Nông sản Việt: Xuất khẩu nhiều nhưng vẫn có... vị đắng
“Được “visa” đi Mỹ, Australia, Nhật… những tưởng con đường cho nông sản Việt đã rộng mở, chấm dứt chuỗi ngày “giải cứu”. Song có đi trên con đường ấy mới biết còn nhiều chông gai, bởi thâm nhập thị trường đã khó, trụ lại được càng khó hơn.
Xuất khẩu nhiều
Sau thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Canada… mới đây, nông sản Việt lại đón nhận tin vui khi trái chôm chôm được cấp phép xuất khẩu vào thị trường New Zealand. Như vậy, sau xoài và thanh long, chôm chôm là mặt hàng trái cây thứ 3 xuất khẩu được sang thị trường này. Được biết, sau chôm chôm, từ năm 2019, quả nhãn tươi và tôm tươi nguyên con của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Australia.
Thực tế, Việt Nam có thế mạnh trái cây mà không phải nước nào cũng có được. Chẳng hạn như thanh long, xoài, vải thiều Việt Nam được nhiều nước đánh giá rất ngon và muốn nhập khẩu. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm dần lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Doanh nghiệp xuất khẩu thâm nhập thị trường đã khó, trụ lại được càng khó hơn. (Ảnh minh họa: KT) |
Điều này hoàn toàn khả thi, bởi New Zealand là thị trường khó tính. Nông sản Việt muốn xuất khẩu vào thị trường này cần phải đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu như: Vườn trồng chôm chôm phải lập hồ sơ đăng ký, được cấp mã số vùng trồng, kiểm soát sinh vật gây hại, sản xuất theo đúng quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện chiếu xạ, quy cách đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nông sản Việt Nam hiện có mặt tại 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Canada… Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng và thặng dư, góp phần cải thiện cán cân thương mại.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 2/2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức kỷ lục mới trong xuất khẩu nông lâm thủy sản. Với những thành quả này, Bộ NN&PTNT cho biết mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2018 khoảng 37 - 38 tỷ USD, tăng 0,63 - 1,63 tỷ USD so với năm 2017.
Mặc dù lập kỷ lục mới trong xuất khẩu nông sản, song điều đáng nói, trong Top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam, Trung Quốc đứng vị trí đầu tiên khi chiếm tới 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là Nhật Bản chiếm 3,7%, Mỹ 3%, Hàn Quốc 2,6%, thị trường EU chỉ mới chiếm 0,4%.
...nhưng vẫn có “vị đắng”
Để nông sản Việt Nam vào được thị trường các nước, thời gian đàm phán thường kéo dài từ 5 - 7 năm, thậm chí cả chục năm. Sau 7 năm nộp hồ sơ và đàm phán thương mại, quả chôm chôm của Việt Nam mới chính thức được cấp phép xuất khẩu vào thị trường New Zealand.
Phải mất tới 12 năm đàm phán, quả vải mới “mở cửa” được thị trường Australia. Được “visa” đi Mỹ, Australia, Nhật... Những tưởng con đường cho nông sản Việt đã rộng mở, giúp “giải cứu” cho quả vải Việt Nam với sản lượng khoảng 250.000 tấn chín rộ mỗi vụ, nhưng khi đi trên còn đường ấy, mới thấy quá nhiều chông gai...
Cụ thể với câu chuyện quả vải, sau 12 năm đàm phán, sau 3 năm xuất ngoại, nhiều doanh nghiệp tâm huyết đưa quả vải xuất ngoại bao nhiêu thì sau 3 năm lại thất vọng bấy nhiêu. Mùa vải đầu tiên, có 9 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và 9 công ty nhập khẩu. Tuy nhiên, sau 3 năm xuất khẩu, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chỉ còn lại một vài doanh nghiệp.
Giám đốc một Công ty xuất khẩu nông sản cho biết, Công ty của ông từng tham gia xuất khẩu vải thiều từ vụ vải năm 2015 sang thị trường Australia. Sau năm đầu tiên xuất khẩu thử nghiệm và được bạn hàng phía Australia đánh giá cao, vụ vải năm 2017, công ty tiếp tục ký hợp đồng với nhiều bạn hàng phía Australia để xuất khẩu vải. Sau khi biết dây chuyền công nghệ sơ chế, bảo quản quả vải tại huyện Lục Ngạn đi vào hoạt động, công ty lập tức mở rộng nguồn cung đưa quả vải vào sơ chế, bảo quản và đóng gói tại đây.
Sau khi bảo quản đóng gói, các lô vải này được chuyển về Hà Nội để chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, trước khi chuyển sang Australia. Tuy nhiên, khi tới được Australia, các lô hàng này hầu hết bị thối và hỏng nên bị bạn hàng chuyển trả lại, phải đổ bỏ hàng chục tấn vải, khiến công ty lao đao.
Vì thế, công ty gần như mất hết bạn hàng phía Australia và đành phải chuyển sang thị trường khác. Từ một doanh nhân tâm huyết với quả vải, kỳ vọng sẽ chinh phục và chiếm lĩnh thị trường Australia, doanh nghiệp này đã phải “ngậm ngùi” chia tay quả vải.
Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm, là 1 trong 2 doanh nghiệp còn trụ lại được với quả vải cho đến thời điểm này, tự nhận mình “điếc không sợ súng” cho biết, quả vải là trái cây đặc thù nên rất khó bảo quản, chỉ cần thay đổi nhiệt độ là chất lượng quả vải sẽ bị ảnh hưởng. Mặc dù tâm huyết với quả vải nhưng 3 năm qua, năm nào doanh nghiệp cũng lỗ.
Không chỉ quả vải, nói về khó khăn khi xuất khẩu nông sản, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, đưa được hàng sang đã khó, nhưng để trụ vững là điều không dễ. Khó khăn đầu tiên là nguyên liệu đầu vào không ổn định. Nhiều doanh nghiệp thực hiện thu mua nông sản theo đúng hợp đồng và hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật chăm sóc song sản phẩm nông dân sản xuất ra không đồng đều, vẫn còn tình trạng rau, củ, quả chất lượng không bảo đảm. Thậm chí nhiều nông dân, vì lợi ích trước mắt sẵn sàng phá hợp đồng khi thương lái trả giá cao hơn. Điều này khiến doanh nghiệp bị động khi ký hợp đồng với đối tác.
Ông Nguyễn Công Cường, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản Việt Tuấn cho hay, doanh nghiệp cung cấp giống, bao tiêu saản phẩm cho người dân. Tuy nhiên, vì cung cấp giống và bao tiêu nên thu mua bao giờ cũng rẻ hơn thị trường. Vì thế, khi giá nông sản rẻ, doanh nghiệp chịu thiệt vì vẫn phải thu mua theo giá đã ký với người dân.
Ngược lại khi thị trường tăng người dân lại bán trộm cho các thương lái khác. Đấy là khó khăn của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay bởi nền nông nghiệp nước nhà thiếu tính chuyên nghiệp./.