“Phải có chế tài trừng trị những người lạm quyền bổ nhiệm cán bộ”
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, ủy viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, quy trình cán bộ hiện nay phải tổng kết mới biết được kẽ hở ở đâu. Quy trình đúng như dây chuyền sản xuất gạch hoàn hảo, về nguyên lý chỉ có thể đầu vào là đất sét và ra là gạch chất lượng cao nhưng vì cho bùn, cho rác vào thì sản phẩm sẽ khác.
Bổ nhiệm “nhầm” phải lĩnh hậu quả
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, quy trình cán bộ đúng nhưng đầu vào là nhân sự không đủ tiêu chuẩn nhưng vì qua quy trình ấy họ có thể uốn nắn để hợp thức hoá nó, gọt chân cho vừa giày. Tức là thay vì công tâm khách quan trong tiêu chuẩn về nhân sự nói chung thì họ điều chỉnh để hướng tới nhân sự mà họ mong muốn.
Cho nên, vấn đề đặt ra là phải có một bộ khung về tiêu chuẩn cho tất cả các chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước, cấp nào ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy để làm sao những ai thấy rằng mình tài hẹn đức mọn không dám mơ đến.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân- Uỷ viên Thường trực Uỷ ban TC-NS |
Cùng với đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân, phải xây dựng được chế tài nghiêm khắc trừng trị những người nắm quyền nhưng lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ để thấy bộ chế tài đó mà khiếp sợ, không dám vượt qua “chỉ giới đỏ”. Sự trừng trị của pháp luật có thể rơi xuống đầu người đó bất cứ lúc nào nếu như cố ý bổ nhiệm “nhầm” người, dù cho đó là người bên ngoài hay người thân. Có như vậy thì cho dù người được bổ nhiệm là con cháu tài năng đường đường chính chính bước ra chính trường.
Cũng theo vị đại biểu này, cần xác định các nhóm cán bộ, như cán bộ chính trị, cán bộ quản lý, cán bộ điều hành, tầm tham mưu... để “dụng nhân như dụng mộc”, gỗ nào thì dùng vào việc đấy. Gỗ lim dùng làm trụ cái bởi vì nó không bị mối mọt, chống đỡ kiên cường, không thể lấy gỗ dâu làm cột cái được.
Chọn nhân sự cũng như vậy, cán bộ phong trào có thể tạo ra cảm hứng để lôi cuốn nhưng chưa hẳn có tư duy chiến lược, tầm nhìn chính sách; cán bộ quản lý phải nắm chắc đường lối chủ trương pháp luật như là một công thức để vận hành bộ máy, nếu như đưa họ lên tư duy tầm lãnh đạo chưa hẳn tốt...
“Người làm việc chuyên môn tốt, thấy có thành tích thì chuyển sang làm lãnh đạo quản lý, có khi ở tầm cao hơn là hoạch định chính sách, vượt quá năng lực của họ. Họ có thể soi chiếu ở vấn đề cụ thể rất tốt nhưng tầm nhìn ở diện rộng hơn bị hạn chế. Một cán bộ có năng lực dẫn dắt phong trào bằng những sinh hoạt cộng đồng rất vui vẻ, họ có thể có năng lực của một MC chứ không thể trở thành một chính trị gia, một nhà quản lý giỏi. Chúng ta đang nhầm lẫn như vậy. Do đó, xây dựng bộ tiêu chí cho một chức danh là rất quan trọng”.
Việc của tỉnh không thể “tấu” lên Thủ tướng
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, vấn đề bổ nhiệm nhân sự có tình trạng “thao túng” là tuỳ nơi, tuỳ người đứng đầu. Người đứng đầu mà trí minh, tâm sáng thì dẫn cả tập thể theo đúng đường lối. Ngược lại thì luôn hướng lợi ích đến trước hết là bản thân, cho lợi ích nhóm, cho gia đình, dòng tộc.
“Đánh giá thực sự khách quan thì tuyển dụng cán bộ không khó, vấn đề là người tuyển dụng có khách quan công tâm hay không. Bằng cấp là căn cứ xác định chỉ giới về mặt học thuật, nhưng quan trọng là tri thức thẩm thấu vào đầu anh như thế nào!” – ĐBQH Lê Thanh Vân.
Công tác cán bộ là một trong những vấn đề bức xúc, đến mức Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ và chỉ ra những sai sót, bất cập cùng nhiều giải pháp cụ thể. Nhưng pháp quy ra thành những quy tắc xử sự về mặt nhà nước chúng ta làm rất chậm.
Luật Cán bộ công chức từ năm 2008, tác động của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đến giờ vẫn chưa dịch chuyển, khởi xướng để mà sửa đổi bổ sung. Rồi một loạt các văn bản hướng dẫn về xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ, xây dựng tiêu chí chức danh việc làm, rất nhiều việc phải thực hiện. Bộ máy cũng vậy, đang đi theo một cảm hứng rất ngẫu nhiên là khi nào thấy cần thiết là “đẻ” ra hoặc co lại.
Ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh, ở đây có vấn đề về nguyên lý phân công quyền lực, trước hết là xác định chức năng từng cơ quan, từng thiết chế rạch ròi để từ đó xác định nhiệm vụ và đến các công việc cụ thể mới đo đếm được số lao động cần bố trí như thế nào cho thích hợp.
Nguyên lý đó mà làm tốt thì chính là phân công quyền lực tốt và kiểm soát quyền lực và sẽ không còn “nại” ra rằng những việc gì chậm là do phối hợp. Việc của Chủ tịch tỉnh không thể “tấu” lên Thủ tướng giải quyết được.
Cũng theo vị đại biểu này, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể dần được nhận thức rõ hơn khi tập thể là nơi quyết định chính sách lớn và thực hiện quyền giám sát của mình trong tổ chức thực hiện, còn cá nhân sau khi phân công thẩm quyền thì phải chịu trách nhiệm. Tinh thần đó thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Vấn đề là về mặt nhà nước cụ thể hoá ra bằng các quy tắc xử sự như thế nào thì đang làm chậm. Lúc nào cũng thấy đang nghiên cứu!./.