Nỗi lòng Shipper
Giá xăng tăng mà không tăng giá giao hàng thì shipper là người chịu thiệt thòi |
Chị Trương Minh Trang, quản lí của nhóm Tóp Mỡ Shipper Ship thành phố Thái Nguyên, với số lượng hơn 80 thành viên, hơn ai hết chị nắm bắt, hiểu khối lượng đơn hàng cũng như những rủi ro mà những shipper phải đối mặt trong đợt dịch lần này, khi Thái Nguyên ghi nhận số ca nhiễm cao hàng ngày.
Chị Trương Minh Trang chia sẻ: “Trong mùa dịch này lượng đơn hàng của các quán tăng rất nhiều, bản thân nhóm không giám nhận thêm vì không đảm bảo. Các bạn Ship là F0, F1 phải nghỉ hoặc lo lắng dịch cũng nghỉ nhiều”.
Để phòng tránh, hầu hết các đơn vị quản lí, sử dụng shipper và cả chính các shipper đều trang bị, nâng cao ý thức tự bảo vệ. Không chỉ vì lo cho sức khỏe của bản thân mà cả trách nhiệm, sợ ảnh hưởng tới cộng đồng.
Anh Nguyễn Đức Thiện, thành viên nhóm Tóp Mỡ Shipper Ship thành phố Thái Nguyên cho biết: “Đi ship cũng lo dịch bệnh, có thể lây nhiễm từ khách hoặc mình có thể lây cho khách. Nhiều lúc phải tìm cách tránh tiếp xúc với khách như thanh toán bằng chuyển khoản…”.
Anh Trần Mạnh Hùng, nhân viên Siêu thị Minh Cầu, TP Thái Nguyên: “Những đơn hàng mình sẽ khử khuẩn trước khi giao cho khách để đảm bảo an toàn cả cho mình và khách”.
Anh Trần Huy Quyền, nhân viên Siêu thị Minh Cầu, TP Thái Nguyên cho biết thêm: “Thời gian đầu mùa dịch sợ lắm, cũng nghỉ một thời gian, bây giờ đi làm lại vẫn sợ nhưng vì công việc nên vẫn đi”.
Các Shipper khử khuẩn trước khi giao cho khách để đảm bảo an toàn |
Thời gian qua, giá xăng liên tục tăng, lại cộng thêm nỗi lo cho những người giao hàng công nghệ. Anh Nguyễn Anh Tùng, Công ty Chuyển phát nhanh Thuận Phong, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Trước đây đổ 80.000 đồng đầy bình xăng đi được 3-4 ngày, còn bây giờ 80.000 đấy chỉ đi được 2 ngày thôi. Vì chạy tuyến cố định nên phải chấp nhận…”.
Ông Bùi Mạnh Thắng, một shipper tự do cho biết: “Xăng lên 27.000 đồng/lít rồi, tôi cũng không giám lấy thêm tiền của khách. Xăng thì Nhà nước tăng giá, còn tiền hàng mình tự tăng thì khách hàng không đồng ý…”.
Giá xăng tăng mà không tăng giá giao hàng thì shipper là người thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu giá giao hàng tăng thì người đặt hàng ít đi, lại thiệt thòi nhiều hơn. Chưa kể dịch bệnh kéo dài cũng khiến thói quen mua hàng của người dân có thay đổi. Anh Nguyễn Hà Cương, Hệ thống Chum Cafe Thái Nguyên thông tin: “Mình bán hàng doanh số ship cũng giảm đi khoảng 50%, vì dịch bệnh kéo dài nên người dân cũng cắt giảm chi tiêu”. Ông Bùi Mạnh Thắng, shipper tự do chia sẻ: “Xăng dầu thế này cũng hạn chế đi lại, hạn chế chi tiêu…”.
Người mua thắt chặt chi tiêu và những người giao hàng công nghệ cũng sẽ phải làm vậy khi giá xăng liên tục tăng. Tất cả chỉ có thể là cùng thích ứng, cùng chia sẻ trong mùa dịch.
Có công việc, có thêm thu nhập nhưng bên cạnh đó cũng là những nỗi lo canh cánh mỗi ngày, trên mỗi cung đường với mỗi “shipper”.