“Nữ hiệp sĩ” lớp 4 viết sách về chống xâm hại trẻ nhỏ
Với tên gọi là “Hiệp sĩ TANI”, bé Thảo Nhi, 9 tuổi là một trong ba tác giả tham gia biên soạn cuốn sách “Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con” & “Những bảo bối của Hiệp sĩ TANI”.
Thảo Nhi nói về "vùng đồ bơi" trong buổi nói chuyện chuyên đề chống xâm hại với bạn bè |
Thảo Nhi làm báo cáo viên về chủ đề này với các cán bộ, quản lý ở quận 12, TPHCM trong diễn đàn Bảo vệ trẻ em. |
Thảo Nhi viết ra các tình huống cụ thể, nguy cơ các bạn trẻ thường gặp thông qua những vần thơ, vần điệu kèm hình ảnh minh họa nên rất dễ đọc, dễ hình dung. Các bạn nhỏ có thể thấy như chính mình đang trong bối cảnh mà Thảo Nhi viết ra. Những câu chữ hồn nhiên, đơn giản của cô bé cũng “gói gọn” rất nhiều thông tin, kiến thức về giới tính, về phòng chống xâm hại mà có khi các chuyên gia phải viết ra trong nhiều trang giấy không diễn đạt hết.
Nói về “quyền làm chủ” cơ thể, Thảo Nhi viết:
Cơ thể không phải của chung
Không ai được phép lung tung đụng vào
Dù bị dọa nạt thế nào
Dũng cảm la lớn, chạy ào thật nhanh
Méc ba, méc mẹ: “Bắt râu xanh”.
Về “vùng cấm” trên cơ thể, cô bé lớp 4 nhắn nhủ bạn bè:
Bạn ơi cần nhớ kỹ
Chỗ bạn mặc đồ lót
Không cho ai đụng vào.
Bên cạnh những vần thơ là những câu chuyện, tình huống gặp nguy hiểm và thoát hiểm một cách thông minh được Thảo Nhi kể ra một cách cụ thể. Trong đó, có những tình huống em chính là nạn nhân và đã tự thoát nạn.
Trước đó, Thảo Nhi tự đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện về chủ đề xâm hại trẻ em với các bạn học sinh trong lớp. Sau đó, làm báo cáo viên về vấn đề được xem là “tế nhị” ngày trong khối và trước toàn trường. Từ những vụ xâm hại trẻ em đau lòng và thấy bạn bè xung quanh mình còn rất “ngây ngô” trong việc bảo vệ bản thân đã thôi thúc cô bé cần làm một điều gì đó.
Thảo Nhi, cô bé lớp 4 "đứng chung" cùng các chuyên gia viết sách về chống xâm hại trẻ em |
TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM), một trong những tác giả của cuốn sách cho biết, qua bài viết về Thảo Nhi trên báo Dân trí, bà thấy cô bé có những quan điểm về bảo vệ trẻ em rất giống với mình.
Đó là các bạn nhỏ nếu bị xâm hại hãy lên tiếng, nói với bố mẹ. Đây không phải là lỗi của các em, các em không phải xấu hổ, không sợ hãi vì im lặng không chỉ oan ức cho bản thân mà còn tiếp tay cho kẻ xấu.
Bà Thúy cũng rất tâm đắc với quan điểm của Thảo Nhi trong việc cần thiết phải trang bị kỹ năng phòng chống cho các bạn nhỏ. Có kỹ năng, các em không chỉ cứu bản thân, cứu cha mẹ mà còn cứu cả kẻ xấu. Trước một đứa trẻ mạnh dạn, có kỹ năng, kẻ xấu sẽ phải “co mình”.
TS Phạm Thị Thúy cũng thấy rằng, khi người lớn nói về vấn đề xâm hại trẻ em, chưa chắc trẻ đã thu nhận được. Trẻ nói theo cách của trẻ các em sẽ dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Chính vì thế bà Thúy đã ngỏ lời mời Thảo Nhi tham gia cùng biên soạn cuốn sách để gửi thêm những bài học, tình huống, kinh nghiệm đến phụ huynh và trẻ nhỏ trong vấn đề đang rất nhức nhối hiện nay là nạn xâm hại trẻ em.
Bà Phạm Thị Thúy cho biết thêm, sách đã được gửi tặng đến rất nhiều nơi như trường học, các tổ chức giáo dục, thư viện cho trẻ em nghèo, các chùa có tổ chức các khóa tu mùa hè...