sân bay Long Thành có tổng kinh phí đầu tư 35.000 tỷ đồng. Công trình xây trên khu đất rộng 150 ha, thiết kế hai luồng đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 lầu, đỉnh mái cao gần 46m, bố trí 40 vị trí đỗ máy bay. Nhà ga dự kiến hoàn thành và khai thác trong năm 2026.
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính, được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh. Điểm nhấn của nhà ga là khu vực bố trí ô lấy sáng trung tâm (tại khu vực làm thủ tục hàng không) và ô thông tầng cảnh quan trung tâm nhà ga (từ lầu 3 xuống lầu 1) - nơi bố trí thác nước nhân tạo và cảnh quan sân vườn, kết hợp với ánh sáng tán xạ khu vực bên trên ô lấy sáng chiếu xuống sẽ làm cho hành khách cảm thấy thoải mái, như hòa vào thiên nhiên tại khu vực này.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng HKQT Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.
Thi công sàn đáy tầng hầm nhà ga T3. |
Đơn vị thực hiện nhà ga sân bay Long Thành là Liên danh Vietur gồm 10 thành viên, trong đó có một số nhà thầu trong nước như: Ricons, Newtecons, Sol E&C, Vinaconex, CC1 với đơn vị đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng Ic Istas (Ic Istas) của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ giới thiệu đã xây dựng sân bay Pulkovo ở Nga, Varna Burgas ở Bulgaria, còn lại là các cảng hàng không ở quê nhà Thổ Nhĩ Kỳ. Phía doanh nghiệp nội có Vinaconex từng trúng nhiều gói thầu trong lĩnh vực cảng hàng không. ATAD cũng có kinh nghiệm thi công kết cấu thép cho nhiều sân bay trong nước.
Cùng ngày, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cũng được lệnh khởi công. Đây là 1 trong 3 cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất, có vai trò quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không toàn quốc. Với vai trò là cảng hàng không trung tâm, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung.
Nhà ga T3 gồm các hạng mục: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước. |
Nhà ga T3 gồm các hạng mục: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước. Công trình có tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng, khai thác từ quý 2/2025. Riêng nhà ga hành khách gồm một tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500 m2. Nhà ga có 90 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy gửi hành lý tự động, 42 quầy check-in, 27 cửa ra tàu bay (13 cửa ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.
Hiện nay, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang khai thác với một nhà ga hành khách quốc tế và một nhà ga hành khách quốc nội. Trong đó, nhà ga hành khách quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc nội hiện nay đang khai thác là hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế. Vì vậy, tình trạng ùn tắc trong nhà ga và hệ thống đường giao thông kết nối thường xuyên xảy ra, gây bức xúc cho hành khách và người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận./.