Ô tô cũ nhập khẩu sẽ phải đăng kiểm từng chiếc
Ngành kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô sẽ chính thức là ngành kinh doanh có điều kiện theo dự thảo vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ xem xét ký ban hành.
Ô tô nhập khẩu phải có giấy cam kết từ nhà sản xuất
Từ khi nội dung dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đưa ra lấy ý kiến đã có nhiều luồng quan điểm khác nhau, như: Có hay không nguy cơ cho người mua xe khi nhà phân phối không có cơ sở bảo dưỡng, bảo hành? Việc bãi bỏ giấy bảo hành chính hãng liệu có biến Việt Nam thành “bãi rác” xe kém chất lượng của thế giới? Hay những cam kết của nhà nhập khẩu có đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng...? Tuy nhiên, theo dự thảo mới nhất (dự thảo cuối cùng trình Chính phủ) cho thấy, Ban soạn thảo đã có một số tiếp thu, bổ sung ý kiến trong thời gian qua.
Khi Nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa |
Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT), sau khi Bộ GTVT có văn bản góp ý, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu trong việc bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) thay vì chỉ quy định đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, Ban soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung.
Theo dự thảo, đối với ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm theo mẫu. Trường hợp xe nhập khẩu có kết quả chứng nhận sự phù hợp về chất lượng từ các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau thì thực hiện theo thỏa thuận. Đối với ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng, phải được kiểm tra chất lượng ATKT&BVMT đối với từng xe theo quy định.
Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, quy định bắt buộc ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được đăng kiểm là một biện pháp hữu hiệu nhằm tránh việc biến Việt Nam thành “bãi rác” xe kém chất lượng của thế giới.
Một nội dung cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý thời gian qua là quy định về triệu hồi xe cũng đã được tiếp thu, bổ sung. Theo đó, dự thảo ban đầu quy định đơn vị nhập khẩu xe phải có cam kết bằng văn bản việc triệu hồi với Bộ Công thương. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, quy định như vậy là chưa đủ. Nếu chỉ cam kết trên giấy thì quá đơn giản và đơn vị nhập khẩu hoàn toàn có thể chối bỏ trách nhiệm. Theo ông Lâm Chí Quang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam: “Cam kết thì không thể nào thể hiện được trách nhiệm thực tiễn. Thực tế, khi hãng sản xuất thực hiện triệu hồi xe sẽ chỉ thông báo cho đơn vị phân phối chính hãng và có bảng hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp phụ tùng thay thế. Trong trường hợp nhập khẩu nhỏ lẻ, qua nước thứ ba thì điều này không thể xảy ra”.
Vì vậy, trong dự thảo trình Chính phủ, Ban soạn thảo đã bổ sung phương án: “Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có cam kết từ phía các nhà sản xuất ô tô (hoặc hiện diện thương mại hợp pháp của nhà sản xuất đó tại quốc gia xuất khẩu) về trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình bảo hành, bảo dưỡng và bảo đảm cung cấp các linh kiện, phụ tùng phù hợp thay thế đảm bảo chất lượng kỹ thuật của xe nhập khẩu, trừ trường hợp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng…”.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm bắt buộc đơn vị nhập khẩu phải có cơ sở bảo hành từ 1/7/2020 là không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng do tạo ra lỗ hổng 3 năm về hậu mãi. Như vậy, nếu khách hang mua xe từ năm 2017 thì phải đợi đến 3 năm sau mới được bảo hành chính hãng. Vì vậy, trong dự thảo mới, Ban soạn thảo đã đưa thêm phương án rút ngắn 1 năm thời gian quy định điều kiện này đối với nhà nhập khẩu ô tô (áp dụng từ 1/7/2019)...
Theo đại diện một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, những phương án bổ sung đã cho thấy sự cầu thị của Ban soạn thảo. Hy vọng, đây sẽ là cơ sở để Chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng khi ban hành Nghị định chính thức.
Khuyến khích đầu tư dài hạn, tăng tỷ lệ nội địa hóa
Cho biết về sự cần thiết của việc ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, trong Tờ trình trình Chính phủ đã nêu rõ: Ô tô là mặt hàng có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Đồng thời, ô tô còn là tài sản có giá trị đối với phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành ô tô phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất.
“Hiện nay, chưa có các quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các nhà nhập khẩu ô tô nhằm bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng trong nước cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường. Ví dụ, như một số xe ô tô nhập khẩu phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất của hãng, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và an toàn của người sử dụng và cộng đồng, tuy nhiên không có doanh nghiệp nhập khẩu nào chịu trách nhiệm triệu hồi, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng…
Việc thiếu các ràng buộc đối với các nhà nhập khẩu ô tô đã dẫn tới những bất cập như: Nhà nhập khẩu không có trách nhiệm đối với người tiêu dùng khi phát sinh yêu cầu xử lý lỗi kỹ thuật xảy ra trong quá trình sản xuất; Hệ thống bảo hành, bảo dưỡng của nhà nhập khẩu không tương thích với xe nhập khẩu dẫn đến khả năng gây mất an toàn; Không ràng buộc được trách nhiệm triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật đối với nhà nhập khẩu theo thông lệ quốc tế; Không đáp ứng được yêu cầu thu hồi, thải bỏ ô tô theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...”.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng nhằm khắc phục một số bất cập trong quy định hiện hành về việc xác định hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của ô tô nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, hạn chế tình trạng gian lận thương mại trong quá trình nhập khẩu nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm ô tô.
Theo Ban soạn thảo, Nghị định này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, hướng tới mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô phù hợp với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đã đặt ra.../.