Phát hiện dấu tích người tiền sử trong hang động núi lửa ở Đăk Nông
PGS.TS Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) cho biết, các nhà khoa học vừa tìm thấy nhiều di tích, hiện vật khảo cổ mật độ khá dày, trong đó đặc biệt là xương người trong một hang động núi lửa ở Đăk Nông.
Các hiện vật khảo cổ trong hang núi lửa gồm đồ đá, gốm và xương động vật. Cụ thể, đồ đá có đá hình đĩa, rìu ngắn và rìu ngắn mài lưỡi, rìu hình bầu dục. Còn đồ gốm bao gồm các dụng cụ độ dày mỏng khác nhau, đa phần có độ nung còn thấp, dễ bị bẻ vỡ vụn, làm từ đất sét pha cát, hạt nhỏ, nặn tay. Chúng có loại hình đơn giản, chủ yếu là nồi và đồ đựng. Hoa văn trên các mảnh gốm khá sắc nét và đa dạng như chấm gạch, chấm dải, gạch dải, vặn thừng.
Đây là lần đầu tiên nhóm các nhà khoa học phát hiện dấu tích khảo cổ học trong hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất núi lửa Krông Nô (Cư Jút, Đăk Mil). Từng có nhiều đoàn nghiên cứu đến đây nhưng mới tìm thấy các di chỉ khảo cổ trên gò đồi, nương rẫy hoặc ven sông suối.
Nhóm đã phát hiện mảnh xương ống và bước đầu nhận định là xương của người. Xương không còn rắn chắc, dễ bị gãy vỡ vụn khi khô, phần rỗng của xương được lấp đầy bột sét ở thể xốp. Nhóm còn thấy các răng hàm động vật đang hoá thạch, xác định sơ bộ là răng thú của động vật ăn cỏ.
Dấu tích xương ống được các nhà khoa học nhận định là xương của người. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp. |
Có mặt tại thực địa từ 2/2 đến nay, tiến sĩ La Thế Phúc, thành viên nhóm còn phát hiện thêm nhiều bằng chứng mới về chủ nhân của hang động và hiện vật khảo cổ trong hang. Đó là các mộ táng hài cốt của người tiền sử và các tầng văn hóa. Những hang động có diện tích nền khá rộng, tương đối bằng phẳng, thông thoáng, cửa hang quay về hướng đông, đông nam và chính nam tiếp thu được nhiều ánh sáng, ra vào dễ dàng và phân bố ở gần nguồn nước sinh hoạt .. được nhiều hiện vật khảo cổ hơn.
"Kết quả trên là cơ sở bước đầu cho thấy một loại hình cư trú mới, hướng thích ứng mới của cư dân tiền sử vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên. Nó mở ra hướng nghiên cứu mới về một loại hình cư trú của người Tây Nguyên, khảo cổ học hang động núi lửa Việt Nam và Đông Nam Á", tiến sĩ Phúc nhấn mạnh.
Phát hiện trên được thực hiện từ cuối tháng 12/2016 đến đầu tháng 1/2017, trong khuôn khổ Dự án "Xây dựng bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam". Hiện Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ và tỉnh Đăk Nông cùng các đơn vị phối hợp nghiên cứu chi tiết các di vật khảo cổ cũng như loại hình cư trú trên. Sắp tới còn có thêm đoàn chuyên gia Nhật sang giúp đỡ.
Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện năm 2007 có tính độc đáo và quy mô lớn nhất Đông Nam Á thuộc công viên Địa chất núi lửa Krông Nô với diện tích khoảng 2.000 km2.