Phát hiện hoá thạch cá voi cổ đại có… bốn chân và đuôi như rái cá
Phát hiện này cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc mới về lịch sử tiến hóa kỳ quái của các loài động vật có vú lớn nhất thế giới.
Hình ảnh mô phỏng lại loài cá voi cổ đại có đặc điểm khá đặc biệt mới phát hiện hoá thạch ở Peru. |
50 triệu năm trước, những động vật có vú trên cạn không lớn hơn những con chó bắt đầu thích nghi với việc dành thời gian trong nước.
Trải qua hàng triệu năm, những sinh vật này đã tiến hóa thành những động vật có vú to lớn không có chân và đuôi mạnh mẽ, thích nghi hoàn hảo với cuộc sống trên biển. Kết quả cuối cùng tiêu biểu chính là loài cá voi hiện đại.
Giờ đây, các nhà khoa học đã rất bất ngờ khi phát hiện ra bằng chứng đầu tiên về việc cá voi bốn chân từng sống ở biển Thái Bình Dương. Điều này cho chúng ta biết thêm về cách những loài thuộc bộ cá voi cổ đại này lan rộng trên toàn cầu.
Loài mới này được đặt tên là Peregocetus pacificus, có nghĩa là cá voi du hành đã đến Thái Bình Dương.
"Đây là bằng chứng không thể chối cãi đầu tiên về bộ xương cá voi bốn chân cho toàn Thái Bình Dương, có lẽ là lâu đời nhất ở châu Mỹ và hoàn chỉnh nhất bên ngoài Ấn Độ và Pakistan”, nhà nghiên cứu Olivier Lambert, thuộc Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ, tuyên bố.
Cá voi được cho là xuất hiện lần đầu tiên ở Nam Á, trước khi phân tán qua các vùng biển khác trên thế giới.
Loài cá voi mới khá kì lạ, được mô tả là giống rái cá vì nó có móng guốc nhỏ ở đầu ngón chân và ngón tay, và các cấu trúc hông và chân cho thấy nó có thể đi lại. Tuy nhiên, nó cũng có khả năng có đuôi và chân có màng giúp đẩy nó xuống nước.
Trong một cuộc khai quật thực địa đến Playa Media Luna, một địa điểm ở sa mạc ven biển phía nam Peru, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra bộ xương động vật kỳ lạ này.
"Khi đào xung quanh xương đầu ra, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng đây là bộ xương của một con cá voi bốn chân, với cả hai chi trước và chân sau", nhà nghiên cứu Lambert giải thích:
Để làm rõ hơn, các nhà nghiên cứu đã phân tích các vi sợi được tìm thấy trong cùng lớp trầm tích với cá voi. Họ kết luận rằng sinh vật này sống cách đây khoảng 42,6 triệu năm, giữa thời đại được gọi là thế Thuỷ Tân.
Con cá voi kì lạ được cho dài khoảng 4 mét bao gồm đuôi. Thích nghi hoàn hảo để bơi lội, xương đuôi của nó có những điểm tương đồng với những con hải ly và rái cá - hai loài sinh vật có thể vừa đi trên cạn vừa lướt qua nước một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, việc hóa thạch được tìm thấy ở bờ biển phía tây Nam Mỹ ủng hộ ý tưởng rằng những con cá voi sớm đã đến Thế giới mới qua Nam Đại Tây Dương từ bờ biển phía tây châu Phi.
Các dòng chảy bề mặt về phía tây sẽ giúp đẩy chúng đến đích, trong khi hành trình xuyên đại dương đi được một nửa so với hiện nay. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng đã đến Nam Mỹ, các loài động vật sẽ hướng về phía bắc để xâm chiếm vùng biển Bắc Mỹ.
Các nhà nghiên cứu hiện hi vọng sẽ phát hiện ra những hóa thạch tuyệt vời hơn nữa từ Peru.