Nông sản Việt thua trên “sân nhà” vì người tiêu dùng kém tin tưởng
Đa phần nông sản không rõ nguồn gốc
Người tiêu dùng hiện đã quen thuộc với cụm từ “giải cứu nông sản”, từ thịt lợn, dưa hấu, đến hành tỏi, củ cải, su hào… Tình trạng “được mùa, mất giá” đã diễn ra nhiều năm nay, những cuộc “giải cứu” vẫn tiếp tục diễn ra.
Trong khi sản xuất nông sản dư thừa, giá xuống thấp, thì trong nước vẫn phải bỏ ra hàng tỉ USD để nhập khẩu nông sản về tiêu thụ. Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nhập khẩu sử dụng dù giá thành cao. Nông sản Việt đang thua ngay trên sân nhà.
Nông sản nội địa vì sao thua nông sản nhập khẩu trên sân nhà khi có lợi thế về giá thành, chi phí vận chuyển, lợi thế tiếp cận thị trường? Bên cạnh nguyên nhân về chất lượng nông sản, đó còn là niềm tin của người tiêu dùng với những sản phẩm nông sản, độ an toàn của các sản phẩm nông sản sạch.
Cụm từ “giải cứu nông sản” đã trở thành quen thuộc tại Việt Nam. |
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, tiêu thụ nông sản ngoài các vấn đề về thị trường, về giá trị sản xuất thì cần minh bạch về thông tin, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Hiện người tiêu dùng, khách hàng nhập khẩu không biết đâu là sản phẩm được sản xuất đúng quy trình, có giá trị.
Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam mới làm được một phần nhỏ, đại đa số nông sản không rõ nguồn gốc. Trong siêu thị hay các cửa hàng bán nông sản có thể nói sản phẩm đến từ những địa chỉ sản xuất an toàn nhưng người tiêu dùng không thể kiểm chứng. Chi phí giữa các sản phẩm có nguồn gốc rất cao so với sản phẩm sản xuất không có nguồn gốc.
“Nếu không truy xuất được nguồn gốc nông sản thì tất cả đều thua thiệt, không biết đâu là sản phẩm tốt, đâu là sản phẩm không sản xuất theo đúng quy trình. Khi truy xuất được nguồn gốc thì giá trị nông sản mới nâng lên và người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ mới có thêm được giá trị gia tăng từ sản phẩm an toàn”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.
Chuỗi liên kết “lỏng lẻo”
PGS. TS Vũ Trọng Khải, thành viên Liên minh Nông nghiệp cho rằng: Việc phát triển nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị ngành hàng là xu thế tất yếu. Ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị, công nghệ là phương tiện để thực hiện.
Chuỗi cung ứng nông sản là con đường để nông dân tiếp cận thị trường, việc tham gia là tự nguyện. Thực chất các chuỗi cung ứng là liên kết cung - cầu và liên kết này dựa vào niềm tin của các chủ thể tham gia. Thực tế hiện nay, các chủ thể này thiếu niềm tin đối với nhau, người tiêu dùng không tin vào người sản xuất, người nông dân thì không tin vào doanh nghiệp, doanh nghiệp không tin vào người sản xuất, hiện tượng “bẻ kèo” diễn ra phổ biến.
Trong tiêu thụ sản phẩm có nhiều nhà nhưng quan trọng nhất vẫn là nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Doanh nghiệp phải giải quyết các vấn đề mà không bao giờ nông dân giải quyết được đầu tiên là thị trường. Các doanh nghiệp có nghiên cứu thị trường, có thông tin sản phẩm có thể cung cấp cho tiêu thụ ở các vùng, xuất khẩu và quay lại đặt hàng nông dân sản xuất. Công nghệ thì người dân cũng không thể tự làm được và bắt buộc doanh nghiệp phải tiếp cận và đưa vào chuỗi liên kết. Cuối cùng là vốn để sản xuất quy mô lớn phải là doanh nghiệp.
“Theo tôi, doanh nghiệp phải đứng ra tổ chức chuỗi, doanh nghiệp phải phát triển lớn lên, nên về mặt thể chế cần có những chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đứng ra tổ chức những chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản” - PGS TS Vũ Trọng Khải nói.
Bên cạnh vai trò của doanh nghiệp, theo PGS TS Vũ Trọng Khải, vai trò quan trọng không kém là người nông dân chuỗi liên kết. Tại sao người nông dân “bẻ kèo” khi giá nông sản được thương lái trả cao hơn một ít so với doanh nghiệp liên kết? Vì diện tích canh tác của người dân nhỏ lẻ, việc tiêu thụ có thể theo nhiều kênh như bán cho các công ty hoặc qua thương lái.
Nếu người nông dân có diện tích canh tác khoảng 5-10 ha lúa thì sản lương lên tới cả trăm tấn lúa mỗi lần thu hoạch sẽ tìm đến nguồn tiêu thị ổn định. Để chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản phải có cả “nông dân lớn” bên cạnh doanh nghiệp lớn. Để sản xuất quy mô lớn không có gì ngoài việc phải tập trung tích tụ ruộng đất./.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn”. Đến nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 746 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; trong đó, 382 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Các tỉnh đã triển khai vận động, hỗ trợ sản xuất nông sản, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, trên cả nước đã có trên 1.900 cơ sở được chứng nhận VietGAP; 313 trang trại và 2.502 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.